Thu hút nguồn lực trí thức kiều bào

Theo thống kê, nước ta hiện có khoảng 6 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc, học tập tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, trên 80% là tại các nước phát triển, với khoảng 600.000 kiều bào có trình độ đại học trở lên...

Nghị quyết số 45-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành, đặt yêu cầu phát huy vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài (kiều bào), tăng cường hợp tác với trí thức kiều bào trong chuyển giao, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những lĩnh vực mới, nhằm góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Có chế độ, chính sách cho từng nhóm kiều bào

Theo thống kê, nước ta hiện có khoảng 6 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc, học tập tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, trên 80% là tại các nước phát triển, với khoảng 600.000 kiều bào có trình độ đại học trở lên, nhiều nhà khoa học có tên tuổi ở các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu (như y dược, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, chế tạo máy, công nghệ sinh học, vật liệu mới, năng lượng). Đội ngũ trí thức kiều bào đã và đang tăng cường tính liên kết, tập hợp trong những hội, mạng lưới trí thức. Sự kết nối giữa trí thức kiều bào với trong nước đang tạo ra các cơ chế làm việc, hợp tác ngày càng linh hoạt và tập trung được các chuyên gia tham gia xây dựng đất nước.

e3b-3256.jpg
Các đại biểu dự hội thảo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ TPHCM thông qua các chương trình hợp tác làm việc tại công ty, tập đoàn của kiều bào

Nhận được thông tin về chính sách mới, các kiều bào đều bày tỏ đồng tình và vui mừng với tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW nêu trên. Ông Danny Võ Thành Đăng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, chia sẻ, để củng cố và tăng cường đội ngũ kiều bào, cần phải có những chế độ, chính sách đãi ngộ đặc thù đặc trưng cho từng nhóm kiều bào.

Bên cạnh đó, cần có những cơ chế mở, linh hoạt hơn. Trong trường hợp trí thức kiều bào khi trở về nước, bằng cấp không theo tiêu chuẩn của Việt Nam thì cũng cần cân nhắc để tránh mất đi tài năng trong những ngành tiên phong trên thế giới mà Việt Nam đang cần sự hỗ trợ và phát triển. Ông cũng kiến nghị cần có những viện nghiên cứu độc lập của kiều bào, kết nối kiều bào lớn tuổi có mối quan hệ, có sự giao thoa giữa những điều kiện trong nước với những đội ngũ trí thức nước ngoài để có thể hiến kế giải quyết những bài toán đặt ra cụ thể cho từng lĩnh vực khác nhau.

Theo ông Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA), thực tiễn những năm qua cho thấy, cần phải có sự thay đổi cơ bản trong chiến lược thu hút trí thức kiều bào tham gia xây dựng đất nước. Đặc biệt là phải giải quyết được những điểm nghẽn về thu nhập, môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến và sáng tạo thì cánh cửa cho nhân tài, nhất là đội ngũ tri thức, chuyên gia đầu ngành, mới thực sự rộng mở, để họ yên tâm cống hiến và phát huy tài năng cho đất nước.

Giúp nhân lực Việt Nam nâng cao năng lực

Nhận định lĩnh vực thiết kế chip (IC design) và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới, Th.S Lê Duy Cân, kiều bào Đức, giảng viên Trường Đại học Việt - Đức, đồng tình với việc Việt Nam đang đầu tư ngày càng nhiều cho 2 lĩnh vực này. Ông phân tích, kiều bào làm việc tại các nước phát triển mạnh trong lĩnh vực này nên họ có kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm quốc tế, có thể giúp nâng cao chất lượng và năng lực trong lĩnh vực thiết kế chip và AI.

Kiều bào cũng mang lại những ý tưởng mới, phương pháp tiếp cận mới, giúp thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo, tiếp cận với nhu cầu thực tế. Họ có thể giúp mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho việc hợp tác nghiên cứu và phát triển, tham gia vào việc đào tạo nguồn nhân lực trong nước, giúp nâng cao trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực Việt Nam. Ông Trần Hải Linh dẫn thêm kinh nghiệm từ Hàn Quốc về tận dụng nguồn chất xám của đội ngũ trí thức Hàn Quốc được đào tạo bài bản ở các nước phát triển trên thế giới, sau đó trở về tham gia đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, những chính sách về đổi mới giáo dục đại học, đào tạo nghề, kèm theo các chương trình phát triển nhân lực trình độ cao và thu hút đội ngũ trí thức, chuyên gia trong khoa học, công nghệ, công nghiệp đã đóng vai trò then chốt trong việc phát triển vượt bậc cho nền kinh tế.

Từ đó, Hội Chuyên gia trí thức Việt Nam - Hàn Quốc (VKEIA) trực thuộc VKBIA được thành lập, mục đích là tập hợp các trí thức, chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc đang làm việc trong nhiều chuyên ngành khác nhau, như quản lý kinh doanh, tài chính, khoa học - công nghệ, ICT, AI, cơ khí chế tạo, công nghệ sinh học, năng lượng xanh, công nghiệp xanh... Những hoạt động kết nối trí thức Việt Nam - Hàn Quốc cho thấy rõ hơn tiềm năng hợp tác sâu rộng và hiệu quả về đầu tư xanh và ứng dụng khoa học - công nghệ cho công nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam trong thời gian tới.

“ Thu hút trí thức kiều bào là một phần quan trọng của chiến lược phát triển của Việt Nam. Điều quan trọng là cần tạo ra một môi trường hấp dẫn, thuận lợi để họ có thể tham gia và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Trí thức kiều bào, những người có kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm quốc tế, có thể đóng góp nhiều giá trị cho sự phát triển của đất nước. Họ không chỉ mang lại kiến thức chuyên môn mà còn mang lại cái nhìn mới, phong cách làm việc chuyên nghiệp và mạng lưới quan hệ quốc tế. Họ có thể giúp cải thiện chất lượng giáo dục, nghiên cứu và phát triển, cũng như thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau”- ThS LÊ DUY CÂN, kiều bào Đức, giảng viên Trường Đại học Việt - Đức

Tin cùng chuyên mục