Hôm qua, tại diễn đàn kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo và trả lời chất vấn của 22 đại biểu Quốc hội về những vấn đề thời sự của đất nước đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Theo dõi trực tiếp qua truyền hình, truyền thanh, bạn đọc báo SGGP đã bày tỏ ý kiến đồng tình với các giải pháp của Chính phủ.
- Đáp ứng mong đợi của nhân dân
Theo tôi, nội dung trả lời chất vấn của Thủ tướng đã nhìn thẳng vào sự thật, đáp ứng được mong đợi của nhân dân, ở cả các mặt nội dung, định hướng và quan điểm đối với các nội dung đó.
Về nội dung, cả 3 vấn đề lớn Thủ tướng nêu là biển đảo, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và việc xây dựng Luật Biểu tình đều là những vấn đề được dư luận quan tâm, theo dõi. Trong đó, thông tin về vấn đề biển đảo thể hiện được sự lắng nghe của người đứng đầu Chính phủ.
Phát biểu của Thủ tướng đã cho thấy quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong việc giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như thể hiện lập trường của Việt Nam về việc giải quyết vấn đề biển đảo: Tôn trọng luật pháp quốc tế, kiên định đường lối hòa bình, kiên quyết xác lập chủ quyền.
Đối với vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, các biện pháp phục hồi thị trường chứng khoán và bất động sản, khắc phục chênh lệch lớn giá vàng trong và ngoài nước, giảm lạm phát, ổn định đời sống người dân được trình bày rất cụ thể. Việc ưu tiên giải quyết hài hòa giữa vấn đề kinh tế vĩ mô và vi mô là rất cần thiết, không chỉ thể hiện quan điểm toàn diện mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước.
Về việc xây dựng Luật Biểu tình, phát biểu của Thủ tướng góp phần giải tỏa những mối nghi ngờ về tính cần thiết, tác dụng tích cực của luật này trong đời sống. Có Luật Biểu tình không chỉ đáp ứng các quyền tự do, dân chủ của người dân mà còn thực hiện Hiến pháp một cách đầy đủ, tiến bộ, phù hợp với tinh thần pháp chế XHCN ngày càng được nâng cao ở xã hội ta.
Về định hướng, các giải pháp của Thủ tướng nêu ra nhìn chung đã “chẩn đúng bệnh, kê đúng thuốc” với tính khả thi cao. Về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, như kiểm soát lạm phát, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, đảm bảo bội chi ngân sách dưới 4,8% GDP, giữ tỷ lệ nợ công ở mức an toàn, cải thiện cán cân thanh toán, giảm nhập siêu và tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, kéo dài thời gian hỗ trợ thuế và các ưu đãi phù hợp cho doanh nghiệp, thực hiện phương án tổng thể tái cơ cấu các tập đoàn nhà nước... đều là những vấn đề mang tính sống còn của nền kinh tế. Trong lúc kinh tế thế giới vẫn còn biến động khó lường, các giải pháp này có khả năng giúp ổn định thị trường, kích thích đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, giảm tình trạng chôn vốn trong nhân dân... Như vậy, đã xác định được “bệnh”, đã có “toa thuốc”, vấn đề còn lại là việc “uống thuốc” như thế nào để “bệnh” sớm khỏi.
Có thể thấy, thái độ của Thủ tướng nói riêng và của Đảng, Chính phủ nói chung là thẳng thắn, mạnh dạn nhìn thẳng vào thực trạng, thực tế và thể hiện quyết tâm cao. Chẳng hạn, Thủ tướng nhìn nhận lạm phát đã giảm dần nhưng mức lạm phát cả năm vẫn cao, lãi suất chưa giảm nhiều, nợ xấu ngân hàng tăng, chứng khoán, bất động sản trầm lắng, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn... là những vấn đề đang tồn tại, cần giải quyết kịp thời. Đây có thể coi là một bước tiến nữa trong cung cách quản lý, điều hành của Chính phủ: không tránh né các vấn đề gai góc, các vấn đề được dư luận quan tâm, các vấn đề phản ánh sâu sắc nguyện vọng của nhân dân.
Nguyễn Minh Hải (Q.1, TPHCM)
- Các giải pháp điều hành rất thuyết phục
Tôi rất đồng tình với những giải pháp Thủ tướng đưa ra về cơ cấu lại nền kinh tế và hệ thống ngân hàng, kiềm chế lạm phát, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thuế, cải thiện môi trường đầu tư…
Thủ tướng đã thông tin rất cụ thể biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó khẩn trương chuẩn bị dự án Luật Đầu tư công, sửa Luật Ngân sách. Đây là 2 định chế cơ bản và nòng cốt của nền kinh tế nhằm đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh và củng cố tài chính có liên quan tới ngân hàng, tổ chức lại hệ thống ngân hàng theo kiểu mới.
Về chương trình xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng cam kết sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện, bố trí nguồn lực thích hợp cho nông thôn - nông dân - nông nghiệp. Bên cạnh đó, chính phủ cũng chú trọng vấn đề giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Những giải pháp đó đều xác đáng, phù hợp ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Trong bối cảnh nhiều vấn đề xã hội đang gây bức xúc trong nhân dân ở các thành phố lớn, tôi thấy Thủ tướng đã xác định đúng những trọng tâm, trọng điểm: đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về giải quyết tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông để huy động tổng lực kiềm chế “quốc nạn” này.
Theo tôi, nội dung giải trình của Thủ tướng có sức thuyết phục, để người dân tin tưởng, đồng lòng cùng chính phủ thực hiện tiếp những kế hoạch, chương trình kinh tế - xã hội.
Vương Liêm (UBMTTQ quận 1, TPHCM)
- Chú trọng thông tin thời sự
Trả lời chất vấn tại diễn đàn kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và thông tin với đại biểu Quốc hội và nhân dân về chủ trương của Chính phủ đối với thực hiện chủ quyền ở quần đảo Trường Sa như thế nào, đồng thời đề cập cách đúng đắn để người dân biểu thị lòng yêu nước. Theo tôi, việc thông tin với dân về vấn đề thời sự này là điều cần thiết và thể hiện tinh thần trách nhiệm.
Nhân dân ta rất yêu nước và rất có trách nhiệm với vận mệnh của đất nước. Người dân, nhất là các bạn trẻ đang rất cần tìm hiểu thông tin về vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa để có nhận định và ứng xử phù hợp.
Tôi nhớ lại những năm sau ngày giải phóng, dù phải lo học hành, bươn chải kiếm sống nhưng tôi và các bạn cùng trang lứa vẫn thường xuyên dành thời gian đi nghe các buổi nói chuyện thời sự do Nhà văn hóa Thanh niên, Thư viện Quốc gia và Bảo tàng Cách mạng TPHCM tổ chức. Lúc bấy giờ diễn giả là những người rất có uy tín và tài hùng biện như Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng… và nhiều chính khách, nhà văn, nhà báo tên tuổi. Những thông tin mà tôi tiếp nhận được từ những buổi nói chuyện thời sự đó mãi đến giờ vẫn để lại ấn tượng sâu đậm cho tôi về lòng tự hào với lịch sử dân tộc, tình cảm trân trọng đối với phẩm chất con người Việt Nam. Và cũng từ những cuộc nói chuyện thời sự đó mà cả một thế hệ đã bền bỉ và quả cảm vượt qua những ngày đất nước gian khó: bị bao vây cấm vận, kinh tế suy sụp, vừa chống ngoại xâm ở biên giới phía Bắc vừa dẹp giặc ở chiến trường Tây Nam.
Khi mọi người Việt Nam yêu nước đều đang quan tâm về việc bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa, tôi thấy, cần phải có những cuộc nói chuyện thời sự về vấn đề này, với diễn giả là những nhà sử học, nhà ngoại giao, nhà quân sự để trình bày cho các bạn trẻ hiểu thấu đáo về địa lý, lịch sử, tình hình Hoàng Sa - Trường Sa; với diễn giả là những sĩ quan hải quân, nhà báo đã có mặt ở Trường Sa để kể cho các bạn trẻ về cuộc sống, chuyện vui buồn, gian khó của những người lính ở Trường Sa. Những thông tin đó sẽ rất có ích, qua đó sẽ giúp các bạn trẻ hiểu rõ đối sách của Nhà nước để không hoang mang, không dao động, và biết hành động thiết thực bằng việc hết lòng gắn bó tiếp thêm niềm tin và ý chí cho các chiến sĩ ở Trường Sa.
Nguyễn Minh Thanh (Q.8, TPHCM)