Thời trang và Olympic

Lễ khai mạc thành sàn catwalk
Thời trang và Olympic

Thế vận hội Olympic London năm 2012 không chỉ là cuộc thi đấu giữa các đội tuyển thể thao quốc gia mà còn đánh dấu một cuộc chạy đua ráo riết giữa các thương hiệu thời trang quốc tế cao cấp. Bởi lẽ, đây là cơ hội vàng để họ tiếp thị và quảng cáo các thương hiệu, sản phẩm.

Trang phục đội tuyển Mỹ thiết kế bởi Ralph Lauren.

Trang phục đội tuyển Mỹ thiết kế bởi Ralph Lauren.

Lễ khai mạc thành sàn catwalk

Buổi lễ khai mạc Olympic ngày 27-7 tới hứa hẹn nhiều màn biểu diễn ngoạn mục, hoành tráng. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cho rằng cuộc diễu hành của các vận động viên sẽ giống như một buổi biểu diễn thời trang: một số đội tuyển sẽ mặc trang phục truyền thống của mỗi quốc gia; còn với các quốc gia Âu - Mỹ, các bộ đồng phục thường do các nhà may nổi tiếng thiết kế.

Đội tuyển Anh, nước chủ nhà, sẽ mặc y phục của nhà tạo mốt Stella McCartney (con gái của Paul McCartney, thành viên nhóm The Beatles). Trang phục của đội Anh có những đường viền màu đỏ và sọc gạch chéo xanh trắng, phỏng theo màu cờ của vương quốc Anh. Đồng phục của đội Mỹ do Ralph Lauren thiết kế, chủ yếu sơ mi và áo polo màu trắng khoác thêm chiếc gile hay áo vét màu xanh đậm và nón beret.

Đội tuyển Italia với đồng phục của hãng thời trang Armani: áo trắng bên trong, khoác ngoài blouson mỏng màu nhung đen. Đồng phục đội chèo thuyền của nước này do Prada thiết kế với màu xanh da trời, có thêu viền trắng trên vai. Đây là lần đầu tiên, hiệu Prada chen chân vào Thế vận hội. Riêng đội tuyển Pháp có cách ăn mặc kín đáo hơn. Bộ trang phục do Adidas thiết kế toàn một màu trắng, áo vét và gile màu chocolate, chỉ có dây thắt lưng gồm ba màu xanh - trắng - đỏ của quốc kỳ Pháp.

Cơ hội để quảng cáo

Việc các nhà thiết kế tham gia vào thời trang Olympic chỉ mới xuất hiện gần đây. Khoảng 10 năm trước, y phục của các vận động viên chủ yếu do các công ty chuyên sản xuất áo quần thể thao cung cấp (như Nike, Reebok, Puma, Adidas…). Các thương hiệu thời trang cao cấp nếu có thiết kế áo quần thể thao, chủ yếu nhắm vào các bộ môn nổi tiếng quý phái thanh lịch. Nói cách khác, Armani hay Lacoste sẵn sàng sáng tạo các kiểu áo dành cho các nhà đua ngựa, các tay quần vợt, tay golf nhiều hơn là tạo mốt cho các vận động viên điền kinh hay cử tạ.

Trong lĩnh vực này, hiệu Ralph Lauren của Mỹ là công ty mở đường thời trang Thế vận hội khi ký hợp đồng độc quyền với đội tuyển Mỹ. Đến đầu những năm 2000, ngoại trừ Ralph Lauren, sự dấn thân của các thương hiệu thời trang vẫn còn rất dè dặt. Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008 đã thay đổi mối tương quan lực lượng giữa hai ngành thể thao và thời trang. Đây là dịp để các hãng thời trang danh tiếng vươn tới một thị trường khổng lồ, với hàng trăm triệu dân thành thị có thói quen tiêu thụ và nhất là có tâm lý sính hàng ngoại. Các thương hiệu Âu - Mỹ thay đổi cách nhìn về Thế vận hội và chi tiền đầu tư vào các chiến dịch quảng cáo tiếp thị.

Sẽ có hơn 4 tỷ khán giả theo dõi các cuộc thi đấu trong suốt mùa Olympic 2012. Qua việc tài trợ các đội tuyển quốc gia, bằng cách cung cấp các bộ áo quần cho các vận động viên, các hiệu thời trang nổi tiếng thế giới được quảng cáo miễn phí. Thế vận hội là sự kiện lớn nhất hành tinh, chẳng những thu hút đông đảo khán giả mà còn lôi kéo rất nhiều báo đài và cơ quan truyền thông. Đối với các hiệu thời trang, Olympic là một tủ kính trưng bày hấp dẫn và lý tưởng, cơ hội để nâng cao uy tín hay để đánh bóng tên tuổi của mình.

Đỗ Cao

Tin cùng chuyên mục