Thông tin ngành nghề cho thí sinh

- Phụ huynh Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú, TPHCM):

- Phụ huynh Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú, TPHCM): Con tôi thích học ngành cơ khí chế tạo máy. Tuy nhiên, theo tôi biết học ngành này khá cực, đã vậy tôi còn lo xa hơn là không biết sau khi ra trường, cơ hội nghề nghiệp của kỹ sư cơ khí có rộng mở?

>> Bất cứ ngành nghề nào cũng có gian khổ theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Điều quan trọng nhất là các em có yêu thích và đam mê hay không mà thôi. Thực tế, ngành kỹ thuật cơ khí là ngành có lịch sử lâu đời và tham gia vào một dải khá rộng các công việc sản xuất, bao gồm từ khâu khai khoáng, hình thành vật liệu, gia công các thiết bị, chế tạo máy móc và điều hành hệ thống sản xuất công nghiệp. Trước đây kỹ sư cơ khí “động tay động chân” khá nhiều với nghề nghiệp nhưng hiện nay, công việc đã được tự động hóa bằng các máy móc hiện đại và công việc của người thợ chỉ còn là đứng máy nhấn nút, lập trình gia công... Lập trình gia công là một công việc quan trọng khi thực hiện trên các máy gia công tự động CNC, các công việc trước đây như lấy vật liệu (phôi), tiện, phay đều được máy tự động thực hiện một cách chính xác theo chương trình đã được lập trình. Một bước tiến cao hơn trong ngành cơ khí là công nghệ CAD/CAM/CNC, tạo thành một quy trình khép kín từ khâu thiết kế đến khâu chế tạo sản phẩm bằng các máy móc gia công hiện đại. Để có thể sản xuất ra các thiết bị cơ khí chất lượng, có tính kinh tế, đòi hỏi kỹ sư ngành kỹ thuật cơ khí phải am hiểu sâu sắc về tính chất của các loại vật liệu.

Ngoài khối kiến thức đại cương, sinh viên ngành Công nghệ cơ khí sẽ học các môn như: hình họa - vẽ kỹ thuật; cơ lý thuyết; sức bền vật liệu, nguyên lý - chi tiết máy; cơ học lưu chất; đồ án chi tiết máy, kỹ thuật điện; kỹ thuật điện tử, công nghệ kim loại; kinh tế công nghiệp và quản trị chất lượng, cơ sở vẽ và thiết kế trên máy tính, điều khiển tự động; máy điều khiển chương trình số, công nghệ CAD/CAM/CNC.

Kỹ sư ngành này có thể tham gia lập trình gia công máy CNC, lắp đặt các thiết bị máy móc cơ khí cho các nhà máy, công trình, vận hành khai thác hệ thống sản xuất công nghiệp, thiết kế các sản phẩm cơ khí và giám sát quá trình sản xuất ra các thiết bị cơ khí đó…

- Học sinh Trường THPT Hồ Thị Kỷ (Cà Mau): Em muốn trở thành kỹ sư thiết kế xây dựng nhà và cầu đường. Vậy em nên học ngành kiến trúc hay ngành xây dựng? Tuy nhiên học lực em ở mức khá và không có năng khiếu vẽ.

>> Như trình bày thì em nên chọn thi khối A, A1 vào ngành xây dựng. Có nhiều trường ngoài công lập đào tạo ngành này để em lựa chọn như ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Quốc tế Hồng Bàng… với mức điểm trúng tuyển bằng điểm sàn. Khi theo học, ngoài kiến thức nền và các môn cơ bản của ngành xây dựng, sinh viên còn học các môn chuyên ngành như vật liệu xây dựng, thiết kế kết cấu công trình, tổ chức thi công giám sát các hạng mục xây dựng công nghiệp, dân dụng và cầu đường… Riêng sinh viên ngành quản lý đô thị được trang bị thêm kiến thức kinh tế, quản trị hành chính công, luật, đặc biệt các quy định luật pháp về quản lý đất đai, nhà ở…

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tham gia thiết kế bản vẽ, lập dự toán, giám sát và hướng dẫn thi công xây dựng các công trình công nghiệp và dân dụng vừa và nhỏ, các công trình xây dựng cầu đường. Ngoài ra, kỹ sư còn làm việc tại các phòng quản lý nhà đất - đô thị quận, huyện, phường, xã hoặc các ban dự án xây dựng công trình, quản lý các dự án xây dựng, giám sát và thi công các công trình xây dựng, có kiến thức vững vàng về kỹ thuật xây dựng để có thể độc lập thiết kế kết cấu và thi công các công trình xây dựng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Tin cùng chuyên mục