
(SGGPO).- Sáng 10-6, thảo luận tại tổ ĐBQH TPHCM về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), các ý kiến tập trung phân tích về xác lập quyền sở hữu, vô hiệu hóa giao dịch dân sự, quyền chuyển đổi giới tính…
ĐB Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM cho biết, ông cơ bản ủng hộ hướng đổi mới mà Chính phủ trình. Bộ luật Dân sự là văn bản luật có hiệu lực pháp lý cao, có thể coi là luật gốc, chỉ đứng sau Hiến pháp, nên cần cân nhắc rất kỹ, có vấn đề đa số ý kiến đồng thuận chưa chắc đã là phương án tốt nhất.

ĐB Trần Du Lịch (người đứng) phát biểu tại tổ ĐBQH TPHCM
Một ví dụ được ĐB Trần Du Lịch nêu với rất nhiều trăn trở là quy định về xác lập quyền sở hữu. “Tôi cho rằng phải thực hiện thủ tục đăng ký tài sản xong mới được công nhận sở hữu, ở đây phải phân định rõ khái niệm chiếm hữu với sở hữu, nếu không người ta sẽ cứ mua, cứ ở, cứ sử dụng mà phớt lờ nhà nước, không thực hiện đăng ký”. ĐB cho rằng, có rất nhiều rắc rối hệ lụy đã phát sinh từ đó và như vậy không thể coi là thực hiện nghiêm nhà nước pháp quyền.
ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp đồng ý với ĐB Trần Du Lịch về sự cần thiết phải phân định quyền sở hữu và quyền chiếm hữu – thực chất là hưởng lợi từ tài sản. Tuy nhiên, ĐB Đỗ Văn Đương lại có quan điểm khác với ĐB Trần Du Lịch về việc tòa án phải tiếp nhận giải quyết vụ việc ngay cả khi chưa có quy định của pháp luật về vấn đề đó. “Cần hết sức cân nhắc, kẻo dẫn đến tình trạng tùy tiện, cảm tính khi dựa vào các khái niệm “lương tâm, đạo đức, tình cảm”, ĐB Đỗ Văn Đương nói.
Cũng trên quan điểm hạn chế tối đa sự tùy tiện, cảm tính trong công tác xét xử của tòa án, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh đề nghị: “Liên quan đến hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự bị vô hiệu, tôi cho rằng không nên trao thẩm quyền cho tòa án được yêu cầu thay đổi hợp đồng trên cơ sở “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”, vì không có tiêu chí khách quan cho nhận định này, mà chỉ phụ thuộc cảm tính chủ quan của thẩm phán. Nên quy định theo hướng tòa cho hủy hợp đồng chứ không được can thiệp sửa hợp đồng”.
Vẫn ĐB Huỳnh Ngọc Ánh cho biết, ông “rất ngạc nhiên” khi thấy dự thảo luật đã bỏ đi loại hợp đồng mua bán nhà. ĐB Huỳnh Ngọc Ánh phản biện: “Nếu nói để Luật Nhà ở điều chỉnh thì tại sao Luật Đất đai có rồi lại không để Luật Đất đai điều chỉnh hợp đồng nhượng quyền sử dụng đất mà lại đưa vào Bộ luật Dân sự”? Theo ĐB Huỳnh Ngọc Ánh, trong giao dịch mua bán nhà, có rất nhiều thỏa thuận rất cụ thể phải xác định trong hợp đồng mẫu mới tránh được giao dịch dân sự bị vô hiệu hoặc xảy ra kiện tụng.
Về thời hạn khởi kiện chia thừa kế, các ĐB TPHCM đều cho rằng 30 năm là quãng thời gian quá dài. “Thời hạn 10 năm là hợp lý. Ngoài ra, trong 10 năm đó, lợi nhuận thu được từ tài sản thừa kế được xử lý thế nào?” – ĐB Trương Thị Ánh đặt câu hỏi.
Đáng lưu ý, quy định về quyền chuyển đổi giới tính tiếp tục được các ĐB thảo luận. ĐB Huỳnh Ngọc Ánh bình luận: “Bộ luật có sự mâu thuẫn trong nội dung này. Điều trên thì viết cá nhân có quyền yêu cầu chuyển đổi giới tính; nhưng điều dưới lại ghi “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính”. Ý tứ cuối cùng là sao, Ban soạn thảo cần giải thích”.
ĐB Trần Thanh Hải thì cảnh báo, quy định của dự thảo Bộ luật nhằm hợp pháp hóa “sự đã rồi” cho các trường hợp đã thực hiện việc chuyển đổi giới tính có thể dẫn đến tình trạng cố tình chuyển đổi giới tính một cách vội vàng trước khi Bộ luật này có hiệu lực…
Không nên né tránh vấn đề chuyển giới
Sáng 10-6, Quốc hội thảo luận về Bộ Luật dân sự sửa đổi. Trong số các vấn đề thì quyền nhân thân của cá nhân được nhiều ĐBQH đặc biệt quan tâm. Trong đó có việc chuyển đổi giới tính.
Về chuyển đổi giới tính, hiện có 2 loại ý kiến. Một là Bộ luật dân sự cần có quy định về việc chuyển đổi giới tính để làm cơ sở cho luật khác quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển đổi giới tính khi cần thiết. Hai là trong điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay và để tránh những hệ lụy tiêu cực về nhiều mặt đối với chính bản thân người chuyển đổi giới tính và xã hội thì Nhà nước không nên thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính.
Dự thảo Bộ luật mà Chính phủ trình Quốc hội là theo hướng: Trong điều kiện hiện nay của nước ta, Bộ luật dân sự chưa nên quy định việc thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính, nhưng cũng cần có quy định để giải quyết những hậu quả pháp lý liên quan, nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của người đã chuyển đổi giới tính.
Là cơ quan thẩm tra Luật này, Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm trong xã hội, nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, giải trình rõ quy định này.
Trong khi đó, thảo luận về vấn đề này sáng 10-6, ý kiến của các ĐBQH vẫn rất khác nhau. Là một người trong ngành y tế, ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) cho rằng nhu cầu chuyển đổi giới tính là có thật. Việt Nam chưa cho phép nên nhiều cá nhân phải đi nước ngoài làm, về thì không được thừa nhận nên khó khăn trong việc làm các loại giấy tờ. ĐB Ý Nhi tán thành theo hướng của dự thảo luật, Nhà nước tuy không thừa nhận chuyển đối giới tính nhưng phải tạo điều kiện cho họ thay đổi các loại giấy tờ liên quan đến quyền nhân thân. Tuy nhiên, theo bà, quy định như vậy cũng gần như là thừa nhận, nên hiện nay vấn đề chỉ là có cho phép phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở Việt Nam hay không để thuận lợi cho người dân?. “Điều này nhạy cảm nên cần thận trọng”, ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi nói. Từ thực tế trong ngành y, ĐB Ý Nhi cũng cho biết thêm, những người phẫu thuật chuyển giới bị ảnh hưởng sức khỏe, tuổi thọ giảm, hiện Việt Nam chưa có những cơ sở để điều trị cho những người này vì thế họ rất khó khăn. “Tôi đã từng đi tìm hiểu ở nước ngoài về nguyên nhân thực sự họ muốn chuyển giới là gì, họ có hạnh phúc thực sự hay không...nhưng chưa đủ tư liệu thuyết phục. Cho phép chuyển giới ở Việt Nam thì sẽ rẻ hơn, nhưng nếu không quy định chặt chẽ có thể dẫn đến trào lưu chuyển giới, hệ quả rất lớn. Vì thế trước mắt tán thành với dự thảo, tức là chưa thừa nhận nhưng lại phải tạo điều kiện thuận lợi về quyền nhân thân cho những đối tượng đã chuyển giới”, ĐB Ý Nhi nói.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng, việc xác định lại giới tính là quyền của con người, đó là quy định đúng và nhân văn, bởi nhiều người sinh ra bị khiếm khuyết về mặt giới tính. Nhưng còn với việc chuyển đổi giới tính lại khác. ĐB Hồng Hà tán thành quy định Nhà nước không thừa nhận chuyển đổi giới tính vì có thể gây ra trào lưu, hệ quả xấu.
Tuy nhiên, theo ĐB Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Luật dân sự sửa đổi không nên né tránh vấn đề chuyển giới. “Chúng ta đã quy định về vấn đề mang thai hộ rồi thì cũng cần tính đến vấn đề chuyển giới. Thực tiễn Việt Nam đã có, thế giới cũng vậy nên không thể né tránh. Vấn đề là có những quy định rõ ràng về chuyển giới để tránh hệ lụy xấu như các ĐB lo ngại”, ĐB Lê Minh Thông nói.
| |
ANH PHƯƠNG- PHAN THẢO