Quan hệ Mỹ - Israel trong suốt 8 năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama có lúc xuống tới mức thấp nhất liên quan đến việc Israel bất chấp can ngăn của Mỹ, tiếp tục xây thêm các khu định cư tại bờ Tây sông Jordan. Thế nhưng, cứ khi tới mùa bầu cử thì lá phiếu của cư tri gốc Do Thái lại trở nên quan trọng và cho dù đảng Dân chủ hay Cộng hòa, họ không thể bỏ qua ảnh hưởng rất lớn của cộng đồng gốc Do Thái khi mà hầu hết những ông chủ lớn của các tập đoàn Mỹ đều là người gốc Do Thái. Hơn nữa, bất chấp có thêm nhiều điểm nóng trên thế giới thì khu vực Trung Đông vẫn là yết hầu của Mỹ và mọi chính sách ngoại giao của chủ nhân Nhà Trắng đều tập trung vào khu vực này trước tiên.
Do vậy, theo tiết lộ của tờ Washington Post, trong tuần này, một quan chức cấp cao của Israel sẽ đến Washington kết thúc cuộc đàm phán liên quan đến gói viện trợ quân sự lớn nhất từ trước tới nay của Mỹ cho Israel. Theo văn phòng của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, tướng Yaakov Nagel, người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia Israel, được phái đi Washington với hy vọng ký kết thỏa thuận càng sớm càng tốt.
Theo các quan chức Israel, cả Mỹ và Israel hiện nay đang mong muốn đạt thỏa thuận trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Obama kết thúc. Chưa rõ số tiền viện trợ của Mỹ cho Israel hàng năm sắp tới sẽ là bao nhiêu, nhưng có thể sẽ cao hơn đáng kể so với thỏa thuận hiện nay với 3,1 tỷ USD/năm (sẽ hết hạn vào năm 2018). Ngoài ra, Quốc hội Mỹ cũng muốn cấp thêm tài trợ cho chương trình phòng thủ tên lửa tại Israel. Theo Washington Post, trong quá trình đàm phán thỏa thuận mới, Thủ tướng Netanyahu muốn nâng mức viện trợ của Mỹ cho Israel lên 5 tỷ USD/năm. Israel cho rằng họ cần phải chi tiêu nhiều hơn về quốc phòng sau thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Iran vào năm ngoái dẫn đến việc gỡ bỏ phong tỏa tài sản của Iran. Israel lo ngại Iran có thể sử dụng một phần tiền này để tài trợ cho kế hoạch quân sự chống Israel.
Tuy nhiên, Chính quyền Mỹ, muốn giảm dần tỷ lệ sử dụng tiền viện trợ của Mỹ chi cho quân sự Israel hiện đang ở mức 26%. Đây là tỷ lệ cao nhất mà một đồng minh của Mỹ được phép thực hiện từ năm 1980 nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng quốc phòng của Israel. Với ngành công nghiệp quốc phòng của Israel hiện phát triển mạnh, Mỹ muốn giảm dần tỷ lệ này để buộc Israel phải thanh toán cho các công ty Mỹ cung cấp hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Phía Israel không muốn giảm chi tiêu viện trợ của Mỹ vào quốc phòng vì lo ngại rằng có thể làm giảm khả năng duy trì lợi thế quân sự của Israel trong khu vực.
Theo ông Ilan Goldenberg, Giám đốc Chương trình An ninh Trung Đông tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, thỏa thuận mới về viện trợ của Mỹ dành cho Israel sẽ là một thông điệp mạnh mẽ tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ dành cho đồng minh quan trọng ở Trung Đông. Còn David Halperin, Giám đốc Diễn đàn chính sách với Israel ở New York, cho rằng, thỏa thuận mới sẽ là một dấu chấm than về quan hệ Mỹ - Israel trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama; giúp củng cố hơn bao giờ hết sự cam kết của Mỹ đối với an ninh của Israel. Điều đó cũng có thể ngăn Thủ tướng Israel Netanyahu đứng về về phía đảng Cộng hòa. Tương tự, David Makovsky, nhà phân tích tại Viện Washington về chính sách Cận Đông, nhận định, Tel Aviv luôn muốn có vị trí quan trọng trong mọi chính sách của Tổng thống mới của Mỹ cho dù là thuộc đảng nào.
KHÁNH MINH