Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu: Đổi mới để hội nhập

LTS:
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu: Đổi mới để hội nhập

LTS: Ông Nguyễn Văn Giàu (ảnh) vừa chính thức tiếp nhận chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Nhân dịp này, phóng viên báo ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông về những vấn đề công luận đang quan tâm.

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu: Đổi mới để hội nhập ảnh 1

PHÓNG VIÊN: -Thưa Thống đốc, ngành ngân hàng đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. NHNN sẽ tận dụng được thuận lợi, vượt qua thách thức trong xu thế hội nhập?

Thống đốc NGUYỄN VĂN GIÀU:  - NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu đổi mới triệt để hệ thống ngân hàng. Hiện nay, NHNN đang khẩn trương triển khai xây dựng các dự án Luật NHNN Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng (thay thế các luật hiện hành), Luật Giám sát an toàn hoạt động ngân hàng, Luật Bảo hiểm tiền gửi. Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ đổi mới tổ chức và hoạt động của mình trên cơ sở xây dựng và triển khai đề án Ngân hàng Trung ương hiện đại, nhằm nâng cao năng lực trong điều hành chính sách tiền tệ và quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng. Ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống, đẩy mạnh đầu tư góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của NHNN Việt Nam.

NHNN cũng đang xem xét, xác định lộ trình cải cách hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng  đạt được các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong hoạt động; đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ ngân hàng và hệ thống thanh toán nhằm cung ứng nhiều sản phẩm và tiện ích mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Với lộ trình mở cửa theo cam kết gia nhập WTO, đào tạo đội ngũ cán bộ ngân hàng có phẩm chất vững vàng và trình độ chuyên môn cao, thông thạo ngoại ngữ… cũng là yếu tố rất quan trọng nhằm tiếp thu và ứng dụng được các kiến thức và công nghệ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới vào hệ thống ngân hàng nước ta.

- Hiện nay, lạm phát đang là vấn đề gây bức xúc. Có ý kiến cho rằng, hoàn toàn có thể kiềm chế được lạm phát, nếu coi trọng mục tiêu này hơn là mục tiêu tăng trưởng. Quan điểm của Thống đốc về vấn đề này?

- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ đầu năm đến nay, NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp trong điều hành chính sách tiền tệ, đồng thời tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề ra giải pháp kiềm chế tăng giá tiêu dùng. NHNN đã thực hiện nhiều biện pháp để điều tiết lượng tiền trong lưu thông nhằm kiểm soát mức tăng tổng phương tiện thanh toán. Đến nay, chỉ riêng thông qua nghiệp vụ thị trường mở, NHNN đã thu về khoảng 87% tổng lượng tiền đưa ra mua ngoại tệ từ đầu năm tới nay. Đồng thời, NHNN cũng hạn chế cho vay tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng và tăng cường thu các khoản nợ đến hạn, tiếp tục giữ ổn định các loại lãi suất chủ đạo để hạn chế gia tăng lãi suất trên thị trường. Ngân hàng nhà nước cũng đã chỉ thị các tổ chức tín dụng hạn chế cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán nhằm kiềm chế gia tăng tín dụng ở lĩnh vực này, góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng.

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu: Đổi mới để hội nhập ảnh 2

Các nhân hàng ngày càng cung cấp nhiều sản phẩm cho khách hàng. Trong ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng Phương Đông. Ảnh: Anh Thư

- Vậy theo ông, ta có thể kiềm chế được lạm phát theo mục tiêu đã đề ra?

- Lạm phát gần đây đã có dấu hiệu tăng chậm lại. Nó vẫn trong tầm kiểm soát và các cân đối vĩ mô vẫn giữ được ổn định. Mục tiêu mà Chính phủ đặt ra trong năm nay là phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế cao (ở mức 8,2-8,5%), đồng thời giữ tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cả 2 mục tiêu này đều quan trọng và cần phải đạt được. Trong điều kiện kinh tế nước ta hiện nay, nếu chỉ nghiêng về mục tiêu kiểm soát lạm phát thì sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, điều hành chính sách tiền tệ phải vừa đạt được mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát, vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tôi tin rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương và nếu doanh nghiệp chấp hành, triển khai đồng bộ các giải pháp thì khả năng đạt được cả 2 mục tiêu nêu trên là khả thi.

- Tiến trình cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước đang được dư luận hết sức quan tâm. Theo Thống đốc, vào thời điểm này có nên giãn tiến độ IPO các ngân hàng thương mại nhà nước như một số ý kiến đề nghị?

- Việc cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước đã và đang thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó các ngân hàng thương mại nhà nước chủ trì triển khai thực hiện cổ phần hóa theo quy định, báo cáo kết quả và tiến độ lên Thủ tướng Chính phủ thông qua Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp. Hiện nay, các ngân hàng thương mại đã trình Thủ tướng Chính phủ lựa chọn các nhà tư vấn. Một số ngân hàng đang trong giai đoạn đàm phán chọn nhà đầu tư chiến lược. Theo thông báo mới đây của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, việc lựa chọn đối tác chiến lược sẽ được hoàn tất trong tháng 10 tới. Thời điểm IPO các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ do Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

- Giới đầu tư rất băn khoăn về Chỉ thị 03 do NHNN ban hành. Họ cho rằng nó đã gián tiếp làm thị trường chứng khoán ngưng trệ. Xin cho biết ý kiến của Thống đốc?

- Thời gian qua, một số ngân hàng thương mại, chủ yếu là các ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ, vốn điều lệ thấp, đã cho vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán với tỷ lệ khá cao so với tổng dư nợ cho vay của ngân hàng. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho các ngân hàng vì  thị trường chứng khoán là lĩnh vực đầu tư rất nhạy cảm, khó dự đoán, nhất là đối với những thị trường đang còn non trẻ như ở nước ta. Việc ban hành Chỉ thị 03 là nhằm điều chỉnh cơ cấu tín dụng của những tổ chức tín dụng đã cho vay chứng khoán quá lớn, đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng, đồng thời hướng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào  các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác đang thiếu vốn, như các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp, nông thôn.

- Xin cảm ơn Thống đốc.

Minh Giang

Tin cùng chuyên mục