Chính phủ vừa công nhận Xuân Lộc và Long Khánh, tỉnh Đồng Nai trở thành 2 huyện, thị đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đánh dấu giai đoạn “gặt hái” trong tiến trình xây dựng NTM - chủ trương lớn được người dân hưởng ứng. Như vậy, từ việc thí điểm 11 xã ở 11 tỉnh, thành cả nước, đến nay mô hình NTM đã rõ nét và cụ thể hơn so với cách đây 4 năm.
“Thu hoạch”
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, sau 4 năm triển khai, đến hết năm 2014 cả nước có 785 xã, chiếm 8,8% đạt chuẩn NTM với 19/19 tiêu chí, 1.285 xã (chiếm 14,5%) đạt 15 - 18 tiêu chí, 2.836 xã (32%) từ 10-14 tiêu chí và 2.964 xã (33,6%) đạt 5 - 9 tiêu chí. Như vậy không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí. Đồng Nai trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM cấp huyện, thị với Xuân Lộc có thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/người/năm, gấp gần 3 lần so với trước đó. Giá trị sản xuất bình quân 115 triệu đồng/ha/năm, trong đó 42% diện tích nông nghiệp đạt giá trị sản xuất trên 200 triệu đồng/ha/năm, có vùng đạt 500 triệu đồng/ha/năm, 83 trang trại ứng dụng công nghệ cao với ngưỡng 1 tỷ đồng/ha/năm.
Theo chỉ tiêu của Ban chỉ đạo, năm 2015 cả nước có 20% số xã đạt NTM, nhưng cuối năm 2014 Đồng Nai đạt gần 40%. Theo ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lợi thế của Đồng Nai là xây dựng NTM trước khi có NQTƯ 26 nên đã có nền tảng và xuất phát điểm khá cao về các tiêu chí. NTM có 19 tiêu chí với 39 chỉ tiêu, nhưng Đồng Nai nâng lên 46 chỉ tiêu. Giá trị sản xuất bình quân 98 triệu đồng/ha/năm, thực tế có những khu vực lên đến vài trăm triệu đồng/ha/năm, hay trên dưới tỷ đồng/ha/năm. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/năm, riêng huyện Xuân Lộc là 39 triệu đồng.
Nuôi cá cảnh xuất khẩu tại xã NTM Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM.
Nhiều người gọi đây là mùa thu hoạch sau thời gian vun trồng. Sau hội nghị sơ kết toàn quốc tháng 5-2014, việc xây dựng NTM chuyển biến mạnh; các địa phương quan tâm hơn và tập trung chỉ đạo thực hiện nội dung trọng điểm, với chính sách linh hoạt huy động nguồn lực. Các tỉnh trước đây chưa quan tâm đúng mức, chưa có xã đạt chuẩn đều tìm nguyên nhân và giải pháp. Nhờ đó, tốc độ đạt tiêu chí các xã tăng lên. Đến cuối năm 2014, bình quân cả nước đạt 10 tiêu chí/xã, tăng gấp 5,3 lần so với năm 2010. Kinh nghiệm tỉnh Đồng Nai cho thấy, nơi nào vai trò người đứng đầu tích cực, huy động tốt nguồn lực, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp thì nơi đó việc xây dựng NTM đều đi đầu.
Vai trò của doanh nghiệp
Tuần qua, phát biểu tại buổi tổng kết NTM năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế ở nông thôn, xây dựng NTM, cải thiện đời sống mọi mặt người dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Việc hoàn chỉnh dần hệ thống cơ chế, chính sách và hoàn thiện các tiêu chí, giúp chủ trương lớn này đi nhanh vào cuộc sống. Chưa có chương trình nào phù hợp với nguyện vọng người dân, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài như xây dựng NTM, người dân nông thôn nhận ra đây là chủ trương phù hợp với lợi ích thiết thân. Người dân không chỉ là chủ thể xây dựng mà còn là người hưởng lợi. Những kết quả bước đầu là tích cực, trong đó nổi lên sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị với người dân. Khi đặt chỉ tiêu 20% số xã cả nước đạt NTM năm 2015 trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, trong nước gặp khó khăn về lạm phát, nhưng kết quả hiện nay cho thấy nhiều nỗ lực của các địa phương và người dân khi thực hiện. Đây là tiền đề để có thể đưa ra chỉ tiêu 50% tổng số xã cả nước trở thành NTM trong 5 năm tới.
Tuy vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra hạn chế. Có nơi, có lúc sự quan tâm, chỉ đạo ở địa phương chưa chặt chẽ, trách nhiệm chưa cao. Nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu; có dự án địa phương đầu tư xây dựng bị thất thoát, hay sử dụng kém hiệu quả. Có địa phương còn ỷ lại, trông chờ ngân sách trung ương, ít quan tâm hay vận động các nguồn lực kém. Ngay cả kết quả đạt được cũng chưa đồng đều, còn có khoảng cách khá xa giữa các vùng đạt cao so với vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ đạt thấp. Vì đây là chương trình cả nước nên không thể có sự chênh lệch quá xa giữa các khu vực. Việc đầu tư cào bằng giữa các vùng miền, như về kinh phí đầu tư giữa vùng xuôi với vùng núi, việc huy động nguồn lực tại chỗ cũng cào bằng giữa vùng mật độ dân số ít với vùng có mật độ người dân cao hay rất cao làm cho những địa phương khó khăn, ít dân càng thêm bất lợi. Ngay cả chính sách thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, mạnh dạn về vùng nông thôn, mặc dù có cơ chế và chính sách nhưng chưa thật sự hấp dẫn DN, chưa thúc đẩy việc liên kết, hợp tác, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra thiếu sót, việc chậm đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Hiện nay GDP nông nghiệp chiếm 18% GDP cả nước, nhưng lao động nông nghiệp lại chiếm 47% tổng lao động cả nước nên đời sống người dân nông thôn còn thấp và nghèo. 5 năm tới giảm tỷ lệ lao động này xuống 30%, GDP còn 15%, do vậy phải tái cơ cấu ngay trên địa bàn nông thôn. Có chính sách thu hút DN về nông thôn đầu tư, thông qua việc hỗ trợ chi phí đào tạo lao động, miễn giảm thuế thu nhập, chính sách tín dụng, hỗ trợ lãi vay, vay tín chấp; hay chính sách đặc thù vùng khó khăn, có như vậy DN mới mạnh dạn về nông thôn. Kinh nghiệm cho thấy, DN là đầu tàu, nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, hình thành chuỗi cung ứng và sản xuất mang tính hàng hóa với chất lượng cao.
CÔNG PHIÊN