Thu hồi đất công sử dụng sai mục đích - Những bước chuyển tích cực

Không nhân nhượng
Thu hồi đất công sử dụng sai mục đích - Những bước chuyển tích cực

Thu hồi đất công sử dụng không hiệu quả, sai mục đích là vấn đề đã từng làm “nóng” nghị trường TPHCM suốt nhiều năm qua. Nhưng gần đây mới có những động thái chuyển biến tích cực.

Kho 681 Bình Đông đã có quyết định thu hồi từ nhiều năm qua. Ảnh: CAO THĂNG

Kho 681 Bình Đông đã có quyết định thu hồi từ nhiều năm qua. Ảnh: CAO THĂNG

Không nhân nhượng

Tiếp chúng tôi sau đợt làm việc với UBND quận 8, một trong những địa phương có số lượng các khu đất công sử dụng không hiệu quả nhất thành phố, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở TN-MT kiêm Trưởng đoàn kiểm tra xử lý các vi phạm về quản lý sử dụng đất đai (đoàn do Chủ tịch UBND TPHCM ký thành lập), cho biết, Sở TN-MT và UBND quận 8 vừa thống nhất thu hồi ngay 2 khu đất đã gần 10 năm nay sử dụng không hiệu quả. Khu đất thứ nhất do Công ty cổ phần Hòa Bình quản lý gần 21.000m² tại phường 6. Khu đất thứ hai hơn 3.000m² do Công ty Xuất nhập khẩu thành phố quản lý tại số 545 Ba Đình thuộc phường 9. Hiện UBND quận 8 đang tiến hành các thủ tục thu hồi đất theo luật định và sẽ sớm trình Sở TN-MT ra quyết định thu hồi.

Đặc biệt, khu đất sử dụng không hiệu quả của Công ty cổ phần Điện máy TPHCM-đơn vị “đòi” được gặp lãnh đạo thành phố để “trình bày”, đoàn kiểm tra yêu cầu UBND quận 8 xử lý ngay theo quy định: không ngại ngần, không nhân nhượng.  

Khoảng 10 khu đất sử dụng không hiệu quả khác ở quận 8 cũng đang bị phạt vì sử dụng chưa hiệu quả với mức phạt từ vài triệu đồng đến khoảng 20 triệu đồng/khu. Đồng thời với biên bản phạt này, các đơn vị còn được yêu cầu khắc phục ngay trong vòng 3 tháng. Hết thời gian, nếu không có chuyển biến tích cực, mức xử phạt có thể cao hơn.

Sau khi tập trung kiểm tra và xử lý ở quận 8, thành phố sẽ làm rộng ra tại các địa phương khác. “Sau khi xử lý đất công sử dụng không hiệu quả của các doanh nghiệp, đoàn kiểm tra sẽ “sờ” đến các cơ quan nhà nước sử dụng đất công lãng phí”, ông Nguyễn Văn Hồng nói.

Theo thống kê của Sở TN-MT TPHCM, từ năm 2003 đến nay, sở đã ra quyết định thu hồi khoảng 100 khu đất công hoặc kho bãi sử dụng không đúng mục đích. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh hết số kho bãi và đất công sử dụng không đúng mục đích đáng lẽ phải thu hồi của thành phố.

Chuẩn hóa thủ tục thu hồi đất

Như sự khẳng định của ông Nguyễn Văn Hồng trong loạt bài phản ánh tình trạng thu hồi đất công sử dụng không hiệu quả, đăng trên Báo SGGP cách nay khoảng một tháng, việc thiếu một quy trình thủ tục về thu hồi đất đã và đang là nguyên nhân lớn nhất, trực tiếp khiến công tác này gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, bên cạnh những bước đi cụ thể từ cơ sở, một quy trình thủ tục về thu hồi đất đang được hoàn thiện.

Theo dự thảo cuối cùng, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện và xác định vi phạm thuộc diện phải thu hồi đất, cơ quan phát hiện lập hồ sơ gửi đến thanh tra chuyên ngành. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan phát hiện vi phạm, cơ quan thanh tra có trách nhiệm thẩm tra, xác minh và có kết luận về hành vi vi phạm luật đất đai. Trường hợp phải thu hồi đất, trong thời hạn 3 ngày làm việc phải chuyển văn bản kết luận và hồ sơ cho cơ quan quản lý tài nguyên môi trường để ra quyết định thu hồi.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, dự kiến đến cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10-2011 quy định này sẽ được UBND TPHCM xem xét, ban hành. Nhiều địa phương đang rất kỳ vọng quy định ra đời sẽ gỡ được nút thắt lớn nhất trong quá trình thu hồi đất công sử dụng không hiệu quả. Tuy nhiên cũng có không ít đơn vị băn khoăn: phải chăng trở ngại chính trong việc thu hồi đất công là những nhân nhượng, bao che? Theo quan điểm thứ hai, những đơn vị này cho rằng: chỉ khi nào những trở ngại ấy được xử lý triệt để thì việc thu hồi đất công sử dụng không hiệu quả, thu hồi đất do vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, mới đạt được kết quả như mong muốn.

  • Công ty cổ phần Điện máy TPHCM cản trở khảo sát hiện trạng

Công ty cổ phần Điện máy TPHCM được giao quản lý và sử dụng kho số 338 tại đường Dương Bá Trạc phường 1 quận 8. Kho có diện tích 4.600m2. Khảo sát thực tế của phóng viên thấy nhà kho đã có dấu hiệu xuống cấp. Tấm bảng đề “Xưởng sản xuất và lắp ráp hàng điện máy” treo trước cửa đã phai gần hết chữ. Mặt bằng này đã có quyết định thu hồi của UBND TPHCM từ năm 2007 và đến tháng 3-2008, UBND TPHCM đã ban hành quyết định thành lập Hội đồng định giá mặt bằng để tổ chức thẩm định, lập phương án bồi thường cho Công ty cổ phần Điện máy. Tuy nhiên đến nay, công tác thẩm định giá vẫn chưa tiến hành vì doanh nghiệp trên không đồng ý cho tổ công tác khảo sát hiện trạng, đánh giá chất lượng còn lại của tài sản trên đất. Doanh nghiệp còn tuyên bố sẽ không hưởng ứng bất cứ yêu cầu nào của quận 8 về việc xử lý kho 338 Dương Bá Trạc nếu không được làm việc với UBND TPHCM (?).

Ng.Khoa - H.Nhung

Tin cùng chuyên mục