Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng: Xây dựng những “cánh đồng mẫu lớn”

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng: Xây dựng những “cánh đồng mẫu lớn”

Để phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng, bằng mọi giá phải bảo vệ được 3,8 triệu ha đất lúa theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, đồng thời hướng tới xây dựng những “cánh đồng mẫu lớn” để sản xuất lúa và nông sản hàng hóa. PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông về vấn đề này.

- PV:
Thưa ông, tại sao chúng ta cần phải giữ đất trồng lúa?

Thứ trưởng BÙI BÁ BỔNG: Nước ta dân số đông, đứng thứ 13 trên thế giới nhưng đất nông nghiệp không nhiều. Hiện tại, Việt Nam vẫn còn giữ được 4,1 triệu ha đất lúa, nhưng so với nước xuất khẩu gạo đứng thứ nhất là Thái Lan, chúng ta vẫn không bì được, bởi Thái Lan đang có tới 10 triệu ha đất lúa. Chính phủ Thái Lan cũng đã đặt ra mục tiêu phải giữ bằng được 10 triệu ha đất lúa của họ, để đảm bảo an ninh lương thực và giữ sản lượng xuất khẩu gạo.

Trong khi đất nông nghiệp còn ít thì dân số của chúng ta lại đang tăng nhanh, sẽ khoảng 100 triệu vào năm 2020 và có thể tăng tới 120 triệu người vào năm 2030. Đe dọa về an ninh lương thực không dừng lại ở sức ép về dân số mà đáng lo hơn là nó còn chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu trong tương lai như diễn biến thời tiết cực đoan (rét đậm rét hại, lũ lụt và hạn với cường độ cao hơn, tần suất bão cũng nhiều hơn…) và hiện tượng nước biển dâng. Khi nước biển dâng sẽ làm ngập nhiều diện tích của các đồng bằng trù phú đang được coi là vựa lúa hiện nay như đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, hiện tượng trái đất nóng lên, nhiệt độ tăng cũng sẽ làm giảm năng suất lúa. Việt Nam là nước có nhiều thiên tai và là một trong 5 nước theo dự báo bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu.

Hiện nay, khủng hoảng lương thực trên phạm vi thế giới đang được dự báo là nguy cơ không tránh khỏi nếu thiếu các nỗ lực mang tính toàn cầu để đối phó với các thách thức hoặc là hệ quả của những bất ổn chính trị, xung đột khu vực. Vì vậy, để lo cho một tương lai lâu dài và ổn định của đất nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ngay từ bây giờ chúng ta phải chủ động duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp. Vì thế phải giữ đất trồng lúa.

- Chúng ta đặt chỉ tiêu giữ 3,8 triệu ha đất lúa đến năm 2020, liệu diện tích này có thể bị giảm bớt trong thực tế?

Quốc hội đã có nghị quyết giữ 3,8 triệu ha đất lúa, trong đó có 3,2 triệu ha đất chuyên lúa nước (2 vụ trở lên), tức là giảm 300.000ha so với hiện nay (đất chuyên lúa nước giảm khoảng 100.000ha, đất lúa khác giảm 200.000ha). Chúng ta cần xác định, việc giảm đất lúa là không thể tránh khỏi, để đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình lớn của đất nước, đảm bảo cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mặc dù nhu cầu chuyển đổi đất lúa hiện nay vẫn còn rất lớn nhưng chúng ta không thể nới lỏng chỉ tiêu bảo vệ đất lúa thêm nữa.

Nhìn lại 10 năm trước, đất lúa đã giảm 270.000ha, trong đó phần diện tích chuyển sang mục đích công nghiệp đến nay vẫn chưa sử dụng hết. Do đó 10 năm tới, việc tiếp tục giảm thêm 300.000ha là hợp lý, cân đối được hai mục tiêu công nghiệp hóa - đô thị hóa và an ninh lương thực. Nếu giảm nhiều hơn nữa, đất nước sẽ đứng trước rủi ro chưa lường được. Lượng lúa dư thừa để xuất khẩu hiện nay chỉ tập trung ở ĐBSCL chứ không phân bố đều trên cả nước; ở các vùng khác, sản lượng lúa hiện nay cũng chỉ đủ tiêu dùng trong nước. Trong khi trong tương lai, ĐBSCL có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng bởi mực nước biển dâng và nguồn cung nước ngọt từ thượng nguồn sông Mekong. Một khi sản lượng lúa ĐBSCL giảm sút thì an ninh lương thực cả nước sẽ bị thách thức. 

Nếu giữ được 3,8 triệu ha đất lúa, ở góc nhìn lạc quan, khả năng xuất khẩu gạo nước ta đến năm 2020 vẫn có thể còn ở mức 3-4 triệu tấn từ ĐBSCL, với điều kiện đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, đặc biệt là các giải pháp thích nghi biến đổi khí hậu. Vì vậy, giữ được 3,8 triệu ha đất lúa chính là cái “van” an toàn, dự trữ trong trường hợp một đất nước thường xuyên đối mặt với thiên tai, đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Nông dân Đồng Tháp Mười thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: Hoàng Dũng

Nông dân Đồng Tháp Mười thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: Hoàng Dũng

- Thưa ông, cùng với việc giữ 3,8 triệu ha đất lúa thì điều quan trọng là phải có chiến lược như thế nào để có thể giúp nông dân thực sự yên tâm trồng lúa, làm giàu được từ hạt lúa?

Theo tôi, để nông dân yên tâm trồng lúa, làm giàu được từ hạt lúa thì phải cải tiến sản xuất lúa gạo theo hướng hiện đại hóa, trước nhất là ở các vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa, nhằm khắc phục những mặt hạn chế hiện nay như do sản xuất manh mún nên không gắn kết được với thị trường tiêu thụ, giá lúa vì thế lên xuống bất thường, thiếu phương tiện sấy, tồn trữ nên chất lượng gạo xuất khẩu thấp, thiếu thương hiệu…

Để khắc phục tình trạng sản xuất lúa gạo manh mún thì phải đẩy mạnh chương trình “dồn điền đổi thửa”, thực hiện giải pháp “nông dân nhỏ cánh đồng lớn” theo mô hình cánh đồng mẫu lớn đang triển khai ở ĐBSCL, đồng thời đào tạo nghề cho lao động nông thôn để rút bớt lao động trồng lúa sang lĩnh vực khác. Chẳng hạn, một hộ nông dân hiện nay đang có 3 lao động trồng lúa thì có thể rút bớt 2 còn 1 lao động. Cũng để đẩy mạnh mục tiêu sản xuất lúa tập trung và quy mô lớn, sắp tới Luật Đất đai sửa đổi có thể nới rộng mức hạn điền đối với đất lúa. Để thu hút nông dân yên tâm trồng lúa, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng vùng trồng lúa, trợ giúp nông dân trồng lúa và hỗ trợ cho các địa phương giữ đất lúa có điều kiện về ngân sách để chi phát triển, bớt đi sức ép về nguồn thu của địa phương. Đây là những chính sách mới đã được đưa vào Nghị định về quản lý và sử dụng đất lúa mà Chính phủ sắp ban hành.

- Sau khi thực hiện khá thành công ở ĐBSCL, mô hình cánh đồng mẫu lớn đang được chỉ đạo triển khai thí điểm để nhân rộng tại miền Bắc. Vậy chủ trương của Bộ NN-PTNT về việc nhân rộng mô hình này như thế nào?

Mô hình cánh đồng mẫu lớn bắt đầu được Bộ NN-PTNT phát động xây dựng tại các tỉnh trồng lúa ở ĐBSCL vào tháng 3-2011 và được các địa phương, doanh nghiệp, nông dân hưởng ứng tích cực. Trong vụ hè - thu 2011, đã có 13 tỉnh tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đạt 7.803ha với gần 6.400 hộ nông dân tham gia, bước đầu đem lại kết quả khả quan. Lợi ích của cánh đồng mẫu lớn là nông dân được các doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý và lo bao tiêu sản phẩm theo đơn đặt hàng. Nhờ vậy đã giúp nông dân yên tâm sản xuất lúa gạo hàng hóa, giảm bớt giá thành, có điều kiện để áp dụng các tiến bộ về kỹ thuật. Vì vậy, Bộ NN-PTNT đã quyết định nhân rộng mô hình ra các tỉnh ở phía Bắc. Hiện nay, mới đang ở bước thí điểm. Trong điều kiện ở miền Bắc, cánh đồng mẫu lớn cần hướng tới các tiêu chí chủ yếu là có diện tích đủ lớn, đã được “dồn điền đổi thửa”, cơ sở hạ tầng phù hợp để áp dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa đồng bộ, có sự tham gia của cả doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, khuyến nông cung ứng vật tư đầu vào, hỗ trợ vốn, đặt hàng và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng khi nông dân có yêu cầu.

Để mở rộng phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn, Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh và TP ở phía Bắc chỉ đạo triển khai thí điểm cánh đồng mẫu lớn. Trong đó, ưu tiên cây lúa và các cây trồng có thị trường, sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, trên cơ sở nông dân tự nguyện và sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, khuyến nông. Bên cạnh đẩy mạnh phong trào “dồn điền đổi thửa”, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi trên cánh đồng mẫu lớn cần ưu tiên ngân sách hỗ trợ về đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đất đai, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường…

  • Miền Bắc: 4 tỉnh TP thí điểm xây dựng cánh đồng mẫu lớn

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Trí Ngọc vừa cho biết, Cục Trồng trọt đã xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm tại 4 tỉnh ở miền Bắc trong năm 2012, mỗi tỉnh xây dựng khoảng 2-3 mô hình. Đó là các tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định và TP Hà Nội.

Văn Phúc thực hiện

Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững

- Ứng dụng các mô hình mới thích ứng biến đổi khí hậu

- Nông dân và doanh nghiệp - nhân tố quan trọng tạo thương hiệu hạt gạo

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

- Đẩy mạnh liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao

Tin cùng chuyên mục