Đó là Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD); Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011 - 2016”; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Với 93,69% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Quản lý tài sản công. Theo đó, các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại cho Nhà nước phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD vừa được Quốc hội thông qua với một trong những điểm đáng chú ý là “không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu”, phù hợp với Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Sau khi cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, để bảo đảm thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD như đã đề ra trong Nghị quyết 05-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, phấn đấu đến năm 2020 nợ xấu của các TCTD xuống dưới 3%… nên nợ xấu được xác định là khoản nợ hình thành trước ngày 15-8-2017 và thời điểm nghị quyết có hiệu lực là ngày 15-8-2017.
Dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011 - 2016” được Quốc hội biểu quyết thông qua với 93,69% trên tổng số ĐBQH tán thành. Theo nghị quyết, Quốc hội sẽ thành lập Đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011 - 2016”.
Tại Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020, Quốc hội khẳng định nguyên nhân các hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực này “do yếu tố chủ quan là chủ yếu, trước hết thuộc về sự buông lỏng quản lý của chính quyền các cấp”. Nghị quyết nêu rõ: để khắc phục những tồn tại, yếu kém, đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ cần khẩn trương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm để sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung. Việc sửa đổi các văn bản pháp luật phải theo hướng “quy định rõ các điều cấm và tăng chế tài xử lý; khắc phục tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm trong phân công quản lý an toàn thực phẩm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật”.
Theo Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn vừa được Quốc hội thông qua, nhiều mục tiêu, yêu cầu cụ thể đã được đặt ra cho Chính phủ, các bộ ngành. Với nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu Bộ NN-PTNT thực hiện việc rà soát, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp; chú trọng các giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đảm bảo tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt tối thiểu 3%. Cũng trong năm 2017, hoàn thành chuyển giao chức năng quản lý phân bón từ Bộ Công thương sang Bộ NN-PTNT. Trong lĩnh vực thủy sản, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, địa phương trong điều tra, nghiên cứu, quản lý, khai thác nguồn lợi thủy sản; có giải pháp khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thời gian qua, sớm hoàn thành chỉ tiêu đóng 2.284 tàu được phân bổ theo kế hoạch, bảo đảm chất lượng.
Đối với Bộ VH-TT-DL, Quốc hội yêu cầu trong năm 2017, ban hành nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, ngành cần khẩn trương rà soát, sớm sửa đổi các quy định về việc quản lý tác phẩm, cấp phép biểu diễn nghệ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển, cải cách hành chính và phù hợp với thực tiễn; hướng dẫn và triển khai thực hiện các giải pháp sớm đưa Luật Du lịch vào cuộc sống. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là chất lượng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan để khắc phục tình trạng lạm dụng sử dụng dịch vụ, trục lợi từ quỹ bảo hiểm y tế; đến năm 2020 về cơ bản không còn tình trạng quá tải bệnh viện là những yêu cầu được đặt ra cho ngành y tế. Với ngành kế hoạch và đầu tư, năm 2017 cần ban hành giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân; không để tình trạng kéo dài, đội vốn đầu tư, thất thoát, lãng phí, triển khai mở rộng các hình thức đầu tư để huy động vốn từ khu vực tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài...