An toàn trước dịch bệnh
Trang trại heo ATSH của gia đình anh Phùng Văn Bảo (khu phố Phú An, thị xã Bình Long) có hơn 50 heo nái và 1.000 heo thịt đang cho thu nhập cao và ổn định. Hơn chục năm trước, gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống, chạy theo giá cả thị trường, kỹ thuật hạn chế nên dịch bệnh hay xảy ra. Nhận thấy chăn nuôi theo hướng ATSH đảm bảo an toàn trong phát triển bền vững đàn heo nên gia đình bỏ hàng trăm triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại, hệ thống cho ăn uống tự động, kho chứa thức ăn...
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại An Phát (phường An Lộc, thị xã Bình Long) có 11 xã viên nuôi 550 heo nái, hơn chục ngàn heo thịt cung ứng ra thị trường trên 14.000 tấn thịt/năm. Toàn bộ heo đều nuôi theo quy trình VietGAP; ngoài các hạng mục về chuồng trại, các xã viên đều trang bị thêm hệ thống máy móc để xay, nghiền, tự phối trộn thức ăn theo công thức dành cho heo từ cai sữa đến xuất chuồng. Trong đó, men sinh học VTM cao cấp nhập khẩu từ Mỹ với giá 1 triệu đồng/kg (trộn cho 1 tấn thức ăn) là một trong những men vi sinh chất lượng để tăng sức đề kháng vượt qua dịch tả heo châu Phi.
Giữa cơn bão dịch bệnh tả heo châu Phi nhưng đàn heo của HTX hoàn toàn khỏe mạnh và cung cấp sản phẩm thường xuyên cho thị trường tiêu thụ. So với các hộ nuôi trong khu vực, việc nuôi heo ATSH còn tiết kiệm chi phí lao động hơn 70%, giảm từ 10-12% thức ăn và toàn bộ phân, nước tiểu được tận dụng làm biogas, phân hữu cơ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Giá heo luôn ở mức trên 70.000 đồng/kg đã đem lại thu nhập gấp đôi, mỗi xã viên thu nhập khoảng 1 tỷ đồng trong năm 2019.
Hướng tới phát triển bền vững
Theo ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại An Phát, việc cam kết với các xã viên rất quan trọng, nhằm tránh tình trạng “xé rào” trong chăn nuôi. Mỗi xã viên tham gia HTX phải đóng quỹ 50 triệu đồng vào quỹ chung, ký kết hợp đồng kinh tế cung ứng sản phẩm sạch cho các đối tác. Trong quá trình sản xuất nếu xã viên gian dối, không đáp ứng tiêu chí sản phẩm sạch thì HTX phải chịu trách nhiệm bồi thường hợp đồng; nếu xã viên vi phạm các quy chế của HTX sẽ bị trục xuất khỏi HTX, số tiền đóng góp sẽ trưng dụng thành tài sản chung của HTX…
“Để thịt heo ra thị trường thì cửa hàng phân phối đóng vai trò quan trọng và tuân thủ chặt chẽ các quy định từ cấp phép kinh doanh, chứng nhận an toàn thực phẩm, các dụng cụ bán hàng đạt chuẩn... Điều đáng mừng từ khi đi vào hoạt động, cửa hàng của HTX thu hút nhiều doanh nghiệp phân khúc bán lẻ, chế biến, phân phối heo an toàn tìm đến ký các hợp đồng bao tiêu lâu dài với giá cao hơn thị trường. Trung bình mỗi con heo 100kg, chúng tôi kiếm thêm từ 500.000 đồng trở lên, heo nuôi đến đâu, công ty thu mua đến đó nên thành viên trong HTX tập trung chăn nuôi đảm bảo các tiêu chuẩn đề ra”, ông Nguyễn Văn Cư cho biết.
Khó khăn hiện nay của các HTX là quy định không cho phép thành lập thêm lò mổ và các trang trại của xã viên đều dạng chuồng hở tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, nên việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để nâng cấp chuồng trại, mở rộng sản xuất... là cấp thiết. Các hộ chăn nuôi heo mong muốn được hỗ trợ vốn thực hiện tốt chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để thay đổi thói quen, tập quán sản xuất, sử dụng sản phẩm, giúp nghề nuôi heo tiếp tục ổn định và phát triển bền vững
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước Trần Văn Lộc cho biết, chăn nuôi heo ATSH mang lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy ngành nông nghiệp địa phương phát triển bền vững, góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của bà con nông dân. Sở NN-PTNT tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả của việc chăn nuôi theo hướng ATSH, tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn vốn và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi, tham gia vào chuỗi chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững.