Thành phố Hồ Chí Minh
Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM về xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường năm 2016 - Tết Đinh Dậu 2017 trên địa bàn TPHCM, thực hiện từ ngày 1-4-2016 đến ngày 31-3-2017, Sở Công thương thông báo một số thông tin cơ bản của chương trình để các doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện đăng ký tham gia. Nội dung cụ thể như sau:
I. Các nhóm hàng hóa của Chương trình bình ổn thị trường
1. Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm gồm có 9 nhóm hàng: lương thực (gạo thường, gạo jasmine, mì gói, bún khô, phở khô...), đường (RE, RS), dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản (chế biến và tươi sống).
2. Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2016 - 2017 có 4 nhóm hàng: tập vở, cặp - ba lô - túi xách, đồng phục học sinh, giày dép học sinh.
3. Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng sữa thực hiện đối với tất cả các nhóm mặt hàng sữa nước và sữa bột.
II. Đối tượng tham gia
- DN thuộc các thành phần kinh tế được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, các tổ chức tín dụng hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia và chấp hành các quy định của chương trình.
III. Điều kiện tham gia
1. Đối với các DN sản xuất - kinh doanh
- DN đăng ký tham gia phải có chức năng sản xuất - kinh doanh phù hợp với các nhóm hàng trong chương trình; có thương hiệu, uy tín, năng lực sản xuất, kinh nghiệm kinh doanh các mặt hàng; có nguồn hàng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định và xuyên suốt thời gian thực hiện chương trình.
- Có trụ sở chính, văn phòng, chi nhánh tại TPHCM; có hệ thống nhà xưởng, kho bãi, trang thiết bị - công nghệ sản xuất hiện đại và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; có phương tiện vận chuyển phục vụ việc phân phối hàng hóa và bán hàng lưu động theo yêu cầu của chương trình.
- Cam kết sản xuất, cung ứng hàng hóa tham gia chương trình đúng chủng loại, đủ số lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và nhãn mác sản phẩm; thực hiện việc niêm yết giá theo quy định, bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính thẩm định và phê duyệt.
- Có ít nhất 12 điểm bán (siêu thị, cửa hàng tiện lợi ...) hoạt động ổn định trên địa bàn TPHCM; đăng ký danh sách, địa chỉ các điểm bán và kế hoạch phát triển hệ thống phân phối trong thời gian thực hiện chương trình kèm theo hồ sơ đăng ký tham gia chương trình.
- Có kế hoạch sản xuất - kinh doanh, tạo nguồn hàng khả thi; có năng lực tài chính lành mạnh; không có nợ xấu, nợ quá hạn (thể hiện qua báo cáo tài chính hoặc báo cáo kiểm toán trong 2 năm gần nhất).
2. Đối với các tổ chức tín dụng
- Căn cứ nhu cầu, khả năng và các quy định pháp luật có liên quan để thực hiện việc đăng ký hạn mức tín dụng với lãi suất phù hợp và các sản phẩm dịch vụ khác (nếu có) dành cho DN tham gia chương trình.
- Xây dựng phương án cho vay và quy trình thẩm định cụ thể, chặt chẽ, đúng quy định pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng và kịp thời giải quyết thủ tục cho vay và giải ngân vốn vay theo quy định cho DN.
- Chịu trách nhiệm về việc xét duyệt, quyết định cho vay theo quy định pháp luật, theo nội dung ký kết khi tham gia chương trình và các quy định khác có liên quan.
IV. Quyền lợi và nghĩa vụ của DN tham gia chương trình
1. Quyền lợi
- Được kết nối với các tổ chức tín dụng tham gia chương trình để vay vốn với lãi suất phù hợp nhằm đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ hàng hóa cung ứng phục vụ bình ổn thị trường TP xuyên suốt thời gian thực hiện chương trình. Hạn mức vay tương ứng lượng hàng được giao thực hiện bình ổn thị trường theo kế hoạch do UBND TP ban hành.
- Được hỗ trợ lãi vay nếu có dự án đầu tư đúng đối tượng theo quy định tại Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND ngày 28-5-2011 về thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình kích cầu của TPHCM, Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 23-9-2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND và Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20-3-3013 về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP giai đoạn 2013 - 2015.
- Được hỗ trợ truyền thông, quảng bá đối với hàng hóa bình ổn thị trường, điểm bán bình ổn thị trường khi đăng ký tham gia chương trình và các hoạt động nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường.
- Được giới thiệu mặt bằng để đầu tư mở rộng sản xuất và phát triển hệ thống phân phối phục vụ bình ổn thị trường trên địa bàn TP; ưu tiên giới thiệu cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường vào mạng lưới điểm bán hiện hữu của chương trình, chợ truyền thống, bệnh viện, trường học, bếp ăn tập thể tại các KCX-KCN,…
- Được ưu tiên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong khuôn khổ Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM với các tỉnh, thành miền Đông - Tây Nam bộ và các địa phương khác trong cả nước.
- Được sử dụng biểu trưng (Logo) Chương trình bình ổn thị trường TPHCM theo các điều khoản quy định về quản lý, khai thác, sử dụng biểu trưng này và các quy định pháp luật có liên quan.
2. Nghĩa vụ
- Thực hiện đăng ký chủng loại, số lượng sản phẩm tham gia chương trình.
- Tổ chức sản xuất - kinh doanh theo đúng kế hoạch tạo nguồn hàng và cung ứng hàng hóa đủ số lượng đăng ký đã được UBND TPHCM phê duyệt; đảm bảo hàng hóa tham gia đạt chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính thẩm định và phê duyệt.
- Tích cực phát triển hệ thống phân phối và tăng số điểm bán hàng bình ổn thị trường; chú trọng phát triển điểm bán tại quận ven, huyện ngoại thành, chợ truyền thống, KCX - KCN, khu lưu trú công nhân, trường học, bệnh viện, bếp ăn tập thể…
- Thông tin công khai, rộng rãi địa chỉ các điểm bán; treo băng-rôn, bảng hiệu, niêm yết bảng giá… theo đúng quy cách hướng dẫn của Sở Công thương; trưng bày hàng hóa tại các vị trí thuận tiện, riêng biệt để người tiêu dùng dễ nhìn, dễ nhận biết và mua sắm.
- Sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả vốn vay và lãi vay đúng quy định theo hợp đồng đã ký kết với các tổ chức tín dụng tham gia chương trình. Trong trường hợp DN sử dụng vốn vay không đúng mục đích, không thực hiện đúng cam kết về cung ứng lượng hàng theo kế hoạch, DN phải hoàn trả toàn bộ phần vốn vay và chịu phạt lãi suất theo quy định pháp luật hiện hành.
- Trong thời gian tham gia chương trình, trường hợp có sự thay đổi về vốn điều lệ, DN phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tài chính, Sở Công thương và tổ chức tín dụng thực hiện cho vay trước 30 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ xin thay đổi.
VI. Thời gian, địa điểm đăng ký tham gia
- Tiếp nhận hồ sơ đăng ký: từ ngày 1-1-2016 đến ngày 30-1-2016
- Xét duyệt hồ sơ, kiểm tra thực tế: từ tháng 2-2016 đến tháng 3-2016.
- Chính thức công bố chương trình ngày 1-4-2016.
- Thời gian thực hiện chương trình từ ngày 1-4-2016 đến 31-3-2017.
- Nơi nhận hồ sơ: Sở Công thương, 163 Hai Bà Trưng, quận 3, TPHCM.
- Thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ Phòng Quản lý Thương mại - Sở Công thương, email: binhonthitruong@tphcm.gov.vn, điện thoại: 08.3829.1670, fax: 08.3829.6389, anh Hùng 0989.835.779.