Thomson - Reuters: “Đại gia” kinh doanh dữ liệu tài chính

Thomson - Reuters: “Đại gia” kinh doanh dữ liệu tài chính
Thomson - Reuters: “Đại gia” kinh doanh dữ liệu tài chính ảnh 1

Tổng hành dinh của Reuters tại London, Anh

Ngày 15-5, tập đoàn Thomson (Canada) đã đồng ý mua lại hãng tin Reuters (Anh) với giá 8,7 tỷ bảng Anh (17,2 tỷ USD) nhằm lập ra một tập đoàn dữ liệu và thông tin tài chính lớn nhất thế giới. Cuộc mua bán đã được sự chấp thuận của Công ty Cổ phần Sáng lập Reuters -nơi nắm giữ cổ phiếu quyết định của hãng và có quyền ngăn cản bất cứ sự chuyển nhượng nào nhằm bảo vệ nguyên tắc biên tập độc lập của Reuters.

Dự kiến tập đoàn mới mang tên Thomson - Reuters sẽ do Giám đốc điều hành Reuters Tom Glocer đứng đầu, được niêm yết trên 2 sàn giao dịch chứng khoán London và Toronto. Ước đoán sự kết hợp sẽ giúp tập đoàn tiết kiệm chi phí hoạt động khoảng 500 triệu USD trong vòng 3 năm tới, đạt doanh thu hàng năm khoảng 11 tỷ USD và có gần 49.000 nhân viên trên toàn cầu. Tuy nhiên, thương vụ trên còn cần được sự thông qua của các cổ đông và cơ quan chống độc quyền.
 
Trên thị trường dữ liệu và thông tin tài chính hiện nay đang có sự cạnh tranh quyết liệt giữa Bloomberg dẫn đầu với 33% thị phần, tiếp theo là Reuters với 23% và Thomson 11%, ngoài ra còn có Dow Jones. Hãng Reuters có lịch sử hơn 150 năm, được công nhận là một trong những hãng tin độc lập lớn và uy tín nhất thế giới với các nguyên tắc biên tập đề cao tính chính trực, độc lập và không thiên vị. Những nguyên tắc này được bảo đảm do cơ chế của hãng cấm một cổ đông sở hữu từ 15% cổ phần trở lên.

Trong lúc đó Thomson hiện diện ở hơn 130 quốc gia và có trị giá khoảng 29,3 tỷ USD. Tập đoàn này vừa bán bộ phận giáo dục để lấy 7,75 tỷ USD tiền mặt, được cho là động thái tập trung nguồn lực vào thương vụ mua Reuters nhằm kết hợp giữa sức mạnh tin tức thời sự của Reuters với kho thông tin dữ liệu, dịch vụ tài chính của Thomson để trở thành tập đoàn hùng mạnh nhất. Tuy nhiên, khi mua lại Reuters, công ty Woodbridge của gia đình Thomson (hiện làm chủ 70% cổ phần của tập đoàn Thomson) sẽ nắm tới 53% cổ phần của công ty mới. Dù Thomson khẳng định sẽ tôn trọng các nguyên tắc biên tập của Reuters nhưng các phóng viên và dư luận vẫn không khỏi lo ngại.

Trước đó, tập đoàn News Corp của trùm truyền thông Rupert Murdoch đã ra giá 5 tỉ USD mua Dow Jones nhưng nhà Bancroft - cổ đông nắm quyền kiểm soát Dow Jones - từ chối. Vì vậy thành công của cuộc đàm phám Thomson - Reuters được dự báo sẽ có tác động đến cục diện  cuộc chạy đua sáp nhập trong giới truyền thông. Nhưng dư luận lại lo ngại báo chí sẽ bị thương mại hóa như một công cụ kinh doanh và dần mất đi tính chân thực cần có.

Bảo Trúc
(Theo Reuters, Thomson, AFP, AP)

Tin cùng chuyên mục