Những điểm mới của quy hoạch phát triển báo chí, giải pháp để ứng phó với các thông tin xấu, độc hại trên mạng trong thời gian tới là gì? Đó là vấn đề được báo chí đặt ra trong cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn ngày 1-2, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn
- Phóng viên: Tại Hội nghị Trung ương 10 (Khóa XI) vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định sự cần thiết phải sớm ban hành và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025. Thứ trưởng cho biết một số định hướng trong quy hoạch này?
>> Thứ trưởng TRƯƠNG MINH TUẤN: Theo dự thảo quy hoạch đến 2025, chúng ta phải xây dựng một nền báo chí cách mạng, chính quy, chuyên nghiệp và hiện đại. Mỗi cơ quan báo chí có một cách đi riêng, cách nhìn nhận riêng, tiếng nói riêng, đại diện cho một tầng lớp riêng thì phải đi đúng tôn chỉ mục đích của mình. Việc sắp xếp, quy hoạch báo chí lần này theo cái hướng là báo chí đa phương tiện, tập trung trước hết cho các cơ quan báo chí chủ lực như Báo Nhân dân, VTV, VOV, các cơ quan báo chí của TTXVN, báo chí của quân đội, công an. Tập trung đẩy mạnh các cơ quan báo chí phục vụ nhiệm vụ thiết yếu, nhiệm vụ chính trị. Phải phân định rõ chức năng phục vụ nhiệm vụ chính trị thiết yếu và chức năng giải trí của các cơ quan báo chí. Những cơ quan báo chí hoạt động không hiệu quả sẽ được xem xét sắp xếp và tổ chức lại cho phù hợp với quy hoạch và tình hình thực tế. Đó là những điểm rất mới hiện nay trong dự thảo quy hoạch báo chí.
|
- Thời gian qua, nhiều trang blog cá nhân đưa thông tin xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ xúc phạm danh dự của nhiều lãnh đạo các cấp, gây chia rẽ Đảng với nhân dân. Năm 2015, Bộ TT-TT sẽ có những biện pháp nào để ứng phó với những luồng thông tin xấu, độc hại?
Thế giới công nghệ, không gian mạng phát triển mạnh mẽ như hiện nay mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người sử dụng, nhưng bên cạnh đó nó cũng có một số tác hại không lường trước được. Đối với những thông tin xấu, độc hại, nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn sẽ gây hậu quả rất lớn, ảnh hưởng tới tâm tư nguyện vọng cũng như tình cảm của người dân, gây ra sự hoài nghi trong xã hội.
Thời gian qua, Bộ TT-TT đã phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh ngặn chặn các hoạt động xấu trên các blog cá nhân. Đối với mạng xã hội, chúng ta không thể ngăn chặn và cũng không có chủ trương ngăn chặn. Tuy nhiên với những blog xấu, ngoài các biện pháp kỹ thuật, Bộ TT-TT đã có yêu cầu các cơ quan báo chí tăng cường thông tin chính thống trên các phương tiện thông tin đại chúng để đấu tranh với các blog này.
Vấn đề cốt lõi nhất là đối với từng người tiếp nhận thông tin trên mạng là phải tự trang bị kiến thức cho mình, biết thích nghi và phân biệt đúng - sai, để chống lại những thông tin xấu, độc hại. Tới đây Bộ TT-TT sẽ cùng các cơ quan chức năng có những biện pháp toàn diện hơn để ngăn chặn thông tin xấu, độc hại trên mạng.
- Chúng ta đang sống trong một thời đại mà mạng xã hội cập nhật thông tin từng giây, nhưng không phải cái gì cũng chính xác, thậm chí là sai lệch, bịa đặt hoàn toàn. Bộ TT-TT có cơ chế nào để báo chí chính thống có thể cập nhật thông tin nhanh chóng, chính xác để đẩy lùi các thông tin xấu?
Đối với vấn đề này Bộ TT-TT đã có cơ chế người phát ngôn. Để thông tin kịp thời thì trách nhiệm trước hết của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Khi có sự việc, vấn đề liên quan, tác động đến nhiều người thì người phát ngôn phải lên tiếng kịp thời. Bộ TT-TT sẽ yêu cầu tất cả các cơ quan đơn vị thực hiện đúng theo quy chế người phát ngôn đã được Chính phủ quy định.
Chống lại thông tin của các thế lực thù địch, nhất là đấu tranh với thông tin bôi xấu, vu cáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Ngành TT-TT đã và sẽ phối hợp tốt với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan để có kế hoạch đưa thông tin chính thống, đầy đủ đến người dân. Bên cạnh đó chúng ta phải lấy “xây để chống”, đưa thông tin tốt, chính thống của chúng ta một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất để tránh việc lợi dụng và thông tin xấu trong mọi tình huống.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng.
TRẦN LƯU (ghi)