Ngày 21-11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố giải tán Hạ viện để tổ chức bầu cử ngày 14-12 tới. Chiến dịch vận động tranh cử sẽ chính thức bắt đầu trên cả nước từ ngày 2-12.
Các đảng soạn sẵn cương lĩnh tranh cử
Quyết định này được đưa ra sau khi chính phủ công bố các số liệu cho thấy kinh tế sụt giảm trong hai quý liên tiếp - dấu hiệu cho thấy tác động của đợt tăng thuế từ 5% lên 8% hồi tháng 4 vừa qua nghiêm trọng hơn so với tính toán. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình hàng năm giảm 1,6% trong quý 3, sau cú sụt giảm mạnh chưa từng thấy 7,3% vào quý trước.
Đảng Dân chủ tự do (LDP) của ông Abe đã soạn thảo những nét chính trong cương lĩnh tranh cử mới. Theo dự thảo cương lĩnh, khẩu hiệu tranh cử Hạ viện lần này của LDP là “Phục hồi kinh tế, con đường duy nhất”, với 4 trụ cột chính, gồm: tái sinh kinh tế và tái thiết tài chính, phát triển địa phương, thúc đẩy bình đẳng giới và đối phó tình trạng giảm tỷ lệ sinh, an ninh, an tâm và tái sinh nền giáo dục, ngoại giao và an ninh. Trong dự thảo cương lĩnh tranh cử sắp tới, LDP nhấn mạnh thành quả của Abenomics là cải thiện việc làm, tăng giá chứng khoán, đồng thời nhắc đến việc hoãn tăng thuế tiêu dùng 18 tháng so với kế hoạch ban đầu, theo đó mức thuế sẽ được áp dụng là 10% vào tháng 4-2017.
Ông Abe muốn tiếp tục theo đuổi chính sách Abenomics, chấn hưng kinh tế Nhật Bản.
Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), đảng đối lập lớn nhất hiện nay, cho biết sẽ công bố cương lĩnh tranh cử ngày 25-11 tới. Trong cương lĩnh tranh cử, DPJ nhấn mạnh đến các chính sách trái ngược với Abenomics. Đảng này chủ trương đề ra các chính sách tăng cường tiêu dùng trong nước thông qua việc thực thi việc hỗ trợ nuôi dạy trẻ và ổn định thị trường việc làm đồng thời chỉ rõ ảnh hướng tiêu cực của đồng yên giảm giá đối với sự ổn định của tiền tệ, khiến giá cả leo thang.
Tìm lối thoát nơi nguy hiểm
Mục đích của ông Abe trong cuộc bầu cử lần này là đánh giá phản ứng của công chúng trước quyết định tăng thuế tiêu dùng trong bối cảnh xuất hiện những dấu hiệu yếu kém của kinh tế Nhật Bản và thúc đẩy trở lại sự ủng hộ đối với chính sách Abenomics nhằm chấm dứt tình trạng giảm phát.
Đài Phát thanh quốc tế Pháp (RFI) bình luận về hành động giải tán Hạ viện của ông Abe như sự lựa chọn của một Samurai tự tin và có tính toán: đi vào nơi nguy hiểm nhất để tìm lối thoát. Theo ý kiến chung của các nhà phân tích Nhật Bản, kể cả phe đối lập cánh tả, hiện ông Abe không có gì để mất. Không phải vô tình mà thời điểm giải tán Hạ viện được thực hiện ngay sau cuộc gặp cấp cao lịch sử giữa Thủ tướng Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị APEC diễn ra ở Bắc Kinh. Đây được coi là dấu son đáng ghi nhận trong hồ sơ tranh cử Hạ viện sắp tới, lấy thành tích đối ngoại để bù đắp cho khiếm khuyết của các chính sách kinh tế chưa phát huy hết hiệu lực nhằm tranh thủ thêm một số lượng nhất định các cử tri có xu hướng thiên tả ở Nhật Bản.
Tuy nhiên, không phải chiến thắng đã hoàn toàn ở trong tầm tay của liên minh cầm quyền bởi vẫn còn rất nhiều vấn đề mà chính quyền Abe phải thực hiện trong thời gian tới như việc thúc đẩy các nỗ lực nhằm thoát khỏi trình trạng giảm phát; vấn đề tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân; tăng cường vai trò của Lực lượng phòng vệ (SDF) trong các hoạt động bên ngoài lãnh thổ; di chuyển Căn cứ không quân Futenma ở Okinawa; soạn thảo định hướng quốc phòng song phương Nhật-Mỹ...
Hơn nữa, sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Shinzo Abe đang ở mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức. Trong một khảo sát do nhật báo Asahi Shimbun tiến hành, chỉ có 39% số người được hỏi nói họ ủng hộ ông Abe, giảm 3% so với cuộc khảo sát tiến hành hồi đầu tháng, tỷ lệ không ủng hộ là 40%. Một khảo sát của hãng tin Kyodo còn cho thấy gần 2/3 số cử tri không hiểu tại sao lại tổ chức bầu cử sớm.
VIỆT ANH (tổng hợp)