6 tháng của năm 2013 đã đi qua với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và những yếu kém nội tại của nền kinh tế nước ta, nhưng với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN phỏng vấn đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ (ảnh) về kết quả đạt được, cũng như yếu kém cần khắc phục và những định hướng lớn trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2013 và thời gian tiếp theo.
* Phóng viên: Trước hết, xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn TTXVN. Xin Thủ tướng cho biết những kết quả chủ yếu trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2013?
* Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG: Ngay từ đầu năm 2013, Chính phủ đã khẩn trương, quyết liệt lãnh đạo chỉ đạo triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm đã có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Lạm phát được kiểm soát, giá tiêu dùng 6 tháng tăng 2,4%, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong 10 năm qua. Mặt bằng lãi suất liên tục giảm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện. Dư nợ tín dụng tăng khoảng 3,6%, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 7,1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định; dự trữ ngoại hối tăng cao, đạt trên 12 tuần nhập khẩu. Thị trường vàng từng bước được kiểm soát có hiệu quả. Xuất khẩu tăng trưởng khá cao, 6 tháng đạt hơn 62 tỷ USD, tăng trên 16% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 10 tỷ USD, tăng gần 16%; giải ngân đạt trên 5,4 tỷ USD. Vốn ODA giải ngân 6 tháng ước đạt 2,2 tỷ USD, bằng 51,1% kế hoạch cả năm, tăng 10% so với cùng kỳ. Tăng trưởng GDP 6 tháng ước đạt 4,9%, xấp xỉ bằng cùng kỳ năm trước (4,93%) nhưng quý 2 đã có mức tăng 5%, cao hơn quý 1 (4,76%). Sản xuất công nghiệp từng bước được cải thiện. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng dần qua từng tháng; tính chung quý 2 tăng 6%, cao hơn quý 1 (4,5%). Hàng tồn kho giảm. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tuy gặp nhiều khó khăn do thời tiết không thuận lợi, thiên tai, dịch bệnh, nhất là thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, giá nông sản giảm nhưng nhiều sản phẩm có mức gia tăng cao, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn tăng khoảng 2,4%. Khu vực dịch vụ phát triển khá cao; trong đó, tổng mức lưu chuyển bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 2 tăng cao hơn quý 1; tăng trưởng khu vực dịch vụ quý 2 đạt 6,16%, cao hơn quý 1 (5,65%) và tính chung 6 tháng ước đạt 5,92%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2012 (5,29%).
Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn đặc biệt quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho nhân dân, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Dư nợ tín dụng chính sách đến cuối tháng 6 ước đạt trên 118 ngàn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, tập trung vào cho vay ưu đãi hộ nghèo, học sinh sinh viên, giải quyết việc làm. Thực hiện trợ cấp thường xuyên cho khoảng 2,5 triệu đối tượng với tổng kinh phí 9.000 tỷ đồng, xuất cấp không thu tiền gần 45 ngàn tấn gạo cứu đói. Trong 6 tháng đã tạo được trên 700.000 việc làm mới.
Cùng với việc ưu tiên nguồn lực để thực hiện các chính sách hiện có, nhiều chính sách mới được ban hành như hỗ trợ người có công về nhà ở, nâng mức hỗ trợ mệnh giá bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, bổ sung 23 huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư hạ tầng theo Nghị quyết 30a và bổ sung 154 xã vào danh sách xã đặc biệt khó khăn để hỗ trợ đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất, mở rộng hỗ trợ xây dựng nhà ở tránh lũ cho hộ nghèo tại các tỉnh miền Trung. Kết quả xóa đói giảm nghèo của nước ta tiếp tục được quốc tế đánh giá cao. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thông tin truyền thông, văn hóa thể thao tiếp tục được chú trọng. Các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu tố, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh. Công tác đối ngoại được tăng cường. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, kinh tế xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô và việc kiểm soát lạm phát chưa thật vững chắc. Nợ xấu còn cao, tăng trưởng tín dụng thấp, sức mua phục hồi chậm. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Nông nghiệp tăng trưởng thấp. Tăng trưởng kinh tế mới đạt mức tương đương cùng kỳ. Tiến độ thu ngân sách nhà nước và tổng đầu tư toàn xã hội đạt thấp. Bên cạnh đó, việc làm, thu nhập và đời sống của nhân dân chưa được cải thiện nhiều, nhất là hộ nghèo. Tai nạn giao thông tăng cả về số vụ và số người chết so với cùng kỳ năm trước.
* Bên cạnh mục tiêu tập trung phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xin Thủ tướng khái quát những nét nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đặc biệt là việc bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.
* Thời gian qua, các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại được quan tâm lãnh đạo chỉ đạo và đã đạt được những kết quả quan trọng, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tính đến cuối tháng 6 năm 2013, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 181 nước, quan hệ thương mại với trên 200 nước và vùng lãnh thổ, thương mại hai chiều đạt khoảng 126 tỷ USD. Quan hệ với các đối tác ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả hơn. Nước ta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và quan hệ đối tác toàn diện với nhiều quốc gia. Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong ASEAN và cộng đồng quốc tế vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển. Chúng ta đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế phù hợp trên các lĩnh vực. Cùng với việc thực hiện hiệu quả các Hiệp định và thỏa thuận đã có, Việt Nam đang tích cực đàm phán để tham gia một số hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP); FTA Việt Nam - EU; FTA Việt Nam - Hàn Quốc; FTA Việt Nam với Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakstan.
Việt Nam tiếp tục tăng cường quốc phòng và an ninh; nâng cao sức mạnh tổng hợp của quân đội nhân dân và công an nhân dân; quan tâm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập và chủ quyền quốc gia. Lập trường của Việt Nam về hòa bình, ổn định, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, cùng thịnh vượng và bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hiệp quốc, thực hiện nghiêm túc DOC và tiến tới COC, được cộng đồng quốc tế đồng tình ủng hộ.
* Thưa Thủ tướng, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng, thực hiện tốt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Chính phủ sẽ đặt trọng tâm vào những giải pháp nào?
* Trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại, tiềm ẩn nhiều rủi ro; căn cứ thực tiễn tình hình 6 tháng đầu năm, từ nay đến cuối năm Chính phủ sẽ kiên trì thực hiện quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, phấn đấu hoàn thành cao nhất Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Chính phủ tập trung điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp các giải pháp tiền tệ, tài khóa, thị trường giá cả để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng. Chính phủ chỉ đạo tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp với tình hình lạm phát; tăng dư nợ tín dụng theo kế hoạch, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối; quản lý hiệu quả thị trường vàng. Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ thu và kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách nhà nước; thực hiện nghiêm việc tiết kiệm, bảo đảm cân đối ngân sách. Thực hiện tốt giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công đồng thời với việc tăng cường các giải pháp huy động vốn xã hội cho đầu tư phát triển; bố trí vốn đối ứng để giải ngân nhanh vốn ODA; triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn; trình Quốc hội cho phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ để nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A, quốc lộ 14, các dự án cấp bách về thủy lợi, y tế, giáo dục. Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp giãn, hoãn, miễn, giảm thuế; đưa công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng vào hoạt động, tập trung xử lý nợ xấu và giảm hàng tồn kho; tạo mọi thuận lợi cho các doanh nghiệp có khả năng phát triển được vay vốn. Bên cạnh đó, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, triển khai hiệu quả gói hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là đơn giản hóa thủ tục về vay vốn tín dụng, thuế, hải quan, bất động sản... Phát triển mạnh thị trường trong và ngoài nước; tăng cường quản lý, ngăn chặn hiệu quả tình trạng chuyển giá, trốn lậu thuế, buôn lậu, làm hàng giả, hàng kém chất lượng.
Chính phủ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã được phê duyệt gắn với thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương cụ thể hóa thành các chương trình hành động, các đề án với các giải pháp và lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện. Đồng thời tiếp tục triển khai các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục dần tình trạng quá tải ở các bệnh viện và cải thiện chất lượng khám chữa bệnh; nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại học và dạy nghề; chăm lo tốt đời sống người có công. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo phòng tránh thiên tai bão lũ, hạn chế thấp nhất các thiệt hại. Chỉ đạo quyết liệt để giảm tai nạn giao thông và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tăng cường quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Giữ vững an ninh chính trị và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường và chủ động cung cấp thông tin về chỉ đạo điều hành, về cơ chế chính sách, về xử lý những vấn đề xã hội bức xúc và những vấn đề mới phát sinh cho các cơ quan báo chí để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho nhân dân nhằm tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đề cao trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, hoàn thành cao nhất Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.