Chiều 23-10, Quốc hội đã nghe các báo cáo và thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách năm 2013, dự toán ngân sách năm 2014; phương án phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) giai đoạn 2014 - 2016; sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015.
Theo báo cáo về thu, chi ngân sách do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, dự kiến thu ngân sách năm 2013 đạt 790.800 tỷ đồng, giảm 25.200 tỷ đồng so với dự toán. Nếu loại trừ các khoản ghi thu ngân sách (khoảng 38.400 tỷ đồng) thì thu cân đối ngân sách nhà nước hơn 752.300 tỷ đồng, giảm 63.600 tỷ đồng (-7,8%) so với dự toán. Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2013 ước đạt 986.300 tỷ đồng, tăng 8.300 tỷ đồng, tương đương 0,8% so với dự toán. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 ở mức 5,3% GDP. Chênh lệch thu - chi khoảng 195.000 tỷ đồng. Về kế hoạch năm 2014, theo dự kiến của cơ quan tài chính, thu cân đối ngân sách khoảng 782.700 tỷ đồng, chi khoảng 1.006.700 tỷ đồng, bội chi dự kiến 5,3%.
Thẩm tra về thu ngân sách năm 2013, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, Chính phủ cần đánh giá đúng thực chất hơn về mức tăng trưởng kinh tế trong mối quan hệ với thu ngân sách, trên cơ sở đó rà soát lại khả năng thu, tăng cường chống thất thu, xử lý nghiêm gian lận, trốn thuế; đôn đốc thu hồi nợ đọng để có số ước thu ngân sách tích cực hơn...
Về chi, cần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thi công kéo dài, gây lãng phí nguồn lực. Vẫn còn nhiều dự án triển khai chậm tiến độ, phân bổ vốn không đúng cơ cấu, chương trình hỗ trợ được giao... Về dự toán thu ngân sách năm 2014, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ cần rà soát thêm số dự toán thu trên cơ sở dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,8%, các khoản thuế đã được gia hạn trong năm 2013 chuyển sang năm 2014, đẩy mạnh các biện pháp chống gian lận thương mại, trốn thuế, chống nợ đọng thuế, quản lý chặt chẽ và khai thác nguồn thu vào ngân sách...
Về kế hoạch chi năm 2014, cơ quan này cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Trong giai đoạn khó khăn khi tốc độ tăng thu giảm, bội chi ngân sách đã cao hơn kế hoạch, dư nợ công tăng nhanh, nhiều khoản nợ của ngân sách chưa được xử lý nhưng dự toán chi theo đề nghị của Chính phủ vẫn tăng 2,9% so với dự toán năm 2013 là chưa thể hiện rõ thông điệp phải triệt để tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu hơn nữa cho phù hợp với tình hình khó khăn hiện nay”.
Tập trung cho các dự án sắp hoàn thành
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, tổng kinh phí huy động các nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2013 trên 92.600 tỷ đồng. Tuy vậy, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, dù có nhiều cố gắng nhưng kết quả huy động vốn trong 3 năm thực hiện các chương trình đạt thấp, khả năng huy động không đạt nguồn lực đầu tư cần thiết theo Nghị quyết của Quốc hội, dẫn tới nhiều chương trình khó đạt được mục tiêu của cả giai đoạn 2011 - 2015; chất lượng và hiệu quả thực hiện ở một số chương trình chưa cao, tính bền vững còn hạn chế; việc phân bổ và giao vốn chậm, hiệu quả sử dụng vốn ở một số chương trình tại một số địa phương còn thấp, chuyển nguồn lớn, có biểu hiện thất thoát, lãng phí; việc bố trí kinh phí thực hiện chương trình còn chưa hợp lý, tỷ lệ chi sự nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, chi đầu tư tại nhiều chương trình còn dàn trải, hiệu quả chưa cao...
Do vậy, đa số quan điểm trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, các chương trình trong thời gian tới cần thu gọn mục tiêu, giảm chi sự nghiệp; chỉ tập trung cho các dự án, công trình xây dựng cơ bản dở dang hoàn thành trong năm 2014 - 2015, các chương trình đã cam kết với nhà tài trợ quốc tế...
Quan ngại huy động và trả nợ
Trình bày về phương án phát hành thêm 170.000 tỷ đồng TPCP giai đoạn 2014 - 2016, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, việc bổ sung thêm nguồn lực đầu tư toàn xã hội và thúc đẩy đầu tư của các thành phần kinh tế khác là hết sức cần thiết. Khoản huy động bổ sung này sẽ bố trí cụ thể: 61.680 tỷ đồng đầu tư dự án quốc lộ 1A và quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên) để đầu tư hoàn thành trước năm 2016; 73.320 tỷ đồng bổ sung vốn cho các dự án đang đầu tư dở dang bằng nguồn vốn TPCP giai đoạn 2011 - 2015 để thúc đẩy tiến độ thi công, sớm hoàn thành; 20.000 tỷ đồng vốn đối ứng các dự án ODA; 15.000 tỷ đồng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đồng tình với đề nghị của Chính phủ phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng vốn TPCP và nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép, song Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, trên thực tế khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn. Đó là khối lượng huy động vốn TPCP để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm rất lớn, mức huy động vốn TPCP trong 3 năm tới bình quân khoảng trên 400.000 tỷ đồng/năm, bằng khoảng 8% - 9% GDP, bao gồm huy động để bù đắp bội chi, đảo nợ, phát hành trái phiếu để đầu tư.
Trong khi việc huy động trong nước chủ yếu là vay ngắn hạn và trung hạn (chiếm tới 80%), vay dài hạn chỉ chiếm 20% nên tần suất, mức trả nợ sẽ rất cao. Mặt khác, việc huy động hoàn toàn phụ thuộc vào các định chế tài chính như ngân hàng thương mại chiếm 86%, các định chế tài chính khác như công ty bảo hiểm, chứng khoán chiếm 12%, có thể sẽ dẫn đến việc dòng tiền chỉ tập trung vào TPCP mà thu hẹp đầu tư vào sản xuất.
>>Quốc hội thảo luận về sửa đổi Hiến pháp: Đề nghị giá đền bù phải tuân theo cơ chế thị trường
NGỌC QUANG