Thu hút đầu tư vùng Tây Bắc: Quy hoạch vùng, cùng phát triển

Sáng 4-4, tại tỉnh Sơn La, Ban Chỉ đạo vùng Tây Bắc phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc.
Thu hút đầu tư vùng Tây Bắc: Quy hoạch vùng, cùng phát triển

Sáng 4-4, tại tỉnh Sơn La, Ban Chỉ đạo vùng Tây Bắc phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc.

 Đến dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc; Đại sứ các nước Trung Quốc, Lào tại Việt Nam, cùng đại diện hơn 20 tỉnh, thành trong cả nước; các ngân hàng, doanh nghiệp và hàng trăm nhà đầu tư.

Xây dựng vùng nguyên liệu

Vùng Tây Bắc gồm 12 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc Tổ quốc, diện tích chiếm 1/3 diện tích cả nước. Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, giữ vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc bộ. Tây Bắc là vùng kinh tế tổng hợp gồm: kinh tế cửa khẩu, thủy điện, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp đa ngành, nông lâm nghiệp và du lịch là chủ đạo. Năm qua, tổng vốn huy động đầu tư phát triển vùng đạt 168.000 tỷ đồng, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp với xóa đói giảm nghèo, giao thông vận tải, giáo dục, y tế, cấp nước. Đến nay, hạ tầng giao thông cũng từng bước được cải thiện, kinh tế đang dần chuyển đổi. Bên cạnh các công trình công nghiệp khai thác khoáng sản thì nông lâm ngư nghiệp cũng phát triển vượt bậc.

Vùng trồng chè nguyên liệu, vừa phục vụ du lịch tại tỉnh Sơn La.

Khu Tây Bắc ngày nay nổi tiếng với các vùng sản xuất nguyên liệu như vùng trồng chè (Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La), vùng trồng cam (Hòa Bình, Hà Giang, Yên Bái), vùng mía nguyên liệu (Thanh Hóa, Hòa Bình, Tuyên Quang), vùng trồng hoa (Sơn La, Lào Cai), vùng cây dược liệu ôn đới chất lượng cao (Hà Giang, Lào Cai)… Từ các nguồn sản xuất nguyên liệu đã kéo theo ngành chế biến nông lâm sản công nghệ cao cũng được chú trọng nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cho người dân.
Tính riêng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào vùng Tây Bắc đến cuối năm 2014 đạt 14,3 tỷ USD với 371 dự án đang còn hiệu lực. Các năm gần đây, số vốn dần tăng lên, tính riêng năm 2014 vốn FDI đạt 6.700 tỷ đồng tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với năm trước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho rằng, phát triển vùng vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết như vấn đề liên kết (liên kết vùng, liên kết các tỉnh, liên kết các nhà) chưa hình thành thiết chế liên kết có hệ thống, như việc điều phối nguồn nước liên tỉnh chưa điều hành tốt, điều hành các nhà máy khu vực chưa tốt…

Ông Vũ Tiến Lộc, Trưởng phòng Công nghiệp VN (Bộ Công thương) cho rằng, mỗi tỉnh của vùng Tây Bắc có một món ăn đặc biệt mà các tỉnh khác không có được thì cần liên kết để trở thành “bếp ăn” của phía Bắc và thậm chí xuất ra thế giới… Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng mong muốn đưa ra những sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn mà người Nhật ăn được, muốn vậy trước hết phải liên kết nâng cao nguồn nhân lực, đào tạo tay nghề cho bà con nông dân.

Xúc tiến đầu tư tại chỗ

Thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu, những năm qua, các ngân hàng đã hỗ trợ vốn cho người dân và doanh nghiệp. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, các ngân hàng đã ký 14 hợp đồng tài trợ chăn nuôi với tổng số tiền hơn 20.000 tỷ đồng cho nông dân (hiện nay đã giải ngân được 5.000 tỷ đồng) và cam kết hợp tác hỗ trợ các dự án thí điểm đổi mới mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao cho hơn 2.000 doanh nghiệp với tổng vốn vay hơn 20.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cho rằng, phải đẩy mạnh hơn nữa quy hoạch phát triển vùng mà trước hết phải đổi mới xúc tiến đầu tư, trong đó nhấn mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ (xây dựng nhà máy, vận chuyển…). Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh liên kết giữa nông lâm nghiệp với du lịch - một ngành mang lại doanh thu cao cho khu vực. Đó là, bên cạnh việc phát triển đồi chè, trại chăn nuôi bò sữa, các vườn hoa thì kết hợp phục vụ du lịch. Hiện nay, thế mạnh du lịch của Tây Bắc vẫn là những đồi chè bạt ngàn, vườn hoa ban, hoa đào, hoa cải, ruộng lúa bậc thang… làm nức lòng du khách. Ngoài ra, các vùng sinh thái tạo ấn tượng cho du khách như Điện Biên Phủ, Pắc Bó, Tân Trào, Đền Hùng, Sapa, thác Bản Giốc, hồ Ba Bể…

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho biết, với sự hợp tác chặt chẽ của TPHCM và các tỉnh Tây Bắc thời gian qua, các doanh nghiệp TP đã đầu tư vào Tây Bắc hơn 15.000 tỷ đồng, hiện có 24 dự án công trình đang hoạt động hiệu quả. Các công ty du lịch mở nhiều chuyến đưa khách đến các tỉnh Tây Bắc (trên 3.000 lượt khách/năm). Ngoài ra, các doanh nghiệp TP cũng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nông sản, đặc sản đến cả nước. “Sắp tới, TP sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào vùng Tây Bắc, quảng bá, hợp tác, hỗ trợ du lịch, xây dựng hạ tầng du lịch và các dịch vụ đạt chuẩn, giúp Tây Bắc phát triển bền vững” - Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng nói.

Hỗ trợ hơn 150 tỷ đồng cho vùng Tây Bắc

Cùng với hoạt động xúc tiến đầu tư, dịp này, tỉnh Sơn La cũng đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu. Bên cạnh đó, Sơn La cũng tổ chức nhiều chương trình thu hút các doanh nghiệp đến với vùng Tây Bắc như: Hội chợ hàng tiêu dùng, trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng vùng Tây Bắc; Chương trình nghệ thuật “Chung tay cùng đồng bào Tây Bắc”… Qua đó, các ngân hàng, doanh nghiệp và tỉnh thành bạn ủng hộ hơn 150 tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục