Thời tem phiếu ở Mỹ

Theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 8, nền kinh tế Mỹ không tạo thêm được một việc làm nào. Lĩnh vực tư tạo thêm 17.000 việc làm trong khi các công sở cũng cắt giảm chừng ấy việc làm.

Trước đó, Mỹ dự báo sẽ tạo được 68.000 việc làm trong tháng 8. Đây là lần đầu tiên trong 12 tháng xảy ra hiện tượng này. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn ở mức 9,1%. Điều này đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trở lại.

Trong khi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Mỹ phải đạt 4% - 5% mới có thể đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức 6% nhưng thực tế, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Mỹ trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt chưa đến 1%. Hoặc muốn tỷ lệ thất nghiệp còn 6%, nền kinh tế Mỹ phải tạo thêm 13,7 triệu việc làm trong vòng 3 năm tới, tương đương mỗi tháng 381.000 công việc.

Đây là điểm khó nhất cho Tổng thống Barack Obama trong nỗ lực tái đắc cử vào năm 2012. Để tái đắc cử, ông Obama sẽ phải tìm sự ủng hộ của Quốc hội để có thể đưa ra các kế hoạch tạo việc làm, giảm thất nghiệp. Dự kiến, Tổng thống Obama sẽ đọc thông điệp kêu gọi sự ủng hộ của Quốc hội vào ngày 8-9. Đó có thể là thông điệp mang tính chất quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của ông, theo nhận định của tờ Financial Times. Tổng thống Obama đang rất cần có thêm một gói kích thích kinh tế mới tiến hành đồng thời với siết chặt chi tiêu công.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke, cùng trong ngày này cũng sẽ có bài diễn văn về viễn cảnh kinh tế Mỹ, trong đó nhiều phần nghiêng về một gói kích thích kinh tế mới. Giới trung lưu Mỹ có thể sẽ phải gánh thêm thuế và việc cắt giảm bảo hiểm y tế và an sinh xã hội là điều khó tránh khỏi. Đáng nói là nếu gói kích thích kinh tế được tung ra, mức trần nợ công của Mỹ sẽ gia tăng. Quan trọng là liệu nó có phát huy tác dụng hay cũng vô hiệu như 2 gói kích thích kinh tế trước đây. Mặt khác, Tổng thống Obama còn phải giải quyết số tiền trợ cấp thất nghiệp khi tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức cao cũng như phải giảm thuế cho một số thành phần khó khăn như đã hứa. Ông cũng phải kích thích lĩnh vực bất động sản đang đóng băng. Khó khăn chính sắp tới là thái độ của Hạ viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số đối với gói kích thích kinh tế mới.

Với tư cách là nhà lãnh đạo nền kinh tế số một thế giới trong hai năm rưỡi qua, giờ đây, ông Obama không thể tiếp tục đổ lỗi cho những người tiền nhiệm về các vấn đề kinh tế. Nền kinh tế Mỹ chưa bao giờ có số người phụ thuộc vào chính phủ nhiều như lúc này. Hơn 45,2 triệu người Mỹ phải sống nhờ vào tem phiếu thực phẩm của chính phủ vì họ không thể tự lao động nuôi thân. Các nhà kinh tế cho rằng nguy cơ suy thoái kép với kinh tế Mỹ đang tới gần sau lần suy thoái năm 2008.

Thụy Vũ

Tin cùng chuyên mục