
Chiều 15-9, sự bức xúc của người nuôi bò sữa tại TPHCM xung quanh việc thu mua sữa của Tổng Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) lại được đặt trên bàn nghị sự của UBND TPHCM.
Nông dân quá bức xúc
Trước những bức xúc kéo dài về giá mua sữa của Vinamilk, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cùng Hội Nông dân TP đã tiến hành một đợt khảo sát tại các hộ chăn nuôi và ghi nhận, các ý kiến đều tập trung vào cách thức thu mua sữa.

Nuôi bò sữa hộ nhỏ lẻ khó tồn tại lâu dài ở TPHCM, xu hướng là nuôi tập trung, quy mô lớn, có đồng cỏ. Ảnh: Đ.P.
Theo đó, nông dân cho rằng có sự chênh lệch không hợp lý giữa các mức trừ về chất lượng, từ A xuống B đối với chất khô là 700 đồng/kg, trong khi từ B-C và C-D chỉ có 250 đồng/kg. Ngay cả trường hợp đạt trên 12,6% (thưởng 250 đồng/kg) và các chỉ tiêu khác đều đạt, thay vì nhận 7.250 đồng/kg, thì bà con chỉ được nhận 7.199 đồng/kg (mất 51 đồng/kg).
Với chất béo, chỉ có trừ, không thưởng. Về cách lấy mẫu tại trạm trung chuyển cũng có vấn đề. Tại trạm thu mua của Vinamilk ở Hóc Môn, ống nghiệm thử Blue Methylen buổi sáng, sau đó được rửa tại trạm, không hấp vô trùng (không tuân thủ đúng điều kiện xét nghiệm). Điều này ảnh hưởng đến kết quả phân tích vào buổi chiều (người dân bị trừ tiền vì bị vấy nhiễm ngay trong ống nghiệm).
Về các khoản hỗ trợ chuồng trại, kết quả khảo sát 50 phiếu tính tiền của Vinamilk trả cho các hộ dân, chỉ có 1 phiếu có hỗ trợ chuồng trại với mức giá 166 đồng/kg (thay vì 200 đồng như hợp đồng), nhưng mức hỗ trợ này không liên tục. Vì vậy, thực tế người dân chỉ nhận được 7.000 đồng/kg nếu đạt chỉ tiêu về độ béo (>3,5%), vật chất khô (từ 12-12,2%) và vi sinh (4 giờ). Trong khi đối với Dutch Lady, tiền thưởng về chuồng trại được duy trì thường xuyên.
Về phương thức chăn nuôi, khảo sát tại khu vực xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi) cũng cho thấy với nguồn thức ăn như nhau, không có khác biệt về cách chăm sóc, nuôi dưỡng giữa các hộ giao sữa cho Vinamilk lẫn Dutch Lady, nhưng giá thu mua giữa 2 công ty quá khác nhau. Giá mua cao nhất và thấp nhất của Vinamilk là 7.130 đồng/kg - 5.650 đồng/kg so với Dutch Lady là 7.560 đồng/kg – 7.430 đồng/kg. Nhưng giá mua của Dutch Lady ổn định so với Vinamilk biến động.
Về giá thu mua sữa trong cùng một trạm, có chiều hướng giảm nhẹ so với các thời điểm trước. Phân tích trên các hộ tự vắt sữa, giao trực tiếp cho Vinamilk, giá mua bình quân của trạm tương đối không biến động giữa các tuần, nhưng đối với từng hộ chăn nuôi có sự biến động rất lớn. Một số tuần bị giảm giá đột ngột, tuần sau đó lại đi vào ổn định, trong khi người nuôi không thay đổi chất lượng thức ăn, cách chăm sóc. Đây chính là vấn đề làm người nuôi bò thắc mắc về cách phân tích chất lượng sữa của Vinamilk.
Vinamilk vẫn “đổ lỗi” cho người nuôi

Vắt sữa bò bằng máy, đảm bảo vệ sinh, hạn chế viêm nhiễm. Ảnh: Đ.P.
Theo Vinamilk, từ đầu tháng 4, công ty bắt đầu điều chỉnh giá sữa tươi mua. Vinamilk áp dụng tăng giá về chất lượng lên 500 đồng/kg (từ 5.000 đồng lên 5.500 đồng/kg). Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sữa tươi thu mua, Vinamilk tính tiền dựa trên chất lượng sữa với mức đánh giá nghiêm ngặt hơn.
Việc xây dựng các mức trừ tiền về chất lượng sữa là dựa theo điều kiện cụ thể của công ty, vì vậy không thể nói là có sự chênh lệch không hợp lý. Ví dụ, xu hướng chung của thế giới là giảm béo trong sữa và mặt hàng sữa tươi nguyên chất được chế biến từ 100% sữa tươi thu mua không được thêm hoặc lấy bớt bất kỳ thành phần nào trong sữa nên Vinamilk không khuyến khích tăng tỷ lệ béo trong sữa và không thưởng cho sữa có tỷ lệ béo cao.
Theo Vinamilk, khảo sát của Sở NN-PTNT TPHCM chưa thể hiện đầy đủ thực trạng của vấn đề thanh toán tiền sữa. Các hộ có giá bán sữa thấp là hậu quả của khẩu phần mất cân đối (tỷ lệ thức ăn tinh quá cao) và phương pháp cho ăn không phù hợp (thức ăn tinh và phụ phế phẩm pha nước, cho ăn từng thực liệu riêng lẻ). Một trong những vấn đề của ngành chăn nuôi bò sữa tại TPHCM là thiếu thức ăn thô xanh. Diện tích trồng cỏ tại TPHCM chỉ đạt 2.400 ha, năng suất 200 tấn/ha.
Diện tích này cũng chỉ đáp ứng đủ nhu cầu cho 44.000 bò sữa (trong khi số lượng bò sữa tại TPHCM là trên 60.000 con). Nhiều hộ sử dụng quá nhiều thức ăn tinh dẫn đến chất lượng sữa giảm và không hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, bệnh viêm vú tiềm ẩn cũng là một trong những nguyên nhân chính làm chất lượng sữa thay đổi. Vinamilk luôn khuyến khích nông dân giao sữa trực tiếp như xét thưởng vệ sinh chuồng trại 200 đồng/kg, cho vay không lãi suất để mua con giống, mua máy vắt sữa; hỗ trợ không hoàn lại thuốc và dụng cụ thú y… Những hộ thuê người vắt sữa không được hưởng các hình thức hỗ trợ này.
“Không có lửa sao có khói”
Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Tô Từ Nguyên cho rằng, vì sao giữa 2 đơn vị cùng mua sữa bò, nhưng bà con kêu ca nhiều hơn đối với Vinamilk, đó là điều mà Vinmilk cần xem xét lại. Cũng theo ông, cần có đơn vị kiểm định trung gian, không thể như hiện nay, chưa rõ ràng, không minh bạch trong việc xác định về chất lượng. Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM Nguyễn Văn Rảnh cho rằng, cần xem xét lại vấn đề thu mua, có điều gì đó chưa hợp lý ở đây. Trước đó, ông Huỳnh Hữu Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, bên cạnh việc đề nghị bà con chú ý khẩu phần ăn của con bò sữa, hạn chế thức ăn tinh, tăng thức ăn thô xanh (cỏ), cũng đồng thời đề nghị Vinamilk xem xét lại quy trình thu mua sữa.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín cho rằng gốc vấn đề là nguyên liệu thức ăn giá tăng mạnh, trong khi quy mô nhỏ lẻ vẫn còn khá lớn. Nhưng với những gì xảy ra cho thấy, bộ phận kiểm định chưa chặt chẽ, việc quản lý khâu trung gian còn sơ hở. Vinamilk nên có quy trình tốt hơn, đồng thời tiếp tục đầu tư, hỗ trợ cho bà con để người sản xuất nguyên liệu và nhà máy chế biến hài hòa lợi ích. Có thể lãi ít hơn để hỗ trợ cho bà con. Trước đó, Phó Tổng Giám đốc Vinamilk Nguyễn Thị Như Hằng đồng ý việc có trung tâm kiểm định để đánh giá khách quan chất lượng và xem xét lại việc tổ chức bộ phận thu mua. Đây là 2 vấn đề mà trước đây đã có nhiều ý kiến đề nghị nhưng Vinamilk chưa có câu trả lời dứt khoát.
Công Phiên