Cuối thập niên 1990, khi nguồn trầm hương tự nhiên trong rừng gần như cạn kiệt do xuất khẩu với giá rẻ nên bị nhà nước cấm khai thác đã bắt đầu xuất hiện việc “cấy” hóa chất hoặc vật cứng vào cây dó bầu trồng trên vườn nhà để tạo trầm. Những thành công bước đầu ở Quảng Nam đã được nhân rộng ra nhiều nơi, đưa dó bầu trở thành cây trồng được chủ trang trại các nơi quan tâm và mở rộng.
Tạo trầm hương
Thị trường trầm hương trên thế giới hiện nay cung không đủ cầu. Điều này còn kéo dài không dưới 10 năm tới. Trầm hương nếu chỉ bán thô thì giá trị không cao. Trầm hương Việt Nam dù được đánh giá cao nhưng do chất lượng không ổn định nên chỉ bán được 1/4 giá thị trường. Ngược lại với tinh dầu trầm lại có giá trị rất cao, 1 lít tinh dầu trầm giá bán trên 50.000 USD.
Theo Hội Trầm hương Việt Nam, diện tích cây dó bầu trồng trong vườn nhà và trang trại hiện có khoảng 20.000 ha, phần lớn cây 7 - 8 tuổi trở lên, tập trung nhiều ở vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, kể cả một số tỉnh ĐBSCL…
Hội Trầm hương Việt Nam cho rằng, hiện có hơn 30 tổ chức, cá nhân cấy, làm dịch vụ tạo trầm nhưng kết quả chưa đạt yêu cầu, dù làm bằng phương pháp cơ học, hóa học hay vi sinh học. Việc tạo trầm hương nhân tạo từ cây dó không chỉ tốn kém mà còn gặp nhiều rủi ro. Người trồng dó bầu đứng trước một rừng phương pháp, mỗi nơi một kiểu, chỉ biết trông chờ vào sự may rủi. Phần lớn các sản phẩm trầm được tạo ra không đạt hàm lượng tinh dầu trầm, mùi hương không đúng tiêu chuẩn quốc tế và còn chứa dư lượng hóa chất nên giá trị thương mại thấp.
Trước tình hình này, năm 2009, Hội Trầm hương Việt Nam cùng 6 tổ chức, cá nhân thử nghiệm các phương pháp nhằm tìm ra phương pháp tạo trầm có kết quả nhất. Sau 2 năm khảo nghiệm cho thấy, phương pháp của Công ty Trầm hương Việt là phải khoan một số lỗ trên thân cây, ngay cả trên các cành và đưa dung dịch tạo trầm vào cấy. 3 tháng sau khi cấy, cây dó có hiện tượng tạo trầm, đốt có mùi thơm nhưng thời gian cây được cấy chưa hoàn toàn tạo trầm.
Phương pháp của trang trại Sơn Thủy (tỉnh Đồng Nai) thực hiện nhanh, ít tốn công, nhưng với việc lột vỏ hoàn toàn trên cây dó từ 0,2 đến 2m, quét dung dịch tạo trầm trên lên toàn bộ chỗ lột vỏ hoặc khoan một số lỗ trên thân rồi bơm dung dịch vào có khả năng gặp rủi ro cao.
Khi tiến hành thử nghiệm tại huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) trên 5 cây, chỉ 1 cây còn sống. Phương pháp vi sinh của Công ty Hiệp Lợi (Bà Rịa – Vũng Tàu) là dùng máy khoan 1 đến 2 lỗ dưới gốc cây, bơm dung dịch vào. Theo giải thích, dung dịch này sẽ giết chết tế bào gỗ, tích tụ tinh dầu tạo trầm.
Phương pháp này, qua 2 năm vẫn chưa có tác động đáng kể. Riêng phương pháp thử nghiệm tại Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Bình, Đồng Nai, Bình Phước… của Công ty Tinh Đất Việt có phần khả quan hơn. Cây được khoan lỗ, xử lý etylen, sau 1 tuần bơm chất tạo trầm là men vi sinh do Viện Sinh học nhiệt đới cung cấp. Cách làm này có tạo trầm nhưng chưa đồng đều và có thể gây chết cây (tỷ lệ chết không cao).
Theo Hội Trầm hương Việt Nam, về sơ bộ phương pháp này có hiệu quả, vì các cây dó từ 7-10 năm tuổi ở Đà Nẵng, Đồng Nai đạt kết quả khá tốt. Giá 1 cây cấy được mua với giá 12 triệu đồng, nếu gia công trầm miếng bán được 500 USD/kg, mỗi cây thu được khoảng 2-3kg.
Cần phương pháp hiệu quả
Từ những khảo nghiệm trên, Hội Trầm hương Việt Nam cho rằng, mỗi phương pháp đều có ưu điểm riêng nhưng vẫn còn không ít khiếm khuyết cần phải điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Phương pháp của trang trại Sơn Thủy, được đánh giá cao nhưng việc phổ biến lại bị hạn chế. Công ty Trầm hương Việt cần bổ sung biện pháp giúp cho việc tích tụ trầm tốt hơn, nhất là giảm bớt công cấy. Phương pháp của Công ty Tinh Đất Việt có tiến triển tốt nhưng chưa áp dụng thành công đồng đều ở các địa phương nên phải điều chỉnh dung dịch cho phù hợp từng vùng.
Theo các chuyên gia, để phát triển phương pháp cấy ghép tạo trầm hương cần phải xác định giống dó bầu cho từng vùng sinh thái, kỹ thuật tạo trầm để tạo ra năng suất và chất lượng tối ưu. Hầu như trong thời gian qua, việc tạo trầm hương ở các nhà vườn và trang trại chỉ chú ý đến năng suất. Người trồng, ngành chức năng cũng phải tìm hiểu cây dó bầu trồng ở khu vực nào sẽ phù hợp, cho hiệu quả…
Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Trầm hương Việt Nam cho rằng, đây mới là những bước đi đầu tiên, hội sẽ đăng ký đề tài với nhà nước có sự hỗ trợ của các đơn vị để từng bước hoàn chỉnh phương pháp tạo trầm trên cây dó bầu.
Bên cạnh việc cải tiến phương pháp của những đơn vị tham gia thử nghiệm, những đơn vị còn lại cũng có thể đăng ký với Hội Trầm hương Việt Nam các phương pháp cấy ghép khác. Nếu đạt những tiêu chí và yêu cầu đề ra sẽ đăng ký bản quyền và phổ biến cho người trồng cả nước với mục tiêu giúp nâng cao hiệu quả và giá trị kinh tế cho người trồng dó bầu cả nước.
CÔNG PHIÊN