1. Điều đầu tiên tôi xúc động ở ba tôi là tình cảm đối với mẹ tôi. Sau khi xây dựng gia đình (tháng 10-1946), ông đi vào hoạt động ở Liên khu 5, mấy năm sau mới thu xếp được cho vợ là bà Phạm Thị Cúc vào ở cùng. Hồi đó, việc đi lại rất gian khổ, chú Việt Phương (thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng) đưa bà đi đường bộ mấy tháng trời mới vào đến nơi. Đến nơi thì ba tôi lại được lệnh ra Bắc, nên bà lại lặn lội trở ra. Sự gian khổ vì nhiều tháng ròng rã đi bộ, lại mong ngóng tin chồng nên mẹ tôi đã phát bệnh. Sau khi sinh tôi, năm 1951, mẹ tôi bị bệnh “nửa quên nửa nhớ” và mãi vẫn không khỏi.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp Đoàn đại biểu Hội đồng Hòa bình thế giới do ông Rômét Chanđra dẫn đầu sang thăm Việt Nam năm 1978
Điều đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh gian khổ, thất lạc thông tin, nhiều bác khác tìm người phụ nữ khác, nhưng ba tôi cả cuộc đời đã trọn vẹn với mẹ tôi. Sự trọn vẹn đó thể hiện rất sâu sắc qua những gì ba đã làm cho mẹ tôi. Vì công việc, ba tôi ở trong Phủ Chủ tịch, còn mẹ ở ngoài cho tiện việc điều trị. Dù không ở chung nhưng ông rất quan tâm, chăm lo dạy bảo tôi, nhờ anh chị em trong cơ quan từ những việc bú mớm cho đến việc học hành sau này...
Đối với mẹ tôi, ông luôn nghĩ rằng mình có lỗi, luôn trăn trở về trách nhiệm của mình đối với vợ. Ông luôn đau đáu về chuyện không chữa khỏi bệnh cho bà, dù đã cố gắng đưa bà đi ra cả nước ngoài (Liên Xô, Trung Quốc) nhưng không có kết quả. Tuần nào ông cũng đến thăm mẹ tôi nhiều lần hoặc mời bà đến chỗ ông và bao giờ cũng có quà. Lúc ba bận, ba dặn tôi mang quà ra cho mẹ, gói gém theo tình cảm của ông dành cho bà, khi về ba lại bảo tôi kể lại những gì tôi đã chăm sóc, đã làm với bà. Khi đi nghỉ ở đâu ông cũng đưa bà theo. Tôi nhớ như in hình ảnh ba tôi ngồi bên cạnh mẹ tôi, cầm tay bà cả giờ đồng hồ, dù bà không nói chuyện được. Đó không chỉ đơn thuần là sự quan tâm, đó là cả một tình yêu thương sâu sắc, một nghĩa tình sâu thẳm. Tình cảm của ba đối với mẹ rất đằm thắm và chung thủy. Có lần người nhà mẹ gợi ý ông nên làm bạn với người phụ nữ khác, còn mẹ sẽ được gia đình trông nom. Nhưng ông dứt khoát không chịu và tiếp tục sống như vậy để chăm sóc vợ.
2. Ai cũng khẳng định ba tôi là một nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp lớn. Ở góc độ một người con, tôi hiểu rằng ba tôi là một người sống rất tình cảm, không chỉ rất yêu thương vợ con mà còn đặc biệt quan tâm đến tất cả mọi người. Trong cơ quan, ông quan tâm đến những người gần gũi của mình, từ người thư ký, nấu bếp, làm vườn, người bảo vệ. Ông thường xuyên mời họ đến gặp gỡ để hỏi han, tổ chức ăn cơm với cả gia đình họ rất thân tình. Những người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt ba sẽ quan tâm nhiều hơn. Bất cứ ai gửi thư nhờ ba giúp đỡ thì dù việc nhỏ ba cũng tận tâm giải quyết, có những việc phải mất trong nhiều năm. Hầu hết những người đã từng viết thư cho ba đều được ông trả lời. Có người viết hàng chục lá thư, tâm sự về những khúc mắc cuộc đời nhờ ba giúp đỡ. Ba tôi trả lời thư đều đặn, giúp đỡ tận nơi mà không hề biết mặt người đã trao đổi với mình bao nhiêu tâm tư trong suốt một thời gian dài. Có trường hợp do báo cáo của tổ chức mà xử lý kỷ luật cán bộ cấp cao, nhưng sau một thời gian dài tìm hiểu, khẳng định có oan sai, ba tôi trực tiếp gọi họ lên để xin lỗi.
Tác phong làm việc của ba cũng gây ấn tượng sâu sắc với tôi. Vào cuối đời, mắt ba tôi bị kém nhưng đi đến đâu tác phong làm việc ba tôi vẫn giữ nguyên, đó là không chỉ nghe báo cáo mà luôn hỏi lại ý kiến của mọi người, không phân biệt già hay trẻ để rõ thực tiễn, ba cũng luôn ghi chép rất chi tiết, chuẩn bị cẩn thận ý kiến phát biểu.
Nhiều người hay hỏi tôi rằng có người cha là một nhà lãnh đạo tầm cỡ như vậy, đâu là những kỷ niệm đáng nhớ nhất? Tình cảm, kỷ niệm với ba tôi là vô tận, không thể kể hết, nhưng ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là hàng ngày nhìn thấy ba sống rất liêm khiết, gần gũi, tình cảm, được mọi người rất quý mến. Ba tôi sống cực kỳ đơn giản, cái gì cũng mang cho hết, vì vậy trong nhà không bao giờ có gì. Thậm chí khi còn sống, lúc cần giúp đỡ người này người nọ, ba tôi lại nhờ tôi giúp về mặt tiền bạc. Khi ba mất đi, tiền cũng không hề có. Có lẽ, đó là điều sâu sắc, niềm hạnh phúc nhất khi thấy cha mình được mọi người quý mến không phải vì cương vị lãnh đạo mà vì tình cảm, đức sống giản dị. Một điều may mắn là ba tôi được ở gần Bác Hồ, học tập ở Bác Hồ rất nhiều - một lối sống tình cảm, giản dị, gần gũi mọi người, tác phong làm việc rất nghiêm túc. Đó là những điều mà tôi không bao giờ quên, bản thân tôi cũng học tập sự nghiêm túc trong công việc nhưng giản dị, chan hòa trong cuộc sống, gần gũi tất cả mọi người, từ những người bình thường nhất.
Với tôi, ba tôi rèn giũa rất nghiêm. Ba dặn dò từ những cái nhỏ nhất, như trong bữa ăn phải nhường thứ ngon nhất cho người lớn, khi gắp thức ăn không được lựa, nếu nhiều thức ăn quá thì phải sẻ bớt cho người khác, ăn uống phải sạch sẽ, tiết kiệm, không để thừa. Khi tôi hư thì ba mắng, nhưng sau đó thì lại tâm sự ba con, ba xin lỗi tôi rồi bảo ba mong con thế này thế nọ. Trong cả quá trình từ bé đến lớn, sự dạy dỗ của ba tạo cho tôi ấn tượng, những gì ba dặn thì tôi phải ghi nhớ. Sau này, trước khi mất, ba nói với tôi rằng “ba không có tiền của để lại, chỉ để lại một sự nghiệp, rằng tôi là người của nhà nước nên nhà nước sẽ lo cho tôi”. Và ba không quên yêu cầu tôi chăm sóc mẹ chu đáo. Tôi hiểu rằng, ba đã giản dị nhưng vậy thì mình cũng phải sống xứng đáng với người cha của mình. Tôi cũng đã giáo dục con mình theo cách ba đã giáo dục tôi, vì vậy bây giờ 2 đứa con tôi cũng rất ngoan, tự lập. Tôi có 2 người con: con trai Quốc Hoa (sinh năm 1994), con gái Quốc Hương (sinh năm 1997). Tên của Quốc Hoa và Quốc Hương đều là do ba tôi đặt, ý là “hoa, hương của đất nước”. Chúng tôi luôn ý thức phải giữ gìn lối sống của ông, phải noi theo, rèn giũa bản thân cho xứng với ông…
Thiếu tướng PHẠM SƠN DƯƠNG
Con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
LÂM NGUYÊN (ghi)