- Trương Văn Kiệt (Trường THPT Trần Khai Nguyên, TPHCM): Em thích ngành tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, trước thông tin về nguồn nhân lực ngành này dư thừa nên em cũng hơi ngại vì lo ra trường khó kiếm việc làm?
>> Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Trưởng phòng Thông tin Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Chúc mừng em đã biết xác định ngành nghề cho mình. Đúng như em băn khoăn, hiện nay nguồn nhân lực ngành tài chính ngân hàng có sự cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, nhân lực ở trình độ cao lúc nào cũng cần vì thực tế các đơn vị sử dụng lao động cần năng lực thật sự của người lao động chứ không cần cái tên ngành nóng, ngành thời thượng.
Nếu theo học ngành này tại trường, em sẽ được trang bị các môn kiến thức nền, các môn học chuyên ngành kinh tế tài chính ngân hàng, các môn học bổ trợ, các kỹ năng mềm và hoạt động thực hành nghiệp vụ ngân hàng thương mại và nghiệp vụ tài chính doanh nghiệp. Đội ngũ giảng dạy của ngành gồm 90% giảng viên tốt nghiệp trong và ngoài nước, có trình độ thạc sĩ trở lên, có thâm niên và kinh nghiệm giảng dạy, trong đó có 1 phó giáo sư, 3 tiến sĩ. Phòng thực hành tin học với hơn 260 máy vi tính phục vụ cho việc học tin học, thực hành tin học ứng dụng, thực hành các mô hình doanh nghiệp ảo, sàn chứng khoán ảo, trung tâm mô phỏng ngân hàng hiện đại. Tùy bậc học, em ra trường sẽ đảm nhiệm công việc của chuyên viên phân tích tài chính doanh nghiệp, chuyên viên nghiệp vụ trong các ngân hàng, chuyên viên thẩm định đầu tư, kinh doanh ngoại hối, môi giới - đầu tư chứng khoán, định giá tài sản, quản trị danh mục đầu tư, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp… Giữ các vị trí then chốt trong hoạch định và quản lý tài chính như trưởng phòng tài chính các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước; giám đốc tài chính (CFO) hoặc trưởng phòng tài chính doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp liên doanh, đầu tư nước ngoài; trưởng phòng nghiệp vụ tại các ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng… Em có thể tự kinh doanh độc lập, làm chủ doanh nghiệp riêng, tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học hoặc học lên thạc sĩ, tiến sĩ.
- Nguyễn Trung Thành (Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TPHCM): Các ngành đào tạo của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn gồm những gì?
>> Các chương trình đào tạo của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn ở bậc đại học gồm: Quản trị kinh doanh, Thương mại quốc tế, Kinh tế đối ngoại, Quản trị du lịch, Marketing, Tiếng Anh, Khoa học máy tính. Bậc cao đẳng gồm: Quản trị kinh doanh, Tiếng Anh, Marketing, Kinh tế đối ngoại.
Sinh viên học chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh được công nhận học liên thông 2 năm cuối nếu có nhu cầu chuyển đến các trường đại học có quan hệ hợp tác với Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn. Điều kiện chuyển tiếp cụ thể do trường đại học được chọn quy định. Sinh viên tốt nghiệp các chương trình của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn được công nhận học tiếp thạc sĩ và tiến sĩ tại các trường đại học của Hoa Kỳ, Anh, Úc, Canada...
Phương thức tuyển sinh: Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn không tổ chức thi, chỉ xét tuyển. Trường thực hiện 2 phương thức xét tuyển như sau:
+ Xét tuyển dựa vào kết quả thi đại học, cao đẳng hệ chính quy theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn dự kiến dành 250 chỉ tiêu (200 chỉ tiêu đại học và 50 chỉ tiêu cao đẳng) để xét tuyển thí sinh có kết quả thi 3 chung đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào (trước đây gọi là điểm sàn) do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
+ Lần đầu tiên xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT dựa vào kết quả học tập lớp 12: Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn dự kiến dành 350 chỉ tiêu (300 chỉ tiêu đại học và 50 chỉ tiêu cao đẳng) để xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT dựa vào kết quả học tập bậc THPT.
Ghi chú: Thí sinh chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh phải đạt IELTS 5.5 hoặc TOEFL PBT 500 (iBT 61), bậc đại học; IELTS 5.0 hoặc TOEFL PBT 450 (iBT 45), bậc cao đẳng.