Nhiều vấn đề nóng như việc buông lỏng quản lý tài chính từ lễ hội, cơ sở tín ngưỡng, hiện tượng đốt đồ mã đã được đưa ra bàn thảo trong hội nghị sơ kết công tác tổ chức và quản lý lễ hội 2012 vừa được Bộ VH-TT-DL tổ chức tại Quảng Ninh. Trao đổi với PV Báo SGGP, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết:
Lễ hội là của dân gian, truyền thống, vì thế Bộ VH-TT-DL luôn nhắc nhở các địa phương không được can thiệp quá sâu vào lễ hội. Lễ hội là của người dân, chính họ là những người thực hành, tôn vinh và tham gia vào việc bảo tồn các lễ hội. Nhưng các sự kiện đông người thì nhà nước phải can thiệp vào ở những quy mô và mức độ khác nhau.
Ví dụ như trước khi lễ hội diễn ra, nếu dự báo số lượng du khách thập phương về đông thì cần phải chủ động báo cáo, phối hợp với chính quyền địa phương lên các phương án giữ gìn về an ninh, trật tự, đảm bảo tài sản, an toàn tính mạng của người dân… Chính quyền địa phương nơi diễn ra các lễ hội phải chịu trách nhiệm về hoạt động diễn ra trên địa bàn. Theo công điện 162/CP thì những khuyết điểm xảy ra trong các lễ hội thì chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.
Nhà nước chỉ định hướng cách quản lý, không có ý định thu hay quản lý khoản tiền công đức. Tuy nhiên, hiện nay xảy ra một số việc là do nội bộ của các di tích, đình, đền, cơ sở tín ngưỡng… có mâu thuẫn, thắc mắc trong việc thu chi tiền công đức. Một số người cúng dường - làm công đức cũng không biết khoản tiền họ đóng góp được dùng vào việc gì, có đúng mục đích hay không.
Đây cũng là vấn đề nhạy cảm và phức tạp nên chúng tôi chưa đưa ra một quy định cụ thể mà giao cho Viện Nghiên cứu, các đơn vị chức năng phối hợp với Bộ Tài chính, Ban Tôn giáo Chính phủ đứng ra làm đề tài nghiên cứu.
VĨNH XUÂN (thực hiện)