(SGGP).- Ngày 26-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2016 của ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn và chỉ đạo triển khai những kế hoạch, giải pháp trong năm 2017.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực và thành tích lớn của ngành nông nghiệp trong năm 2016, như tái cơ cấu nông nghiệp đã có chuyển biến, xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, có 10 mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, xuất khẩu rau quả đạt 2,1 tỷ USD…; đồng thời biểu dương vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng như tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn của hàng triệu bà con nông dân. Thủ tướng nhấn mạnh, chưa bao giờ trong vòng 10 năm qua mà nước ta lại đón nhận nhiều thiên tai dồn dập như năm 2016. Thiên tai cùng với nhân tai đã làm chúng ta thiệt hại nặng nề về người và của, mất đi 1,7 tỷ USD. Chỉ riêng đợt lũ lụt vừa qua ở 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã làm thiệt hại khoảng 4.000 tỷ đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết ngành NN-PTNT 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra các mặt tồn tại, bất cập trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, cần khắc phục thời gian tới, như: chưa bỏ được hạn điền; sản xuất nhỏ lẻ manh mún; khoa học - công nghệ trong nông nghiệp chưa tương xứng; lao động trong khu vực nông thôn còn quá lớn; chưa quản lý tốt đầu vào của ngành nông nghiệp; việc sắp xếp các nông lâm trường, hệ thống thủy lợi còn bất cập; nhiều địa phương có tiềm lực nhưng chưa khai thác hết; lãng phí đất và xâm hại rừng…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trước mắt phải khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi sản xuất. Các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để có một vụ đông xuân thắng lợi, đồng thời lo tết cho bà con ở vùng thiên tai. Ngành nông nghiệp và các bộ ngành liên quan phải rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo động lực cho phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh, những thể chế nào, chính sách nào ràng buộc nông nghiệp, nông thôn không phát triển được hoặc chậm phát triển, kiến nghị bãi bỏ, nhất là những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì càng phải bãi bỏ sớm. Còn những việc thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, của Trung ương, của Quốc hội thì báo cáo sớm. Cả hệ thống chính trị phải quan tâm đến nông nghiệp nông thôn, giám đốc sở NN-PTNT phải là người giỏi, trưởng phòng nông nghiệp các huyện phải là người thao lược về nông nghiệp để đưa vùng đất của mình đi lên.
VĂN PHÚC