Thứ Ba trao tặng

Sau hai ngày mua sắm hối hả là Black Friday (Thứ Sáu đen) và Cyber Monday (Thứ Hai điện tử), người Mỹ lại đón thêm một ngày đặc biệt: Giving Tuesday (Thứ Ba trao tặng). Ngày đặc biệt này mới xuất hiện trong năm nay, xuất phát từ ý tưởng của ông Henry Timms, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm cộng đồng Do Thái và bà Kathy Calvin, Giám đốc Quỹ từ thiện LHQ, với mong muốn phân phát quà từ thiện cho người nghèo trong dịp lễ cuối năm tại nước Mỹ.

Ông Henry Timms lý giải: “Chúng ta có một ngày để tạ ơn, hai ngày để mua hàng giảm giá, vậy tại sao lại không có một ngày để cho đi?”.

“Giving Tuesday” cũng là cụm từ xuất hiện nhiều nhất trong những ngày qua trên các phương tiện truyền thông ở Mỹ. Những ai là thành viên các trang mạng xã hội như tôi và những người bạn đang sinh sống tại quốc gia này thường nhận được những lời mời gọi tham gia chương trình này ngay từ đầu tháng 11. Mọi người đều háo hức và sẵn sàng tham gia dù không phải ai cũng dư dả. Website Giving Tuesday cho biết tính đến ngày 27-11, đã có hơn 2.100 tập đoàn, công ty, các quỹ từ thiện phi lợi nhuận, trường học, các tổ chức tôn giáo và nhiều cá nhân đồng ý đóng góp quà tặng.

Chưa kể, hàng ngàn tình nguyện viên nhận lời tham gia phân phát quà đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đó có thể chỉ là những món quà rất nhỏ đối với những người có thu nhập cao ở Mỹ như đôi tất, chiếc áo len, bánh ngọt… nhưng lại mang rất nhiều ý nghĩa đối với người nghèo không có việc làm tại quốc gia này.

Tại sao Giving Tuesday lại được người Mỹ đón nhận đến như vậy? Tờ LA Times cho rằng ngày đặc biệt này đã góp phần thay đổi quan niệm về một xã hội Mỹ chỉ thích chạy theo hàng hóa tiêu dùng vào những dịp lễ cuối năm. Ngoài hình ảnh những người sẵn sàng xô lấn, giành giật, chen chúc trong các cửa hiệu mua sắm trong Black Friday, nước Mỹ sẽ có những hình ảnh đậm tính nhân văn về những món quà ấm áp trong ngày Giving Tuesday. Văn hóa “cho đi” đang trở thành xu hướng được nhiều người giàu Mỹ hưởng ứng. Bằng chứng là đã có hàng chục tỷ phú, triệu phú Mỹ cam kết cho đi phần lớn tài sản của mình vì mục đích từ thiện trong chương trình “Giving Pledge”.

Tại Mỹ, vẫn có tới 46,68 triệu người nghèo phải xếp hàng xin từ bơ sữa cho tới bánh mì. Theo đánh giá của Viện Brookings, với tốc độ hiện tại, cuộc khủng hoảng sẽ đẩy thêm 10 triệu người vào cảnh nghèo khổ từ nay đến năm 2015. Nước Mỹ vẫn có rất nhiều người hầu như không bao giờ tới những trung tâm mua sắm lớn. Vào những dịp lễ, người nghèo ở Mỹ ùn ùn kéo nhau tới chợ đồ cũ để săn những món đồ còn giá trị sử dụng có giá vừa với túi tiền của họ.

Hình thức siêu thị dành cho người nghèo ở Mỹ cũng vì thế ngày càng được nhân rộng. Những siêu thị này không phải được mở ra chuyên phục vụ người nghèo ngay từ đầu. Tuy nhiên, trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt và kinh tế suy thoái như hiện nay, tiết giảm tối đa chi phí để hạ giá thành sản phẩm đã thu hút rất nhiều khách hàng nghèo.

Những bước đầu thành công của Giving Tuesday làm hàng triệu người nghèo tại Mỹ cảm thấy ấm lòng hơn trong dịp lễ cuối năm. Các nhà tổ chức đã cam kết chương trình sẽ tiếp tục và sẽ được thực hiện quy mô lớn vào năm tới. Ngẫm lại thấy thật đúng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nhất là trong lúc cả xã hội vẫn còn chật vật xoay xở trong cơn khủng hoảng như thế này.

Minh Anh

Tin cùng chuyên mục