Thu hút những nhà đầu tư lớn

Để xây dựng thành công nền kinh tế tự chủ, ngoài việc mở rộng thị trường xuất khẩu, cần phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Và để các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, phải kêu gọi được các nhà sản xuất lớn và những nhà đầu tư với tầm nhìn dài hạn. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã dành cho phóng viên Báo SGGP một cuộc trao đổi.
Thu hút những nhà đầu tư lớn

Việt Nam xây dựng nền kinh tế tự chủ

Để xây dựng thành công nền kinh tế tự chủ, ngoài việc mở rộng thị trường xuất khẩu, cần phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Và để các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, phải kêu gọi được các nhà sản xuất lớn và những nhà đầu tư với tầm nhìn dài hạn. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã dành cho phóng viên Báo SGGP một cuộc trao đổi.

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu phục vụ chế tạo rô bốt tại Công ty Saigon Precision Co, Ltd (Nhật Bản) tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu phục vụ chế tạo rô bốt tại Công ty Saigon Precision Co, Ltd (Nhật Bản) tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

- Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, từ góc nhìn “kế hoạch và đầu tư”, ông đánh giá như thế nào về khả năng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam nhằm tăng cường tính độc lập tự chủ về kinh tế của đất nước, đặc biệt là với Trung Quốc?

>> Bộ trưởng BÙI QUANG VINH: Trong quan hệ kinh tế với mọi đối tác chúng ta đều cần giữ được thế chủ động chứ không riêng gì với Trung Quốc. Công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ bổ sung giá trị gia tăng lên; giảm giá thành sản phẩm, tính cạnh tranh tăng lên và đó là một động lực quan trọng thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những nhà sản xuất lớn. Vì mua được linh kiện sản xuất ngay tại Việt Nam thì thuận tiện đôi đường, chứ những nhà sản xuất lớn không ai chỉ muốn lắp ráp đơn thuần, chỉ để “có lời” chút ít nhờ chi phí nhân công rẻ. Thái Lan chẳng hạn, đang làm rất tốt việc phát triển công nghiệp hỗ trợ.

- Thưa ông, câu chuyện công nghiệp hỗ trợ không phải bây giờ mới được nhắc đến. Gần 20 năm qua Việt Nam có chủ trương nội địa hóa công nghiệp ô tô nhưng đã không đạt mục tiêu mong muốn. Chúng ta có thể rút ra bài học gì?

Chính là do công nghiệp hỗ trợ kém phát triển nên không thể có công nghiệp ô tô thực sự.

- Vậy đâu là lối ra, trước tình hình ngày càng bức bách như hiện nay?

Tôi cho rằng cần có sự chuyển động đồng bộ. Một vài chính sách khuyến khích phát triển, chẳng hạn như Quyết định 12 của Thủ tướng (Quyết định số 12/2011/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ - PV) còn quá chung chung, không đủ lực tạo ra chuyển động thực sự cho các ngành công nghiệp hỗ trợ. Và chỉ có chính sách thôi cũng không đủ. Còn phải bồi đắp sức lực cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam; từng bước thay đổi thói quen kinh doanh của họ nữa. DN Việt chủ yếu nhỏ và vừa, phần lớn làm thương mại dịch vụ, xây lắp cơ bản, sản xuất rất ít. Là vì những lĩnh vực đó không cần đầu tư nhiều, cho lợi nhuận ngay trong khi đầu tư sản xuất phải đi đường dài. Muốn có công nghiệp hỗ trợ phải có những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, chấp nhận lợi nhuận không cao nhưng phát triển bền vững, lâu dài.

- Có ý kiến cho rằng trong cơ chế thị trường, DN tư nhân thấy có thể tìm kiếm lợi nhuận ở lĩnh vực nào họ sẽ làm lĩnh vực đó, Nhà nước muốn phát triển theo định hướng thì phải sử dụng đến các “quả đấm thép”, tức là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Bộ trưởng có bình luận gì?

Tôi cho rằng để làm công nghiệp hỗ trợ cũng không cần gì quá to tát. Các DN tư nhân nhỏ và vừa được đầu tư công nghệ tốt, đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng với mạng lưới thu gom hoàn toàn có thể làm được rất nhiều thứ. Ngay cả sản xuất phụ tùng ô tô cũng không phải là khó; hoàn toàn nằm trong khả năng của DN nhỏ và vừa Việt Nam.

- “Lôi kéo” các DN nước ngoài chung tay cùng làm công nghiệp hỗ trợ có khả thi không, thưa ông? Nên hướng đến những đối tác như thế nào?

Tôi từng dự nhiều hội thảo, bàn bạc với các nước đối tác. DN nhỏ và vừa ở nước ngoài cũng có hạn chế nhất định, họ thường không tự mình đi “chinh chiến” xa được mà phải đi theo các nhà sản xuất chính. Vả lại chúng ta cũng không nên “nhập khẩu” quá nhiều DN nhỏ và vừa nước ngoài, vì cũng cần có không gian phát triển cho DN trong nước nữa. Theo tôi, nên hướng đến những nhà sản xuất lớn. Gọi được họ, tự khắc sẽ có các DN vệ tinh. Samsung là một ví dụ. Họ đang tự sản xuất nhiều loại linh kiện ở Bắc Ninh như pin điện thoại, màn hình LCD, camera, vỏ máy… cho điện thoại di động. Nhưng họ còn thu hút được khoảng 60 nhà đầu tư vệ tinh, trong đó có 45 nhà cung cấp của Hàn Quốc, 5 nhà cung cấp của Việt Nam và 10 nhà cung cấp khác. Nhờ vậy, năm 2013, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 23,9 tỷ USD, riêng Samsung Bắc Ninh đã đạt giá trị gia tăng trên 7,6 tỷ USD và tỷ lệ nội địa hóa trên 33%.

- Cảm ơn Bộ trưởng.

* Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, trả lời chất vấn của TS Trần Du Lịch (Đoàn ĐBQH TPHCM) về “những biện pháp để chúng ta thoát ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt về nguyên vật liệu của một loạt ngành sản xuất”, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói:

Việt Nam không phụ thuộc kinh tế vào bất cứ nước nào cả, tôi có đầy đủ số liệu để chứng minh, nhưng không có thời gian để báo cáo. Trong thế giới phẳng, thế giới mà kinh tế hội nhập thì không thể có độc lập hoàn toàn. Tuy nhiên, xây dựng nền kinh tế độc lập hơn, tự chủ hơn là vấn đề đặt ra trong bối cảnh nước ta hiện nay, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở Biển Đông.

Thứ nhất, phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế - một chủ trương mà QH khóa 13 đầu nhiệm kỳ đã đưa ra. Đặc biệt là chuyển đổi mô hình tăng trưởng để từng bước nâng cấp nền kinh tế chúng ta hiệu quả, chất lượng. Thứ hai, nước ta đang có thế mạnh thu hút đầu tư (đầu tư trực tiếp nước ngoài - PV), vì vậy thời gian tới phải thu hút mạnh mẽ hơn, đặc biệt là những dự án có hàm lượng khoa học công nghệ và đảm bảo môi trường tốt hơn. Thứ ba, hỗ trợ DN và người dân để đủ sức hấp thụ đầu tư của DN nước ngoài, trong đó có đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nâng cao sức nội tại của nền kinh tế.

Chính phủ đã có chủ trương và đang thực hiện mở rộng và đa dạng hóa thị trường cả nhập khẩu và xuất khẩu, khai thác thị trường nguyên liệu nội địa mạnh mẽ hơn. Từ năm 2010, Chính phủ đã đa dạng hóa thị trường để không phụ thuộc vào bất cứ thị trường nào như tôi đã báo cáo. Chúng ta đã có nhiều hiệp định thương mại lớn cả đa phương và đơn phương, kể cả với WTO, các nước lớn.

Sắp tới chúng ta có hiệp định lớn về thương mại tự do như TPP, Việt Nam - Hàn Quốc, đến năm 2015 ta tham gia 16 AFTA với 15 nước và vùng lãnh thổ gồm cả các cường quốc trên thế giới. Về thị trường, ta có chủ trương giữ quan hệ thương mại đầu tư du lịch với Trung Quốc thông qua thị trường đa phương, song phương để hai bên cùng có lợi.

CẨM HÀ (ghi)

* Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Đàm phán các hiệp định thương mại một cách khôn khéo

Về quan hệ thương mại, hiện nay chúng ta có quan hệ xuất nhập khẩu với trên 180 nước và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung vào một số đối tác chính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước ASEAN và Trung Quốc. Trung Quốc là một đối tác quan trọng. Theo thống kê, trong năm 2013 chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tức hơn 10 tỷ/133 tỷ USD xuất khẩu. Chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch nhập khẩu, nhập khẩu năm 2013 khoảng 133 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng hơn 30 tỷ USD.

Ngay từ nhiều năm trước đây Chính phủ cũng đã chỉ đạo tìm mọi biện pháp để cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc. Hiện tại chúng ta đang có nhiều thuận lợi trong hội nhập quốc tế, các đối tác lớn đều quan tâm đến Việt Nam và rất nhiều khối kinh tế, kể cả Liên minh châu Âu, các nước châu Á - Thái Bình Dương đều mong muốn đàm phán và thỏa thuận các hiệp định hợp tác kinh tế với Việt Nam. Chúng ta đã ký 8 hiệp định thương mại tự do và đồng thời đang đàm phán để ký kết tiếp 6 hiệp định nữa. Về cơ bản chúng ta sẽ có các hiệp định thương mại tự do với những đối tác kinh tế quan trọng bậc nhất và qua đó sẽ góp phần tạo thuận lợi thêm cho hàng hóa Việt Nam có thể xâm nhập được vào các thị trường.

Việc đàm phán các hiệp định phải tuân thủ một số nguyên tắc. Thứ nhất là các nước phải tôn trọng thể chế chính trị, không can thiệp vào thể chế chính trị của chúng ta. Thứ hai, các hiệp định phải được thực hiện trên cơ sở cân bằng lợi ích nhưng có tính đến chênh lệch về trình độ phát triển. Việt Nam thường ở vị thế về kinh tế quy mô và trình độ kém hơn đối tác đàm phán, cho nên phải đấu tranh để có được sự linh hoạt; một lộ trình phù hợp để nền kinh tế từng bước thích ứng được và phải đạt được những lợi ích cốt lõi, căn bản trong các hiệp định khu vực. Thứ ba, đối với một số lĩnh vực còn đang yếu kém nhưng có khả năng, có tiềm năng thì yêu cầu phải có thời gian để thực hiện dần chứ không thực hiện ngay.

Đến nay các đàm phán trong khuôn khổ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định với Liên minh châu Âu (EU), với Liên minh thuế quan Nga, Belarus và Kazakhstan, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực đã và đang thực hiện theo đúng nguyên tắc này.

NHÓM PV (thực hiện)

- Bài 4: Tăng nội địa hóa, chủ động ứng phó bất ổn

Tin cùng chuyên mục