Sáng nay, 14-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa dổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản và việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh. Hầu hết ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều thống nhất chủ trương mở rộng Hà Nội, tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, những phân tích trong Tờ trình 60 chưa rõ và chưa thuyết phục.
Theo Tờ trình số 60/TTr-CP của Chính phủ, những năm gần đây, trong công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với tốc độ phát triển hết sức mau chóng của cả nước, Thủ đô Hà Nội đang đứng trước sự quá tải, mất cân đối lớn về nhiều mặt. Mối liên kết quản lý và phát triển Thủ đô Hà Nội với các tỉnh xung quanh và với cả nước cũng gặp nhiều hạn chế do bị bó hẹp trong phạm vi hành chính và không gian diện tích Thủ đô hạn hẹp.
Tại buổi thảo luận tổ sáng nay, hầu hết ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều thống nhất chủ trương mở rộng Hà Nội, tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, những phân tích trong Tờ trình 60 chưa rõ và chưa thuyết phục.
ĐB Nguyễn Đăng Kính (Hà Tây) cho rằng, lý do sát nhập 4 xã của Hòa Bình và Hà Tây nhằm khắc phục tình trạng tranh chấp đất đai giữa Hà Tây và Hòa Bình là chưa thuyết phục.
“Tại khu vực này dân Hòa Bình, Hà Tây và dân nhiều nơi khác đều sinh sống xen kẽ, không có tranh chấp. Bây giờ chỉ cần xác định hộ khẩu, đất đai là họ yên tâm” – ĐB Nguyễn Đăng Kính nói.
Cùng tâm trạng này, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Tây) cũng lấy làm buồn khi những đánh giá về đóng góp của chính quyền, nhân dân Hà Tây trong thời gian qua chưa thực sự đầy đủ. Theo ĐB, là vùng phân lũ của Thủ đô, nhiều năm nay, cán bộ từ tỉnh, xã, huyện, thôn… đều coi chống bão lụt là nhiệm vụ hàng đầu. Nhưng trong Tờ trình nói là mở rộng Hà Nội, chính quyền mới sẽ làm tốt nhiệm vụ này hơn thì chưa chuẩn.
ĐB Đặng Thuần Phong, Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) cũng cùng chung quan điểm ủng hộ mở rộng Hà Nội, nhưng vẫn chưa yên tâm về cách làm và đề nghị cần chuẩn bị thêm….
ANH NHI