Thủ tướng Malaysia tuyên bố ngừng tìm kiếm ở biển Đông

Thủ tướng Malaysia tuyên bố ngừng tìm kiếm ở biển Đông

Vụ máy bay số hiệu MH370 mất tích:

(SGGPO) .- Phát biểu trong cuộc họp báo trưa 15-3 (ảnh), Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết chiến dịch tìm kiếm máy bay số hiệu MH370 mất tích cách đây 1 tuần đã chấm dứt ở biển Đông và đang chuyển sang giai đoạn mới. Thủ tướng Malaysia cho biết có nhiều khả năng hệ thống báo cáo dữ liệu trên chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị vô hiệu hóa trước khi ra khỏi phía Tây Malaysia.

Tuy nhiên, ông tái khẳng định các nhà điều tra vẫn đang xem xét khả năng không tặc và nguyên nhân gây ra vụ mất tích. Thủ tướng Razak cho rằng hành trình của chiếc máy bay phù hợp với hành động có chủ ý của một người nào đó trên máy bay. Thủ tướng Malaysia nói thêm rằng các nhà điều tra giờ đây tập trung điều tra phi hành đoàn và hành khách. “Chúng tôi hy vọng thông tin mới này sẽ giúp chúng ta tiến gần đến việc tìm ra chiếc máy bay”, báo The Straits Times dẫn lời ông.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết sau khi mất tín hiệu khỏi radar dân sự vào lúc 1 giờ 30 (giờ Malaysia) ngày 8-3 trước khi vào khu vực kiểm soát không lưu của Việt Nam, máy bay tiếp tục bay băng qua lãnh thổ Malaysia vào Ấn Độ Dương và lần cuối cùng cuối cùng máy bay liên lạc với vệ tinh là lúc 8 giờ 11. Ông cho rằng tín hiệu này được radar quân sự và vệ tinh cung cấp và cho biết thêm rằng các nhà điều tra đang tính toán hành trình cụ thể của chiếc máy bay sau thời điểm mất liên lạc với radar dân sự

Cũng theo Thủ tướng Malaysia, cho đến nay, các chuyên gia đã xác định được điểm cuối cùng của máy bay từ 2 khu vực rộng lớn: một là hành lang hành lang phía Bắc kéo dài từ biên giới của Kazakhstan và Turkmenistan tới miền Bắc Thái Lan và một hành lang phía Nam trải dài từ Indonesia đến phía Nam Ấn Độ Dương

Thủ tướng Malaysia cho biết sau khi kết thúc tìm kiếm ở khu vực biển Đông, Malaysia đang làm việc với các nước có liên quan để yêu cầu tất cả cung cấp các thông tin liên quan đến việc tìm kiếm, bao gồm cả dữ liệu radar.

Về việc nhiều hành khách thất vọng với việc cung cấp thông tin từ Malaysia, Thủ tướng Razak cho biết Malaysia hiểu được sự bức xúc về thông tin chiếc máy bay nhưng nước này chỉ có thể cung cấp thông tin khi đã được kiểm chứng. “Đây là khoảng thời gian hết sức căng thẳng với những gia đình có người thân trên máy bay”, ông nói.

Về việc một quan chức Malaysia tiết lộ rằng kết quả điều tra cho thấy máy bay bị không tặc, báo Telegraph dẫn lời ông Azharuddin Abdul Rahman, người đứng đầu ủy ban điều tra chuyến bay MH370 nói: “Chưa thể kết luận. Tôi là người đứng đầu ủy ban điều tra và không ai nói như vậy. Điều đó không đúng”.

Trước đó, AP và báo The Star ngày 15-3 dẫn lời một quan chức Chính phủ Malaysia giấu tên cho biết, các nhà điều tra Malaysia đã có kết luận chiếc máy bay Boeing 777-200 của Hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) mất tích cách đây 1 tuần đã bị không tặc.

Theo quan chức này, máy bay bị ít nhất một người có kinh nghiệm về điều khiển máy bay bắt cóc sau đó tắt các thiết bị liên lạc và chuyển hướng đường bay.

Một tư lệnh của Indonesia đang nghiên cứu đường bay của chuyến bay MH 370 trong khu vực Malacca

Một tư lệnh của Indonesia đang nghiên cứu đường bay của chuyến bay MH 370 trong khu vực Malacca


Quan chức Malaysia này cho biết ông là thành viên ủy ban điều tra nhưng cho biết ông không thể cung cấp danh tính vì không có thẩm quyền phát ngôn với báo chí. Cũng theo ông này, hiện vẫn chưa rõ mục đích của vụ không tặc, yêu cầu của nhóm không tặc và số phận chiếc máy bay. 

Ông này nói rằng bằng chứng vụ không tặc ở chỗ hệ thống liên lạc của máy báy được tắt cố ý cách rời nhau (tin trước đó cho là cách nhau 14 phút). Ngoài ra các dữ liệu về đường bay cho thấy máy bay rời đường bay để tránh bị radar phát hiện.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng có khả năng chính phi công thực hiện vụ không tặc theo kiểu liều chết như đã từng xảy ra trong vụ rơi máy báy của hãng SilkAir trong chuyến bay từ Singapore đến Jakarta (Indonesia) vào năm 1997 và một chuyến bay của hãng EgyptAir (Ai Cập).

* Theo báo the Star, chiều 15-3, cảnh sát Malaysia bắt đầu lục soát nhà cơ trưởng chiếc máy bay số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines sau khi Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho rằng máy bay có thể bị ai đó cố tình tắt các hệ thống liên lạc.

Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, được xem là phi công có kinh nghiệm với giờ bay trên 18.000 giờ.  Ông gia nhập Malaysia Airlines (MAS) ngay sau khi kết thúc khóa huấn luyện phi công.

Theo Atraits Times, hầu hết bạn và người thân của cơ trưởng Shah cho biết ông hiền lành, tốt bụng và rất đam mê nghề lại là phi công rất được hãng MAS kính trọng.


  • Các hệ thống liên lạc với máy bay dân sự

1: Vệ tinh: Cung cấp cho máy bay về vị trí của nó thông qua hệ thống định vị GPS

2: Radar: Từ mặt đất, radar giúp máy bay xác định phương hướng, tầm bay và vị trí của máy bay. Radar có thể yêu cầu máy bay truyền về tín hiệu chứa thông tin về vị trí, tốc độ, tốc độ và hướng bay. Một số trường hợp máy bay vẫn được radar quân sự theo dõi.

3: Đài kiểm soát không lưu: nơi tiếp nhận và xử lý dữ liệu từ máy bay gửi về

Ngoài ra máy bay còn có hệ thống báo cáo và diễn đạt thông tin xuống mặt đất (ACARS) sử dụng sóng radio hoặc vệ tinh.

Diễn biến 8 ngày truy tìm tông tích máy bay MH370

Ngày 8-3:

- Máy bay Boeing 777 mất liên lạc với radar dân sự lúc 1 giờ 30 (giờ Malysia), khoảng gần 1 giờ sau khi cất cánh từ sân bay Kuala Lumpur dự kiến tới Bắc Kinh. Nhà chức trách trước đó cho rằng máy bay mất lạc lúc 2 giờ 40.

- Việt Nam cho biết máy bay mất liên lạc trước khi vào vùng kiểm soát không lưu của Việt Nam và bắt đầu chiến dịch tìm kiếm sau đó có sự tham gia của nhiều nước, kể cả Mỹ và Nhật Bản.

- Người thân của 153 hành khách người Trung Quốc giận dữ chỉ trích hãng hàng không Malaysia Airlines thiếu thông tin.

- Việt Nam phát hiện 2 vệt dầu nhưng sau đó xác định không liên quan đến máy bay mất tích.

- Xuất hiện thông tin 2 hành khách khối EU mất hộ chiếu

Ngày 9-3:

- Malaysia cho biết họ đang điều tra khả năng máy bay bị khủng bố. FBI Mỹ cử nhân viên tới Malaysia hỗ trợ điều tra .

- Malaysia bắt đầu gợi ý rằng chiếc máy bay có thể đổi hướng hoàn toàn, thậm chí có khả năng quay lại sân bay Kuala Lumpur mà không rõ lý do.

- Một chiếc máy bay Việt Nam phát hiện vật thể giống mảnh vỡ ở phía Tây Nam Việt Nam sau đó kết luận không liên quan đến máy bay.

Ngày 10-3:

- Các nhà chức trách tăng gấp đôi bán kính tìm kiếm đến 100 hải lý (tương đương 185 km) xung quanh điểm mà MH370 biến mất khỏi radar .

- Trung Quốc thúc ép Malaysia đẩy nhanh tốc độ điều tra.

Ngày 11 tháng 3:

- Diện tích tìm kiếm hiện nay bao gồm đất liền trên bán đảo Malaysia,  vùng biển phía Tây Malaysia và cả vùng biển phía Bắc của đảo Sumatra.

- Các nhà chức trách xác định hai người đàn ông với hộ chiếu bị đánh cắp trên máy bay là 2 thanh niên người Iran được cho là những người nhập cư bất hợp pháp - không phải nghi can khủng bố.

Ngày 12 tháng 3:

- Malaysia mở rộng vùng tìm kiếm bao gồm eo biển Malacca và biển Andaman, cách nơi mất tín hiệu ban đầu hàng trăm cây số.

- Lực lượng không quân của Malaysia cho biết phát hiện một vật thể chưa xác định trên radar quân sự phía Bắc của eo biển Malacca vào sáng sớm 8-3, chưa đầy 1 giờ sau khi máy bay mất liên lạc.

- Tại một cuộc họp báo, các quan chức Malaysia phủ nhận rằng việc tìm kiếm diễn ra trong tình trạng hỗn loạn sau khi Trung Quốc cho rằng quá nhiều thông tin trái ngược nhau.

Ngày 13- 3:

- Malaysia bác bỏ bài báo trên tờ Wall Street Journal cho rằng các nhà điều tra Mỹ dựa trên dữ liệu gửi từ máy bay nghi ngờ chiếc máy bay đã bay quá 4 giờ sau khi mất liên lạc.

- Các nhà chức trách ở Kuala Lumpur cho rằng hình ảnh vệ tinh của Trung Quốc nghi ngờ các mảnh vụn máy bay ở  biển Đông là không chính xác.

- Ấn Độ điều máy bay đến đảo Andaman và Nicobar tham gia tìm kiếm.

Ngày 14 – 3:

- Chiến dịch tìm kiếm lan sang Ấn Độ Dương sau khi Nhà Trắng dẫn nguồn tin không xác định cho rằng chiếc máy bay có thể tiếp tục bay sau khi mất liên lạc .

- Malaysia từ chối bình luận của thông tin từ truyền thông Mỹ dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết hệ thống thông tin liên lạc của máy bay  tiếp tục gửi tín hiệu “ping” tới một vệ tinh nhiều giờ sau khi biến mất, cho thấy nó có thể bay một khoảng đường rất xa.

Ngày 15-3:

- Một quan chức quân sự cấp cao của Malaysia nói với AFP rằng các máy bay di chuyển về phía Ấn Độ Dương do một phi công điều khiển.

- Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak họp báo với nhiều thông tin bất ngờ trong đó có quyết định ngừng tìm kiếm máy bay ở biển Đông.

- Việt Nam và Thái Lan tuyên bố ngừng chiến dịch tìm kiếm ở biển Đông và Vịnh Thái Lan.


Thụy Vũ

Dừng tìm kiếm máy bay mất tích trên lãnh hải Việt Nam

(SGGPO).- Chiều 15-3, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết,  Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về tìm kiếm cứu nạn Hoàng Trung Hải đã thông qua quyết định dừng tìm kiếm máy bay của Malaysia mất tích nghi trên vùng lãnh hải Việt Nam. 

Quyết định này được đưa ra sau khi Thủ tướng Malaysia tuyên bố việc tìm kiếm chiếc máy bay MH370 tại biển Đông đã kết thúc và hai điểm nóng mới được xác định là hành lang phía Bắc trải dài từ biên giới Kazakhstan, Turkmenistan đến phía Bắc Thái Lan và hành lang phía Nam trải dài từ Indonesia đến phía Nam Ấn Độ Dương.

Theo Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu, trong hành trình tìm kiếm vừa qua, Việt Nam đã huy động tổng lực và điều hành hoạt động hết sức chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn cho các lực lượng tìm kiếm và không bỏ qua bất cứ một thông tin báo nạn nào. Thông tin từ Sở Chỉ huy cứu nạn hàng không cũng cho biết, yêu cầu dừng hoạt động đối với máy bay và tàu của nước ngoài đang hoạt động trên vùng thông báo bay (FIR), vùng biển Việt Nam cũng đã được đưa ra sau khi sau khi có quyết định dừng tìm kiếm máy bay mất tích tại vùng lãnh hải Việt Nam, đồng thời các cơ quan chức năng sẽ đôn đốc thường xuyên để việc quản lý trong khu vực đi vào ổn định trở lại. 

QUỐC KHÁNH- BÍCH QUYÊN

>> Vụ máy bay Malaysia Airlines chở 239 người mất tích: Mỹ đưa tàu và máy bay đến Ấn Độ Dương

Tin cùng chuyên mục