Thông điệp kiên quyết của Thủ tướng

Trước thềm cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nghiệp (DN), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, TS Nguyễn Đình Cung (ảnh) đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi về cải thiện môi trường kinh doanh, thích nghi để hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.
Thông điệp kiên quyết của Thủ tướng

Trước thềm cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nghiệp (DN), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, TS Nguyễn Đình Cung (ảnh) đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi về cải thiện môi trường kinh doanh, thích nghi để hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.

* Phóng viên: Thưa ông, dù mới được trao trọng trách Thủ tướng, song tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề có liên quan đến DN và môi trường kinh doanh. Cuộc gặp gỡ dự kiến được tiến hành ngày 29-4 là một điển hình. Cảm nhận của ông về điều này?

Thông điệp kiên quyết của Thủ tướng ảnh 1

Ông Nguyễn Đình Cung

* TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG: Tôi cảm nhận thấy một không khí thay đổi, khởi đầu một quá trình mới. Dù rằng có quá nhiều vấn đề liên quan đến môi trường kinh doanh, cũng không nên kỳ vọng có thể giải quyết hết, thậm chí nêu ra hết, chỉ trong một cuộc gặp gỡ.

Thực ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không xa lạ gì với những vấn đề mà DN đang gặp phải. Không chỉ góp ý với tư cách thành viên Chính phủ, mà thông qua việc trực tiếp chỉ đạo thực hiện Đề án 30 về cải cách hành chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng dỡ bỏ nhiều gánh nặng thủ tục hành chính gây khó khăn cho DN. Vừa qua, Thủ tướng cũng đã có một số động thái đáp ứng kỳ vọng đổi mới của xã hội, đặc biệt là cộng đồng DN, như yêu cầu không hình sự hóa một số vụ việc; nắm bắt tình hình, đề ra giải pháp về vệ sinh an toàn thực phẩm, biến đổi khí hậu... Những khởi đầu như thế là đáng hy vọng, góp phần củng cố niềm tin kinh doanh. 

* Tại cuộc làm việc mới đây với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng cũng đưa ra nhiều chỉ đạo tháo gỡ nhiều vấn đề liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh của DN?
  
* Đúng vậy. Tôi có tham dự cuộc họp đó. Tại cuộc họp, Bộ KH-ĐT đã báo cáo Thủ tướng ba vướng mắc chủ yếu. Thứ nhất, đó là sự khác biệt, không tương thích, không phù hợp giữa quy định của Luật Đầu tư, Nghị định 118/2015/NĐ-CP và các luật, văn bản pháp luật liên quan khác trong thực hiện các thủ tục đầu tư. Thứ hai, vướng mắc trong tập hợp, rà soát và cải cách các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo yêu cầu của Luật Đầu tư. Thứ ba là vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện thủ tục, nghiệp vụ chấp thuận chủ trương, đăng ký dự án đầu tư và đăng ký DN.

Trong số những kết luận của Thủ tướng, tôi nhận thấy một thông điệp rất kiên quyết là những điều kiện kinh doanh được ban hành dưới những hình thức không hợp pháp thì từ 1-7-2016 đương nhiên hết hiệu lực và sẽ được công bố hủy bỏ. Ngược lại, những điều kiện kinh doanh hợp pháp cũng phải được tập hợp, ban hành trong nghị định, không để tạo ra khoảng trống pháp lý trong quá trình chuyển tiếp. Thủ tướng cũng đã yêu cầu tăng cường kỷ luật công chức và tính trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong toàn bộ bộ máy hành pháp cả trung ương lẫn địa phương, phát huy tinh thần phục vụ người dân, DN. Đồng thời, tăng cường vai trò của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư...

* Thực tế, đây cũng chính là tinh thần đã được thể hiện trong Luật DN, Luật Đầu tư 2014?

* Luật đã thể hiện tinh thần đó, nhưng khi người đứng đầu bộ máy hành pháp khẳng định lại thì điều này có ý nghĩa rất lớn, thể hiện quyết tâm thực thi nghiêm túc và khẩn trương. Thủ tướng cũng đã đồng ý ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành hai luật trên theo quy trình rút gọn (dùng một nghị định sửa nhiều nghị định), kiên quyết xong trước 1-7-2016, giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai xây dựng nghị định này.

* Ông cũng là Tổ trưởng Tổ thư ký của Tổ công tác thực hiện Luật Đầu tư, Luật DN. Ông nhận thấy mối quan tâm lớn nhất của DN hiện nay là gì?

* Những phản ánh, kiến nghị của DN rất đa dạng, liên quan đến chi phí hoạt động, những bất cập trong thực hiện luật pháp về thuế, hải quan, vốn, đất đai; thanh tra kiểm tra; lao động tiền lương và chế độ sử dụng lao động... Tôi nhớ có nhiều DN bức xúc về phí giao thông; giá thuê đất cao và tăng liên tục. Theo các DN, 5 năm trở lại đây giá thuê đất năm nào cũng tăng, không thấy điểm dừng; phá vỡ bài toán kinh doanh của DN. Cách thức tiến hành thanh tra, kiểm tra cũng gây khó khăn cho DN, làm xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo tâm trạng bất an cho DN và khiến cho khách hàng, đối tác của DN nghi ngờ, cổ đông mất lòng tin... Mà trong nền kinh tế thị trường, chỉ một tác động nhỏ có thể gây ra những hậu quả lớn. 

* Việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể được thực thi trong thời gian tới liệu có phải là một trong những vấn đề nóng đối với DN? 

* Tôi cho rằng các DN sẽ có giải pháp ứng phó linh hoạt tùy vào đặc điểm tình hình cụ thể của họ. Vấn đề là Nhà nước đồng hành với họ bằng cách nội luật hóa “luật chơi chung” ấy để đảm bảo sự tương thích về luật pháp; đồng thời chia sẻ thông tin cho DN để họ tự tin bước vào sân chơi lớn. Trong một thế giới phẳng, cạnh tranh trong và ngoài nước về bản chất không khác nhau là mấy.

* Cảm ơn ông!

ANH THƯ thực hiện

Tin cùng chuyên mục