Sáng 7-12, Cục Hải quan TPHCM đã có buổi đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM. Cuộc họp trở nên “nóng” hơn khi nhiều vấn đề mà ngay chính ngành hải quan cũng kêu than. Đó là các văn bản quy phạm pháp luật không rõ ràng, thiếu thực tế, khó thực thi; các cơ quan muốn hiện đại hóa, tin học hóa nhưng phải phụ thuộc vào công ty dịch vụ…
Tắc và chờ!
Chỉ từ đầu năm đến nay, đã có 25 thông tư hướng dẫn về thủ tục hải quan. Riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã ban hành hơn 10 thông tư. Thậm chí, có thông tư của Bộ NN-PTNT ra đời mà không cần có nghị định của Chính phủ! Tưởng có nhiều văn bản hướng dẫn pháp luật sẽ gỡ khó cho DN, đằng này, càng có nhiều văn bản lại càng… vướng. Không chỉ DN khổ mà ngay ngành hải quan cũng không biết áp dụng thế nào.
“Thông tư số 55 của Bộ NN-PTNT hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm khi chưa có nghị định hướng dẫn của Chính phủ nhưng thông tư lại quy định những điều kiện không có khả năng thực hiện. Cụ thể, thông tư quy định khi xuất khẩu thủy sản (đối với một số thị trường), buộc sản phẩm phải sản xuất từ cơ sở được Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cấp giấy chứng nhận đạt chất lượng.
Quy định đột ngột này khiến tất cả hàng hóa sản xuất từ cơ sở sản xuất đều nằm lại cảng, vì không có giấy chứng nhận. Hàng xuất khẩu, thay vì phải khuyến khích, đằng này quy định gây thêm khó khăn, vướng mắc cho DN”, ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan TPHCM bức xúc nói. Nhiều thông tư khác của Bộ NN-PTNT như Thông tư số 39, 62, 69… ban hành theo kiểu liệt kê danh mục các sản phẩm phân bón, thức ăn chăn nuôi, thú y… phải nằm trong danh mục quy định mới được phép nhập khẩu, nếu ngoài danh mục, DN phải xin phép “riêng”, khiến nhiều hàng hóa về đến cảng phải nằm chờ vì thủ tục hành chính xin phép không hề đơn giản.
Thông tư số 11 của Bộ Xây dựng vừa ra đời đã bị… tắc vì quy định điều kiện không thể thực thi. Thông tư 11 quy định, muốn nhập khẩu vật liệu xây dựng phải nộp chứng chỉ ISO môi trường của nước xuất khẩu. Hỏi ra thì không ai biết chứng chỉ ISO môi trường là gì, khiến các DN nhập khẩu vật liệu xây dựng đang kinh doanh phải ngừng nửa chừng.
Trong thời gian kiến nghị lên Bộ Xây dựng về vấn đề này, Hải quan TPHCM đành phải “gỡ” cho DN bằng cách mở tờ khai hải quan và cho DN mang hàng về bảo quản. Nhưng DN nhập khẩu về là để kinh doanh, vì vậy hầu hết hàng “bảo quản” đều được DN bán ra thị trường. Ngay cả sản phẩm điện, cũng bị bán ra thị trường khi chưa có kết luận của cơ quan quản lý nhà nước là rất nguy hiểm nhưng DN sẵn sàng chịu phạt chứ không thể ngồi chờ.
Hiện đại thành “hại điện”
Sau khi bức xúc về những quy định bất khả thi, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM chuyển sang “gỡ” khó cho DN qua thủ tục hành chính. Ông cho biết, sắp tới, Hải quan TPHCM thực hiện đề án một cửa ở Cảng Cát Lái, tập trung vào các loại hàng hóa nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất. Quy định này sẽ dần thay đổi thói quen làm thủ tục hải quan, DN không phải chờ hàng đến cảng mới làm thủ tục hải quan mà khi hàng lên tàu, có vận đơn là DN có thể tiến hành các thủ tục hải quan điện tử qua mạng. Đồng thời, hải quan cũng ứng dụng kiểm tra hàng bằng máy soi, rút ngắn thời gian kiểm tra chỉ còn 10 - 15 phút (trước đây là 7 - 10 ngày). Sau khi áp dụng thí điểm tại Cảng Cát Lái, Cục Hải quan TP sẽ mở rộng đến các cảng khác.
Dù ngành hải quan đã nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thế nhưng, đối với các DN, quy trình hải quan lại rất khó khăn. DN phản ứng, dù nộp thuế đúng hạn nhưng hải quan vẫn báo nợ thuế quá hạn, làm ảnh hưởng đến việc phân luồng hải quan của DN. Khi DN nộp thuế trực tiếp tại kho bạc, phải đến 2 ngày sau, thông tin mới đến được ngành hải quan… Đại diện DN gỗ Trường Thành phản ánh, áp dụng khai báo tờ khai hải quan điện tử nhưng DN vào thì… rớt mạng. Thủ tục của DN giải quyết chậm, DN phản ứng thì nhận được câu trả lời: “lãnh đạo đi họp”. Ban đầu, ngành hải quan thông báo DN được sử dụng phần mềm khai báo hải quan điện tử miễn phí nhưng Công ty Thái Sơn (một trong 2 đơn vị được cung cấp phần mềm) đòi DN 15 triệu đồng nếu muốn sử dụng tiếp. Còn phần mềm miễn phí trên website của Tổng cục Hải quan thì DN tải hoài không được, có khi tải được, lại sử dụng không được…
Trả lời những vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nghiệp cho biết, việc Công ty Thái Sơn đòi tiền sử dụng phần mềm là việc của các DN với nhau, còn phần mềm trên mạng của ngành không hiệu quả, ông sẽ kiến nghị với cấp trên. Riêng việc lãnh đạo đi họp, không giải quyết kịp thời yêu cầu của DN, ông sẽ cho kiểm tra lại và nhắc nhở các đơn vị buộc phải có cán bộ trực lãnh đạo giải quyết các yêu cầu cho DN. Về tình trạng rớt mạng, ông cho biết, đó là phần mềm của tổng cục và sẽ được nâng cấp trong thời gian tới, hứa hẹn sẽ phục vụ tốt hơn yêu cầu của DN.
Hàn Ni