Thời gian trên những mái nhà

Thời gian trên những mái nhà

Nếu một hôm nào đó, khi chiều buông, từ hướng đê sông Hồng thả bộ vào phố Hàng Hòm, có lẽ bạn sẽ cảm được một “tinh thần Hà Nội”. Con phố nhỏ chi chít người, những quán cà phê be bé, đôi quán nước chè với những cụ bà hiền lành... cho dẫu tiếng xe máy vẫn ầm ào xung quanh. Và dẫu đã thưa thớt lắm rồi nhưng vẫn còn đó những mái nhà trên trăm năm tuổi.

Thời gian trên những mái nhà ảnh 1

Phố Hàng Đào, Hà Nội trong ký ức.

Người Hà Nội hoàn toàn có quyền tự hào về một khái niệm kiến trúc đã được xác định: Kiến trúc Đông Dương. Khó có thể nói hết về khái niệm này, nhưng một đặc điểm không thể trộn lẫn đó là sự hiện diện của mái nhà truyền thống cư dân châu thổ sông Hồng, được phối hợp tài tình với kiến trúc theo lối biệt thự miền Nam nước Pháp thế kỷ 18, 19.

Mái nhà phố cổ Hà Nội lại là mái nhà thuần Việt. Thường thì người xưa làm nhà theo chiều ngang, 3 gian 2 chái, nên mái nhà cũng được kéo ra theo chiều ngang.

Nhưng do thế đất trong thành phố không cho phép nhà ngang, mà lại quay đi thành nhà dọc, người ta phải xây nhà ống, nên mái nhà cũng quay theo. Nhìn bên ngoài, mái nhà ở phố cổ Hà Nội không cuốn hút bởi những trang trí cầu kỳ, công phu, mà nó đẹp một cách kín đáo, bình dị, cho ta cảm giác ấm cúng như đứng trước những ngôi nhà ở nông thôn, chứ không phải là một căn hộ chốn đô thành.

Ngày trước, ngói lợp chủ yếu là loại ngói vảy, nhỏ, trông giống như bộ vảy trên thân một con cá chép. Nhìn xa xa, lớp ngói này cho ta một hình dung về cái cảnh “Lý ngư vọng nguyệt”, hay nói một cách khác những mái nhà như những con cá lưu lại hình bóng trong không gian khi thời khắc chuyển dần từ ngày sang tối.

Sau này, loại “ngói Tây” được dùng phổ biến hơn bởi sự tiện lợi và giá cả, nhưng dẫu thế thì vật liệu mới này cũng đã ăn nhập được vào với lối kiến trúc Việt trong lòng những con phố.

Thời gian trôi qua, những mái ngói trong phố cổ Hà Nội thưa thớt dần. Bây giờ, nếu muốn ngắm nhìn nó để tìm lại chút ít hương xưa, thì phải vào phố cổ khi thành phố chưa lên đèn. Nếu không, bạn sẽ chỉ thấy ánh sáng sặc sỡ của những tấm bảng hiệu quảng cáo, những bảng hiệu cửa hàng. Những mái nhà bê tông đã thay mái ngói hiền hòa, phố cổ biến dạng và cũng mang theo đó những kỷ niệm xa xôi.

Bây giờ, thật khó tìm lại cái cảnh “đêm nằm nghe sấu rụng” trên những mái nhà. Càng nghĩ, càng nhớ cụ Bùi Xuân Phái, người đã tạo ra một khái niệm hội họa cho riêng mình: Phố Phái. Những mái nhà liêu xiêu mặc cho thời gian trôi qua, cuốn theo bao phận người.

Trong quá trình tạo lập lại một không gian phố cổ, may thay, người ta đã chú ý đến vẻ đẹp thuần khiết của những mái nhà. Ở một góc nào đó, những mái ngói của phố cổ Hà Nội như một gạch nối xưa- nay cho thành phố gần ngàn năm tuổi.

Ngọc Hà

Tin cùng chuyên mục