Phải đặt hàng cụ thể
Vấn đề lớn nhất trong việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học là... họ sẽ phục vụ cho việc gì, trong môi trường thế nào? Trả lời được câu hỏi này sẽ tránh được tình trạng có chính sách nhưng không thu hút được người tài, hay thu hút được nhân tài, song lại để họ “ngồi chơi xơi nước”, không thể cống hiến trí tuệ, phát huy năng lực.
PGS-TS Trương Minh Huy Vũ, Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng phải xác định rõ thực tiễn TP đang cần gì, xây dựng TP thông minh sẽ có những dịch vụ nào, từ đó mới tuyển chọn đầu việc cụ thể.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM cũng cho rằng, lãnh đạo TP phải tạo đề bài, đề án hết sức cụ thể để nhà khoa học, chuyên gia tham gia góp sức.
Dẫn chứng kinh nghiệm thu hút nhân tài từ Singapore, thạc sĩ Nguyễn Chí Hiếu, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM, chia sẻ Chính phủ Singapore đã đặt ra từng bài toán cụ thể. Từ câu hỏi lớn, lại có nhiều câu hỏi chi tiết và họ tiếp cận được các nguồn chất xám khác nhau trong xã hội.
Có nhiều nơi để tiếp cận như liên lạc với các trường đại học; hỏi ý kiến, tư vấn từ các giáo sư chuyên ngành, nhà khoa học đầu ngành; việc nào đáng phải bỏ tiền ra để được tư vấn…
Từ đó, Chính phủ Singapore điều phối, tổng hợp các nguồn để cho ra câu trả lời và chọn cách làm hợp lý nhất. Theo thạc sĩ Nguyễn Chí Hiếu, cách làm như vậy sẽ tận dụng được nguồn lực chất xám của xã hội và nhân tài có thể đóng góp trực tiếp, đa dạng. Còn nếu hỏi lòng vòng, nhiêu khê thì người có kinh nghiệm, trình độ sẽ ít hứng thú đóng góp.
Chọn việc trước khi chọn người
Theo UBND TPHCM, kỳ vọng của TP khi ban hành chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học là để góp phần nâng cao vị thế TPHCM, là nơi hội tụ nhân tài. Việc thu hút nhân tài sẽ tạo nguồn chuyên gia tư vấn, hoạch định chiến lược, có năng lực tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo TP giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong gặp gỡ kiều bào. Ảnh: Việt Dũng
Với đội ngũ thu hút được, TP sẽ tăng cường cho các cơ quan, đơn vị đang triển khai thực hiện những nhiệm vụ, chương trình trọng điểm, quản lý nhà nước về các điểm nóng, vấn đề bức xúc của xã hội.
Cụ thể, 4 ngành công nghiệp mũi nhọn có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm) và các ngành công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp phụ trợ.
Cùng với đó, nhu cầu nhân tài cũng phục vụ cho 9 ngành dịch vụ chủ yếu (tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu; bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông; kinh doanh tài sản - bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học - công nghệ; du lịch; y tế; giáo dục - đào tạo).
Ngoài ra, TP cũng mời gọi chuyên gia, nhà khoa học cống hiến ở lĩnh vực nông nghiệp đô thị hiện đại theo hướng nông nghiệp đô thị cao, công nghệ sinh học. Ở các lĩnh vực khác, tùy theo tình hình thực tế phát triển kinh tế - xã hội, TP sẽ mời gọi chuyên gia, nhà khoa học.
Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Trương Văn Lắm cho hay, căn cứ vào ngành, lĩnh vực đặt ra, TP sẽ đặt hàng những dự án, đề tài cụ thể cần thiết. Những đề tài, đề án này phải công khai rõ ràng rồi mới mời gọi, thu hút nhân tài tham gia.
Như vậy, việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học không phụ thuộc vào biên chế của TP. Chuyên gia nghiên cứu theo đặt hàng, yêu cầu cụ thể của TP đề ra, có thời gian hoàn thành cụ thể.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định: “TPHCM sẽ đặt đầu bài, đề án của từng công trình rồi mới mời gọi các chuyên gia chứ không phải chọn chuyên gia trước rồi mới chọn đầu bài. Vì thế, quan trọng là xác định đúng đề tài, đầu bài, bởi trong điều kiện ngân sách giới hạn, không thể dàn đều được”.
Ngay sau khi được tuyển chọn, nhân tài được trợ cấp ban đầu từ 80 - 100 triệu đồng. Để khuyến khích nghiên cứu khoa học - công nghệ, ngoài các thù lao theo quy định và chế độ hỗ trợ về nhà ở, TP còn có thêm mức phụ cấp 1% tổng kinh phí ngân sách chi cho công trình nghiên cứu, từ mức 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/người/công trình nghiên cứu.
Với công trình có nhiều chuyên gia, nhà khoa học tham gia, tổng phụ cấp cho tổ chuyên gia lên đến 1,5 tỷ đồng. Nhân tài còn được hưởng phần lợi nhuận từ kết quả thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.
4 năm và 15 chuyên gia
Liên quan tới việc thu hút nhân tài, trong giai đoạn trước đây, để kịp thời giải quyết tình trạng “khát nhân lực” ở các đơn vị khoa học trọng điểm, TPHCM đã áp dụng một số chính sách đặc thù như Quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ vào làm việc tại Khu công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học - công nghệ tính toán, Trung tâm Công nghệ sinh học.
Mức thù lao chi cho mỗi chuyên gia lên đến 150 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, các chính sách này chưa đạt được kết quả đột phá như mong muốn.
Trong 4 năm (2014-2017), TP chỉ thu hút được 15 chuyên gia (trong đó có 5 người nước ngoài, 2 người Việt Nam, 8 người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài); đến nay, chỉ còn lại khoảng 10 người đang tiếp tục công tác.
Theo UBND TPHCM, trong giai đoạn trên, việc phát hiện, thu hút chuyên gia chủ yếu phụ thuộc vào sự chủ động tìm kiếm và đề xuất của cơ quan, đơn vị có nhu cầu thuê chuyên gia nên chất lượng tuyển chọn chưa đồng đều.
Cơ chế, chính sách đãi ngộ dù đã cao hơn nhiều so với mặt bằng chung nhưng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn; đặc biệt là thu hút các chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học có uy tín ở các viện nghiên cứu, trung tâm khoa học, trường đại học ở nước ngoài.
Trong đó, việc tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận thông tin, đầu tư trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và xây dựng môi trường học thuật chuyên nghiệp phù hợp cho đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học chưa được quan tâm, triển khai đồng bộ nên hiệu quả mời gọi và sử dụng nhân lực chuyên gia còn thấp, việc giữ chân nhân tài và hạn chế chảy máu chất xám là vấn đề lớn và khó khăn đang đặt ra với TP.
Để khắc phục hạn chế của các chính sách trước đây, việc xây dựng cơ chế mới đồng bộ, khả thi và hiệu quả là đòi hỏi bức thiết để tăng cường thu hút nhân tài cho TPHCM.