Xây nhà tường cho người nghèo, đó là hoài bão của Sáu Mãnh, Giám đốc Công ty Tấm cách nhiệt panel Huỳnh Đức Mãnh. Mới nghe qua, nhiều người ngỡ như Sáu Mãnh đang ngủ trên mây. Bởi lẽ, người nghèo lo cái ăn cái mặc còn chưa xong, tiền đâu cất nhà tường. Vậy mà Sáu Mãnh vẫn cương quyết nói chắc nịch: “Tôi làm được”.
Mang niềm vui đến người nghèo
Sở dĩ Sáu Mãnh dám nói như đinh đóng cột việc mình sẽ làm nhà tường cho người nghèo vì hiện nay ngoài các sản phẩm chính thống của Công ty Tấm cách nhiệt panel đang sản xuất, Sáu Mãnh còn nghiên cứu loại vật liệu đặc biệt được sản xuất theo công nghệ mới panel, dùng làm cầu giao thông nông thôn, nhà vươt lũ, kho lạnh, trường học, trạm bưu điện, trạm y tế… với giá thành rẻ, phù hợp với túi tiền khiêm tốn của bà con nông dân, thích nghi với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt của miền Bắc giá rét vào mùa đông, oi bức vào mùa hè.
Càng phù hợp hơn với bà con miền Tây sông nước, thường xuyên phải sống chung với lũ. Nguồn nguyên liệu làm nên những sản phẩm độc đáo này cũng hết sức độc đáo, chủ yếu bằng rơm, rạ và xác mía, những thứ xưa nay người ta chỉ dùng để đốt đồng và cho trâu bò ăn dậm mỗi khi về chuồng.
Giám đốc Sáu Mãnh cười hệch hạc: “Bà con nông dân muốn xây nhà tường, dễ thôi, chỉ cần bỏ công đi cắt rơm rạ, hoặc tận thu xác mía ở các nhà máy đường, đem đổi lấy gạch panel theo định mức kỹ thuật mà chúng tôi đã tính toán. Còn kỹ thuật xây dựng, chúng tôi hướng dẫn luôn cách làm, để bà con giảm chi phí thuê thợ xây, chỉ trong 2 tuần lễ là xong. Quá đơn giản, từ điều kiện đến kỹ thuật, không tiền mua vật liệu thì bỏ công, dù nghèo cũng xây nhà tường hoành tráng như ai. Sáu Mãnh nhấn mạnh: “Tôi hy vọng rằng với vật liệu này sẽ phần nào nhanh chóng làm thay đổi đời sống người dân vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi xây dựng nông thôn mới”.
Tính đến nay, Sáu Mãnh đã xây hơn 100 căn nhà tường với vật liệu mới do anh chế tạo tặng người nghèo, chất lượng cũng như xây nhà gạch, nhưng về tính ưu việt thì hơn hẳn bởi nó mát khi trời nắng và ấm khi mùa mưa.
Anh Hai Nhị ngụ tại phường An Hòa thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, đến bây giờ anh vẫn còn tiếc rẻ, anh cho biết: “Khu nhà chúng tôi có 6 căn bị cháy rụi, được ông Lê Văn Hồng, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Kiên Giang vận động Giám đốc Sáu Mãnh xây giúp bà con 6 căn nhà. Khi chúng tôi thấy xe chở vật tư xây nhà xuống, ai nấy cũng ngạc nhiên và lo sợ vật liệu xây nhà không đảm bảo an toàn, vì cục gạch sao mà nhẹ tênh, đã vậy bỏ xuống nước nổi lều bều như cái phao. Bởi vậy chúng tôi đồng loạt không đồng ý xây nhà bằng vật liệu đó, chỉ có mình ên nhà ông Tám ở ngoài bìa chịu cất.
Đến khi nhà xây xong, anh Hai Nhị chậc lưỡi: Nhà đẹp quá mà cũng hết sức kiên cố, ngoài trời nắng chang chang, bước vô trong nhà nó mát rượi, đã quá trời. Bây giờ muốn xây được căn nhà như vậy bằng vật liệu gạch với gỗ bình thường cũng phải gần một trăm triệu đồng. Nhưng với vật liệu mới của ông Sáu Mãnh chỉ tròm trèm 25 triệu đồng”.
Xây cầu nông thôn - nhà vượt lũ
Khi chiếc tàu chở vật tư và 6 công nhân kỹ xây cầu của Công ty Tấm cách nhiệt panel vừa từ sông Phụng Hiệp quẹo vào kênh Xẻo Môn xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, do bác tài công quẹo cua gắt quá, chiếc tàu chòng chành rồi lật úp chìm lỉm. Bác tài công sợ quá, vừa bơi vừa la làng kêu cứu.
Lúc đó vào khoảng nửa đêm, mọi người đang ngon giấc, đã thức dậy chạy túa ra hai bên bờ sông rọi đèn sáng trưng để tìm vớt những người không biết bơi. Nhiều người đã nhanh chóng bơi xuồng ra giữa sông để tìm cứu những công nhân đang chới với giữa dòng nước lạnh. Nhưng khi nghe các công nhân lên tiếng là tất cả đều bình yên, lúc đó mọi người mới tá hỏa là cả 6 công nhân đang bám vào những tấm gì không hiểu, dài khoảng 4m, ngang chừng 1,2m, nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Hỏi ra mới biết đó là những tấm đan làm mặt cầu. Bà con xã Phụng Hiệp bán tín bán nghi, bàn tán xôn xao, không biết làm cầu có đảm bảo an toàn cho xe máy chạy qua. Chỉ sau 3 tuần lễ thi công, chiếc cầu hoành tráng, đẹp đẽ đã hoàn thành. Trước ngày làm lễ khánh thành, có nhiều người dân rón rén thử đi qua cầu xem sao. Đến khi họ dậm chân, nhảy dựng đứng giữa cầu cũng không thấy hề hấn gì, lúc đó mọi người mới hả hê mừng vui là quê mình có chiếc cầu quá độc đáo.
Ông Lương Bằng Thiên, Bí thư Huyện ủy huyện Phụng Hiệp, cảm kích: “Nghĩa cử của anh Sáu Mãnh đã xây tặng quê hương Phụng Hiệp chiếc cầu bằng vật liệu mới mang ý nghĩa hết sức to lớn, giúp bà con đi lại thuận tiện, đặc biệt giúp các cháu đi học không còn đò giang cách trở, đầy bất trắc mỗi khi mưa to, gió lớn. Chiếc cầu còn tạo điều kiện để địa phương phát triển mọi mặt, xây dựng nông thôn mới”.
Tính đến nay, nếu có ai hỏi Giám đốc Sáu Mãnh đã xây dựng được bao nhiêu chiếc cầu từ thiện như vậy, thì chỉ nhận được nơi anh cái lắc đầu thân thiện, đâu có nhớ hết, chỉ biết là hầu như ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều có những chiếc cầu bê tông xinh xắn như vậy, đang lặng lẽ soi mình trên các dòng sông miền Tây.
Hiện nay, Giám đốc Sáu Mãnh đang thi công chiếc cầu khá lớn tặng bà con huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, do Báo Sài Gòn Giải Phóng vận động. Chiếc cầu này, theo dự toán kinh phí ban đầu phải gần một tỷ đồng, huyện không đủ khả năng thực hiện, người dân đã mong mỏi, đợi chờ chiếc cầu đã hơn 20 năm rồi. Sáu Mãnh như ông Bụt hiện ra, biến ước mơ của bà con thành hiện thực.
Có một điều mà mãi đến bây giờ Giám đốc Sáu Mãnh chưa dám nói ra là anh đã thành công trong việc làm nhà vượt lũ. Đã thử nghiệm ở một số địa phương thuộc vùng lũ đầu nguồn, hiệu quả rất tốt. Nhưng do giá thành còn tương đối cao, chưa phù hợp với túi tiền của người dân nghèo, chỉ phù hợp những nhà trên vuông tôm, vừa để ở, vừa di chuyển quanh ao trong việc kiểm tra, cho tôm ăn. Sáu Mãnh đang nghiên cứu lại sao cho giá thành hạ, ai cũng có khả năng thực hiện được.
Ông Trương Văn Sáu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long, người rất quan tâm xây dựng đời sống ổn định cho người dân nghèo. Ông cũng từng biết qua những công trình của Giám đốc Sáu Mãnh làm giúp cho tỉnh Vĩnh Long.
Phó Chủ tịch thường trực nhấn mạnh: “Nguồn rơm rạ từ các cánh đồng miền Tây nhiều vô kể, sản xuất các loại vật liệu xây dựng bằng chính nguồn nguyên liệu này thì phải nói hết sức thuân lợi về môi trường, về kinh tế, về nhân lực và mang ý nghĩa an sinh xã hội. Nếu việc tổ chức sản xuất loại vật liệu này tiến triển thuận lợi, thành công, chẳng khác nào là luồng gió mát thổi vào công cuộc xây dựng nông thôn mới”.
Nguyễn Tường Lộc