Với 23 di sản quốc gia đặc biệt, 3 di sản được thế giới tôn vinh, năm 2012 vẫn được nhắc đến như năm “lên ngôi” của di sản. Tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều bất cập với nhiều vụ việc nổi cộm như vụ xâm hại chùa Trăm Gian, đình Ngu Nhuế và gần đây nhất là vụ chùa Dơi - Sóc Trăng. PV Báo SGGP đã trao đổi với bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, xung quanh vấn đề này.
- Phóng viên: Thưa bà, từ vụ việc chùa Dơi (Sóc Trăng) có thể thấy việc phân cấp cho địa phương quản lý di tích chưa thực sự hiệu quả. Ở các địa phương, việc phân cấp vẫn chưa rõ ràng và di sản vẫn tiếp tục bị xâm hại, bộc lộ nhiều dấu hiệu bất ổn?
>> Thứ trưởng ĐẶNG THỊ BÍCH LIÊN: Trước hết cần khẳng định, di tích nằm ở xã, huyện, tỉnh nào thì xã, huyện, tỉnh đó có trách nhiệm quản lý theo quy định pháp luật. Khi di tích bị vi phạm, bị tu bổ sai quy cách, cấp xã, huyện thường vin vào lý do phân cấp chưa rõ ràng để né tránh trách nhiệm. Với một số vụ việc về vi phạm di tích, tu bổ di tích không có giấy phép đã phát hiện, xử lý thời gian qua cho thấy công tác quản lý di tích tại một số địa phương còn buông lỏng. Năm 2013, Bộ VH-TT-DL sẽ chỉ đạo các địa phương tập trung vào nhiệm vụ kiện toàn bộ máy quản lý bảo vệ di tích.
- Xã hội hóa công tác tu bổ đã giảm đi gánh nặng ngân sách, đồng thời cũng giảm bớt độ hư hỏng của di tích khi phải thụ động chờ nguồn kinh phí được rót về. Tuy nhiên, thời gian qua cũng bộc lộ nhiều mặt trái, thậm chí nó còn bị cho là “tiếp tay” cho việc phá hủy di tích?
Nếu nguồn kinh phí do dân, các tổ chức đóng góp được thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản thì chất lượng tu bổ tốt, đảm bảo nguyên tắc khoa học. Đúng quy định ở đây là lập dự án, báo cáo kiểm tra kỹ thuật, lập thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sau đó tổ chức tu bổ theo thiết kế. Còn địa phương hoặc các vị trụ trì khi có tiền trong tay, gọi thợ vào làm thì thường không đúng nguyên tắc khoa học về bảo tồn, chỉ muốn làm mới, muốn thay thế cho bền chắc để vài chục năm nữa không phải lo lắng. Thêm đó cũng phải thừa nhận có hiện tượng tâm lý là người ta chỉ thích đóng góp cho các công trình mới. Vì thế bên cạnh việc tuyên truyền, ngành văn hóa và chính quyền các cấp cần phải quản lý chặt và kiên quyết từ chối những đóng góp không phù hợp. Ví dụ đóng góp gạch men, kính… để ốp bàn thờ hoặc lát nền ở di tích kiến trúc truyền thống.
- Với dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực VH-TT-DL đang lấy ý kiến, nhiều chuyên gia về di sản cho rằng mức phạt từ 5 - 15 triệu đồng cho hành vi bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh không đúng nội dung quy hoạch, dự án và thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt là quá nhẹ vì hành vi này gây hậu quả lớn, không thể cứu vãn. Ý kiến của bà về việc này như thế nào?
Vi phạm và xử phạt có nhiều mức độ khác nhau, trong Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự chúng ta còn những quy định xử phạt ở mức độ cao hơn. Tôi mong rằng các địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp xã quản lý tốt địa bàn, kịp thời thông báo các hành vi xâm phạm di tích và tu bổ di tích không có giấy phép để ngành văn hóa và chính quyền cấp trên có thể ngăn chặn ngay mọi vi phạm, ngăn chặn ngay mọi hành động có thể làm tổn hại tới di tích.
Thu Hà (thực hiện)