Thủ tục đối với mỏ đất san lấp phải thực hiện như đối với một mỏ vàng

Cho rằng thủ tục hành chính quy định tại Luật Khoáng sản hiện hành rất bất cập, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh ví von: "Thủ tục đối với mỏ đất san lấp phải thực hiện như đối với một mỏ vàng".

Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh
Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh

Cuối chiều 22-4, trong khuôn khổ phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Sau khi nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị xem xét bổ sung quy định về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến cát biển thay thế cát sỏi lòng sông.

Lưu ý rằng cả nước có 330 mỏ cát sông với trữ lượng khoảng 2,3 tỷ m3, ông Bùi Văn Cường cho rằng trữ lượng này không thể đủ đáp ứng nhu cầu xây dựng, san lấp. Đó là chưa kể việc khai thác cát, sỏi lòng sông cũng để lại nhiều hệ quả nhãn tiền, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, gây biến đổi dòng chảy, làm sạt lở nhà cửa, đê điều, công trình xây dựng…

Trong khi đó, trữ lượng cát biển của nước ta khoảng 196 tỷ m3, hiện chưa đủ hành lang pháp lý khai thác, sử dụng. Từ đó dẫn đến việc chậm hoặc không thể thăm dò, khai thác, do chưa có quy trình kỹ thuật chuẩn hướng dẫn.

CƯƠNG A.jpeg
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Ông Bùi Văn Cường góp ý: “Để hạn chế và tiến tới dừng khai thác cát sỏi lòng sông, chuyển sang cát biển thay thế thì luật nên quy định về quy hoạch, khai thác cát biển để có cơ sở pháp lý phục vụ nhu cầu sử dụng cát biển trong tương lai”.

HUỆ CHIỀU.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ nhiều nội dung cụ thể trong dự thảo. Dự thảo luật này không đề cập đến dầu, khí nhưng lại có đề cập đến than bùn, than nâu. Thực tế có mỏ than khó khai thác, song khí than lại có thể khai thác. “Điều này dẫn đến có sự giao thoa trong quản lý của Tập đoàn Than - Khoáng sản và Tập đoàn Dầu khí, đòi hỏi vai trò quản lý tổng hợp”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề. Một ví dụ khác là dự thảo đề cập khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, song chưa rõ thẩm quyền quyết định đưa vào dự trữ là của Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành hay địa phương…

Trước đó, khi trình bày tờ trình về dự luật, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cho biết, sau 13 năm thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Nhiều chính sách quan trọng vẫn còn nguyên giá trị và được tiếp tục kế thừa.

HUY CHIỀU.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Thứ nhất, Luật Khoáng sản chưa quy định quản lý nhà nước về địa chất, nhất là quản lý thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; đặc biệt chưa thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất như Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10-2-2022 của Bộ Chính trị đã nêu.

Thứ hai, thủ tục hành chính cấp phép về khoáng sản làm vật liệu san lấp còn phức tạp; chưa phân loại các đối tượng khoáng sản để áp dụng thủ tục hành chính tương ứng, phù hợp. “Thủ tục của mỏ đất san lấp phải thực hiện như một mỏ vàng”, ông Khánh nói.

Thẩm tra dự án luật, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thông tin, đánh giá tác động chính sách đầy đủ hơn đối với các nội dung chính sách mới. Đáng lưu ý, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn các loại khoáng sản nhóm 4 và làm rõ nội hàm khoáng sản “chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp” để đơn giản hóa thủ tục khai thác cát sông, cát biển làm vật liệu san lấp.

Tin cùng chuyên mục