Bấm máy đoạn kết bộ phim truyện Những bức thư từ Sơn Mỹ

Thông điệp hòa bình

Ngày 31-1, đoạn kết của bộ phim truyện nhựa Những bức thư từ Sơn Mỹ do NSƯT Lê Dân làm đạo diễn (thuộc Trung tâm UNESCO điện ảnh đa truyền thông Việt Nam) đã chính thức bấm máy quay về lễ tưởng niệm vụ thảm sát Mỹ Lai - tại khu chứng tích Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi). Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi, những nạn nhân còn sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai, du khách nước ngoài và hàng trăm người dân, học sinh Sơn Mỹ cùng tham gia.

Ngày 31-1, đoạn kết của bộ phim truyện nhựa Những bức thư từ Sơn Mỹ do NSƯT Lê Dân làm đạo diễn (thuộc Trung tâm UNESCO điện ảnh đa truyền thông Việt Nam) đã chính thức bấm máy quay về lễ tưởng niệm vụ thảm sát Mỹ Lai - tại khu chứng tích Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi). Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi, những nạn nhân còn sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai, du khách nước ngoài và hàng trăm người dân, học sinh Sơn Mỹ cùng tham gia.

William Calley, viên trung úy từng tham gia trực tiếp vào vụ thảm sát 504 đồng bào Sơn Mỹ ngày 16-3-1968, sau 41 năm im lặng, tháng 9-2009 thông qua một số phương tiện truyền thông đã lên tiếng xin lỗi nhân dân Sơn Mỹ về hành động của mình. Hay tin đó, nhiều nạn nhân sống sót sau vụ thảm sát tại Sơn Mỹ đã bày tỏ sự khoan dung, tha thứ trước những lời ăn năn của Calley nhưng họ mong rằng, viên sĩ quan ấy phải trở lại Sơn Mỹ và trực tiếp xin lỗi người dân.

Nội dung bộ phim Những bức thư từ Sơn Mỹ, được xem như một “chuyến đi” trở lại quá khứ đau thương nơi vùng quê Sơn Mỹ từng gánh chịu, hay đúng hơn, là chuyến “trở về” quá khứ của một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam với hy vọng tìm gặp ở đó sự tha thứ của người dân Việt Nam và sự thanh thản trong tâm hồn.

Nhân vật chính bộ phim Peter Cage (Gérard Saub đóng) - “hiện thân” của William Calley - ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” của một đất nước từng bị bom đạn của Mỹ cày xới tan hoang. Trên chuyến tàu lửa từ TPHCM trở lại Sơn Mỹ, Peter Cage được làm quen với Hạnh (Giáng My đóng), quê Sơn Mỹ và hiện là giảng viên dạy piano tại Nhạc viện TPHCM. Hạnh giỏi tiếng Anh. Peter đã ngỏ thiện ý của mình với Hạnh rằng, ông là cựu binh Mỹ từng tham chiến tại VN và ông muốn trở lại Sơn Mỹ để nói một lời xin lỗi với người dân nơi đó. Hạnh vui vẻ nhận lời và tình nguyện làm một hướng dẫn viên cho Peter trong những ngày ông lưu lại Sơn Mỹ.

Một ngày! Ông ta đã thú thật với Hạnh về nhân thân chính là viên trung úy đã từng gây ra vụ thảm sát và mong được cô tha thứ. Hạnh khuyên ông nên gác lại quá khứ tội lỗi và có những hành động cụ thể để hướng về tương lai tốt đẹp hơn… Nhân kỷ niệm ngày xảy ra vụ thảm sát, sau buổi lễ, Peter quyết định đứng trước đồng bào Sơn Mỹ để thú tội và xin được tha thứ, có cả vợ ông.

“Thay mặt các nạn nhân sống sót sau vụ thảm sát Mỹ Lai, tôi chấp nhận lời xin lỗi của ông Peter Cage. Hy vọng rằng đằng sau lời xin lỗi, ông Cage nên hành động thiết thực, kêu gọi thế giới hãy vì hòa bình, đừng để nơi nào trên trái đất này lặp lại đau thương như vụ thảm sát ở Sơn Mỹ nữa” - ông Phạm Thành Công, Trưởng ban quản lý các di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Quảng Ngãi, nói.

Sau lời phát biểu của ông Công, hàng trăm người dân, học sinh Sơn Mỹ hô vang: “Hòa bình muôn năm”.

Kết thúc bộ phim, đàn bồ câu trắng tung bay trên nền trời xanh thẳm như thông điệp tha thứ, vì hòa bình nhân loại mà đạo diễn Lê Dân gửi đến toàn thế giới!

Hà Minh

Tin cùng chuyên mục