(SGGPO).- Thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản theo hướng áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến và giảm tổn thất sau thu hoạch là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam xuất khẩu, tạo lợi thế về cạnh tranh trên thị trường hội nhập. Việt Nam luôn chào đón sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào hoạt động này.
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, tại Hội nghị toàn thể ISG 2014 về thúc đẩy, định hướng ưu tiên và các chính sách đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản ở Việt Nam, do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Hà Nội, sáng 9-12, với sự tham dự của nhiều tổ chức quốc tế.
Bộ trưởng Cao Đức Phát chia sẻ, bên cạnh những thành tựu vượt bậc về xuất khẩu nông lâm thủy sản thì hiện nay, nông nghiệp Việt Nam cũng tồn tại những vấn đề về chất lượng, giá trị gia tăng xuất khẩu và năng lực cạnh tranh còn khá thấp, cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến bảo quản và quy mô công nghệ chế biến còn nhỏ, thiết bị lạc hậu... Đây cũng chính là nguyên nhân khiến giá trị hàng nông sản Việt Nam thường thấp hơn từ 15%-50% so với sản phẩm cùng loại của nước khác.
Tại hội nghị, các chuyên gia trong và ngoài nước đã chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm cần thiết cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam. Để đạt mục tiêu đề ra, đến năm 2020 giảm 50% tổn thất so với hiện nay, nền nông nghiệp Việt Nam phải hướng tới việc giảm tổn thất sau thu hoạch cả số lượng lẫn chất lượng. Nhà nước cần thực hiện có hiệu quả và đồng bộ các giải pháp như đầu tư đổi mới công nghệ, nâng tỷ trọng các sản phẩm chế biến sâu gắn với đảm bảo yêu cầu an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính, cùng các chính sách ưu tiên hỗ trợ khác…
VĂN PHÚC