TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
“Thực tiễn đang đòi hỏi chúng ta phải hành động, nói phải đi đôi với làm, không nói lý thuyết, đạo lý chung chung”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như trên tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2016, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017, diễn ra mới đây tại Hà Nội. Điều này lại một lần nữa khẳng định tầm nhìn chiến lược, xuyên thế kỷ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những quan điểm đúng đắn trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là tư tưởng của Hồ Chí Minh về đạo đức - “Nói đi đôi với làm”.
Đạo đức với mình, với người và với công việc
Trong quan điểm của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định đạo đức là gốc của người cách mạng. Theo Người, nguyên tắc xây dựng và thực hành đạo đức thể hiện ở 3 điểm: “Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức - Xây đi đôi với chống - Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời”.
Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người đã nêu lên 23 điểm thuộc “tư cách một người cách mệnh”, trong đó chủ yếu là các tiêu chuẩn về đạo đức, thể hiện chủ yếu trong 3 mối quan hệ: với mình, với người và với công việc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng giúp cho con người vững vàng trong mọi thử thách. Người viết: “Có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại không rụt rè, lùi bước”; “khi gặp thuận lợi, thành công vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn”, mới “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; “lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa”.
Đối với Đảng - tổ chức tiền phong chiến đấu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải xây dựng Đảng ta thật trong sạch, Đảng phải “là đạo đức, là văn minh”.
Quận 1 đã triển khai khảo sát mức độ hài lòng của người dân với cán bộ, công chức bằng máy điện tử. Những cán bộ, công chức nào chưa được người dân hài lòng phải giải trình, đưa ra biện pháp khắc phục. (Trong ảnh: Cán bộ trẻ quận 1 tận tình hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân). Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong bản Di chúc, Người để lại một đoạn quan trọng và gần như là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng ta: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Chỉ có 57 từ nhưng Người đã 4 lần dùng chữ “thật” khi nói về đạo đức. Đây là sự nhắc nhở của Người đối với Đảng ta, Người muốn chúng ta hiểu sâu sắc rằng: uy tín của đảng cầm quyền, uy tín của người đảng viên của đảng cầm quyền không phải là quyền lực, vì quyền lực có thể làm tha hóa con người. Uy tín đích thực của đảng cầm quyền, của từng đảng viên chính là tư cách, nhân cách, đạo đức làm người. Đây chính là nền tảng làm người của người cách mạng, người cộng sản. Và chỉ có như vậy mới thu phục được nhân tâm.
Người đứng đầu phải luôn nêu gương
“Nói đi đôi với làm” - chỉ với 5 từ đơn giản, nhưng suốt cả cuộc đời mình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng phấn đấu làm gương cho sự thống nhất giữa tư tưởng, lời nói với hành động và hiệu quả. Lời Bác căn dặn từng cán bộ, đảng viên của Đảng ta về “Nói đi đôi với làm” đã thể hiện rõ tầm nhìn của Người trước thực tế của đất nước hôm nay.
Những vụ việc tiêu cực, tham nhũng bị phanh phui thời gian gần đây càng cho thấy sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức ở một bộ phận cán bộ, lãnh đạo có chức có quyền các cấp đã và đang là thách thức lớn nhất của công cuộc đổi mới đất nước, là nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ ta, đang làm mất thanh danh uy tín của Đảng, Nhà nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Như chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị nói trên cũng bày tỏ sự lo lắng, bức xúc về những yếu kém, tiêu cực trong Đảng, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, “lợi ích nhóm” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.
Trong bối cảnh đó, để tiếp tục giữ vững uy tín của Đảng, bồi đắp niềm tin trong nhân dân, càng cần phải quán triệt, thực hiện nghiêm lời dạy của Người. Trong đó việc gìn giữ đạo đức của người cán bộ, đảng viên có vai trò rất quan trọng. Theo Người, trong đạo đức, việc nêu gương là vô cùng cần thiết, vì “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” nên người cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp phải nói đi đôi với làm, là những tấm gương để quần chúng noi theo.
Để làm được điều đó, theo Người, khi đề ra công việc tránh cách nói chung chung, đại khái và khó hiểu, cần phải cụ thể, thiết thực. Tránh nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm thì sẽ phản tác dụng. Nếu chính mình tham ô mà bảo người khác liêm khiết thì không được. Nếu nói rằng phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư mà bản thân mình lại lười biếng, không hoàn thành những công việc được giao, không tiết kiệm, sống hoang phí, xa hoa trong khi cuộc sống của đại đa số nhân dân còn nhiều thiếu thốn, luôn tìm cách tham ô tiền của Nhà nước và nhân dân..., thì những lời nói đó sẽ không có tác dụng giáo dục.
Hôm nay, việc thực hiện Chỉ thị số 05 về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Bộ Chính trị, từng đảng viên của Đảng ta đã có bước tiến mới trong nhận thức và sự tiến bộ mới trong rèn luyện, thực hành đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cách tốt nhất và hiệu quả nhất vẫn là nêu gương “người tốt, việc tốt” và người đứng đầu phải luôn đi đầu. Đây là chìa khóa và lời giải để hôm nay mỗi đảng viên góp phần nhỏ bé của mình làm theo lời Bác, làm theo gương Bác để đưa đạo đức cách mạng thấm sâu trong bản thân mình và trong nhân dân.
TS NGUYỄN VIỆT HÙNG
(Học viện Cán bộ TPHCM)