* Khuyến khích các địa phương thực hiện cơ chế học phí mới
Sau khi đăng bài “Gian nan giữ chân giáo viên mầm non”, PV Báo SGGP đã nhận được nhiều đề xuất giải pháp tháo gỡ tình trạng này. Trong đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa (ảnh) cho biết một số giải pháp căn cơ sắp tới như trả lương theo ngạch bậc, áp dụng cơ chế học phí mới, tăng nguồn thu hợp pháp, tăng định biên, giảm cường độ lao động… nhằm nâng cao thu nhập giáo viên mầm non.
* PV: Hiện nay, giáo dục mầm non là bậc học gặp nhiều khó khăn nhất về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên. Xin Thứ trưởng hãy cho biết rõ hơn về tình hình hiện nay?
* Thứ trưởng NGUYỄN THỊ NGHĨA: Có thể nói giáo dục mầm non thời gian qua đã nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và cả xã hội. Đặc biệt việc triển khai thực hiện rộng khắp chương trình giáo dục mầm non (ban hành theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25-7-2009) đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ phát triển toàn diện. Tuy nhiên, do nhu cầu trẻ em đến trường mầm non ngày càng tăng, đặc biệt là tình trạng tăng dân số cơ học ở các TP lớn, nên nhiều địa phương còn thiếu trường lớp, thiếu giáo viên. Đến thời điểm này cả nước thiếu trên 20.000 giáo viên mầm non và theo Chiến lược phát triển giáo dục mầm non đến 2015, cả nước còn thiếu trên 37.000 phòng học cho trẻ mầm non.
* Giáo viên thiếu nhưng ở các trường sư phạm lại ít chú trọng đến việc đào tạo giáo viên mầm non, không ít trường đã chuyển sang đào tạo đa ngành khiến đầu ra của giáo viên ngày càng sụt giảm?
* Việc thiếu giáo viên mầm non hiện nay do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là vấn đề thu hút người làm giáo viên mầm non. Cả nước hiện nay có rất nhiều cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, một số trường còn đào tạo giáo viên mầm non trình độ ĐH, thạc sĩ. Các giáo viên được đào tạo chính quy ra trường đều có năng lực chuyên môn, nghề nghiệp tốt. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển số lượng, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non hiện nay, đặc biệt là yêu cầu của phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi thì cần phải tăng cường hơn nữa năng lực cho các trường sư phạm, nhất là nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên tại các trường CĐ, ĐH sư phạm. Có giải pháp, chính sách thu hút đầu vào. Phấn đấu đến năm 2015, có 50% giáo viên mầm non của nước ta đạt trình độ CĐ sư phạm.
* Từ sự việc giáo viên mầm non nghỉ việc tại Thanh Hóa, một số tỉnh thành cũng xảy ra tình trạng này ngay từ đầu năm học, Bộ GD-ĐT đã có giải pháp nào để cải thiện tình trạng này, thưa Thứ trưởng?
* Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang phối hợp cùng các bộ, ngành nghiên cứu, trình Thủ tướng ban hành quyết định về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015, phù hợp với các quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009, tạo cơ chế đủ mạnh để phát triển giáo dục mầm non. Quyết định này nếu được ban hành, sẽ bao gồm các chính sách đối với trẻ em, đối với giáo viên, đối với cơ sở giáo dục mầm non và cơ chế tài chính cho phát triển giáo dục mầm non.
Đối với giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng ở các trường dân lập và công lập sẽ được nhà nước hỗ trợ ngân sách để trả lương cho giáo viên theo ngạch bậc và tăng lương theo định kỳ. giáo dục mầm non ở các trường tư thục sẽ được nhà nước hỗ trợ để bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Bộ GD-ĐT cũng đang phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng thông tư quy định chế độ làm việc cho giáo viên mầm non và định mức biên chế giáo viên, nhân viên trong các cơ sở mầm non công lập, theo đó sẽ tính đến việc quy định giảm thời gian làm việc trên lớp của giáo viên (dự kiến còn 6 giờ/ngày) để họ có thời gian soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học, nâng cao trình độ. Tăng định biên từ 2 giáo viên lên 2,5 giáo viên/lớp cho lớp 2 buổi/ngày để giảm cường độ lao động.
* Về lâu dài, muốn tăng thu nhập cho giáo viên, giải pháp vẫn là tăng học phí?
* Bài toán về lương đối với giáo viên là vấn đề rất quan trọng trong hệ thống chính sách giáo dục, trong đó học phí là một trong những nguồn quan trọng. Tuy nhiên, cần phải xem xét chính sách học phí cho phù hợp đối tượng, phù hợp với vùng, miền. Việc tính toán để có nguồn thực hiện lương cho giáo viên từ học phí cần có sự hỗ trợ của nhà nước cho các đối tượng học sinh là con nhà nghèo, chính sách xã hội, dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn… Bộ khuyến khích các địa phương thực hiện cơ chế học phí mới theo Nghị định số 49/2009/NĐ-CP. Tăng nguồn thu hợp pháp ở những nơi thuận lợi, cha mẹ trẻ có khả năng chi trả để thực hiện chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non.
* Thứ trưởng nghĩ sao về vấn đề xã hội hóa trong trường học hiện nay, đặc biệt là sự đóng góp hỗ trợ của phụ huynh?
* Trong khi ngân sách nhà nước còn eo hẹp, chưa thể lo hết được thì sự chia sẻ của xã hội, của các nhà hảo tâm là rất cần thiết. Chúng ta hãy nghĩ đến công việc và đời sống của các giáo viên mầm non. Công việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ là rất vất vả, nhọc nhằn, nhiều giáo viên quên cả cuộc sống riêng tư, hết lòng vì công việc. Nhiều trường ở khu vực miền núi, miền Tây khi chúng tôi đến trông cảnh cô và trò rất thương. Cả trường chỉ có một nhà vệ sinh, trời mưa không thể cho trẻ đi vệ sinh bên ngoài được các cô giáo phải bỏ tiền mua bô cho các cháu đi vệ sinh, rồi lại đội mưa đi đổ bô.
Chỉ có tình yêu thương trẻ thì mới gắn bó được với công việc như các cô giáo mầm non hiện nay. Tôi cho rằng chung tay với nhà nước chăm lo cho giáo viên để các cô giáo yên tâm công tác và nuôi dạy trẻ tốt hơn là việc nên làm. Tuy nhiên, phải rõ ràng, minh bạch, phù hợp với hoàn cảnh của từng phụ huynh.
LÊ LINH
- Thông tin liên quan:
>> Gian nan giữ chân giáo viên mầm non
>> Mong được phụ huynh chia sẻ