Thông báo Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa IX

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố họp ngày 26-10-2013 thảo luận, đề ra chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 24 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, chủ trì và tổng kết hội nghị.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố họp ngày 26-10-2013 thảo luận, đề ra chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 24 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, chủ trì và tổng kết hội nghị.

Hội nghị thống nhất nhận định, thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, chịu tác động trực tiếp, rất nặng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thời gian qua, Thành ủy đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành 6 chương trình đột phá, trong đó có 2 chương trình đột phá về giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ thành phố; chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13 Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; đề ra nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, nâng cao chất lượng quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành gắn với chiến lược, chương trình, kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, thoát nước, giảm ngập nước, xử lý chất thải, nước thải, nhất là tại các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về lấn chiếm sông, kênh, rạch, về khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Trong những ngày qua, Thường trực Thành ủy, Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố đã trực tiếp chỉ đạo phương án xử lý ngập nước do triều cường trên địa bàn thành phố; nghiên cứu, cập nhật tình hình triều cường, những nhân tố biến đổi khí hậu tác động trực tiếp vào thành phố và bổ sung giải pháp vào chương trình hành động.

Trên tinh thần tự phê bình, hội nghị đã nhận định, phân tích những biểu hiện của biến đổi khí hậu tác động trực tiếp vào thành phố ngày càng rõ nét hơn; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu mới triển khai một số hoạt động bước đầu, còn bị động, lúng túng, việc quản lý, sử dụng tài nguyên chưa bền vững; tình trạng ngập nước nội thị, ô nhiễm môi trường vẫn nghiêm trọng, có mặt ngày càng gay gắt hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân, gây bức xúc trong xã hội.

Những hạn chế nêu trên chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan; một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa sâu sắc, chưa đầy đủ, đúng mức về tầm quan trọng của công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đối với sự phát triển bền vững của thành phố; chất lượng quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất chưa đạt yêu cầu, hiệu quả quản lý quy hoạch còn hạn chế, tình trạng tự phát trong đô thị hóa, san lấp, lấn chiếm sông, kênh, rạch; cơ chế quản lý xây dựng và chính sách chưa khuyến khích tăng mảng xanh, hạn chế bê tông hóa trong phát triển đô thị; quản lý khai thác nước ngầm kém hiệu quả… chậm được khắc phục; hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng tài nguyên chưa cao; cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường chưa phát huy hiệu quả.

Quán triệt Nghị quyết 24, hội nghị đã thảo luận, thống nhất mục tiêu chung của chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 là “Đến năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh cơ bản thực hiện các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, chuyển giao và áp dụng các công nghệ mới, công nghệ sạch, sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Hoàn thành quy hoạch ngành về sử dụng tài nguyên theo hướng bền vững. Cơ bản kiểm soát tất cả các nguồn thải, đảm bảo các chất thải được xử lý đúng quy định trước khi thải ra môi trường. Nâng cao đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển diện tích rừng thành phố, nhất là diện tích rừng ngập mặn trong khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, tăng cường mảng xanh đô thị, chất lượng môi trường sống được cải thiện rõ rệt. Đến năm 2050, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả bền vững tài nguyên; bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái”.

Hội nghị xác định nhiệm vụ chung là “Thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; đánh giá kết quả tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của thành phố theo bộ tiêu chí quốc gia. Thí điểm phát triển mô hình kinh tế xanh, công nghiệp xanh, đô thị xanh và nông nghiệp đô thị, nông thôn xanh. Nắm vững, quán triệt mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vào trong quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của thành phố”; đề ra 5 nhóm giải pháp về tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; tăng cường quản lý nhà nước; kết hợp đa dạng hóa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế nhằm tăng cường trao đổi thông tin và chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm trong ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường trao đổi, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, môi trường, thoát nước đô thị.

Phát biểu tổng kết hội nghị, đồng chí Bí thư Thành ủy phân tích sâu kết quả, những vấn đề đang đặt ra, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong chương trình giảm ngập nước, chương trình giảm ô nhiễm môi trường theo Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ thành phố trong thời gian qua; nhấn mạnh phải quán triệt sâu sắc trong Đảng bộ thành phố, toàn hệ thống chính trị, tăng cường tuyên truyền, vận động sâu rộng các giới, các tầng lớp nhân dân, trong các cộng đồng dân cư nâng cao nhận thức về ý nghĩa đặc biệt quan trọng, về tầm ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển bền vững của thành phố để ra sức thực hiện chương trình hành động chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, các ngành; rà soát quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch sử dụng đất theo hướng phát triển xanh và bền vững; công tác quản lý xây dựng, quản lý, khai thác nước ngầm; khẩn trương quy hoạch và triển khai xây dựng ngay các hồ điều tiết nước; đề ra giải pháp ngăn chặn, chế tài, xử lý nghiêm trách nhiệm cơ quan quản lý và người vi phạm trong lấn chiếm sông, kênh, rạch, gây hạn chế dòng chảy; ưu tiên đầu tư ngân sách thành phố các dự án thoát nước, giảm ngập nước, di dời, tái định cư nhà trên, ven kênh, rạch, tiếp tục nghiên cứu cơ chế thu hút vốn, tạo vốn đầu tư thực hiện chương trình.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa IX kêu gọi toàn Đảng bộ, toàn quân và nhân dân thành phố tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, tích cực tham gia thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 24 Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, nâng cao hiệu quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai nhằm xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ KHÓA IX

- Thông tin liên quan:

>> TPHCM: 5 nhóm giải pháp trọng tâm ứng phó với biến đổi khí hậu

Tin cùng chuyên mục