Thủ tướng Phan Văn Khải và sự quan tâm đổi mới, hội nhập quốc tế

Một trong những mốc son trong thời kỳ anh Sáu làm Thủ tướng là việc thúc đẩy Việt Nam và Hoa Kỳ hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại Song phương, đánh dấu bước tiến lịch sử trong quá trình bình thường hóa quan hệ hoàn toàn giữa hai nước.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải gặp gỡ các đại biểu dự họp mặt truyền thống Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định vào ngày 23-2-2015. Ảnh: VIỆT DŨNG
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải gặp gỡ các đại biểu dự họp mặt truyền thống Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định vào ngày 23-2-2015. Ảnh: VIỆT DŨNG
LTS: “Để kể những kỷ niệm và những điều học tập từ một nhân cách lớn, một tấm lòng sắc son vì Dân, vì Nước như anh Sáu Phan Văn Khải thì không biết bao nhiêu giấy bút, bao nhiêu lời văn cho đủ. Chỉ có thể nói rằng, đó là một nhà lãnh đạo tài ba, với tư duy vượt trước thời đại, dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm; một người lãnh đạo hết lòng, hết sức lo toan cho cuộc sống của Nhân dân; một người con ưu tú của dân tộc, của Nam bộ, Sài Gòn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh hồn hậu chân tình, một đồng chí thân thương, chí tình chí nghĩa và một người luôn hết lòng tri ân những thế hệ đi trước, hết lòng giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau...”. Đó là những lời chia sẻ chân tình, giàu cảm xúc của đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong bài viết “Thủ tướng Phan Văn Khải và sự quan tâm đổi mới, hội nhập quốc tế”. Báo SGGP trân trọng giới thiệu bài viết này của đồng chí Lê Thanh Hải.

Anh Sáu (tên thân mật của nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải) là một người con ưu tú của dân tộc. Sinh ra trên mảnh đất Củ Chi “đất thép thành đồng”, thoát ly gia đình tham gia hoạt động cách mạng tại vùng đất Gia Định thân thương, rồi tập kết ra Bắc, được đào tạo tại nước ngoài và rồi trở lại lãnh đạo thành phố trong những năm mà thành phố này góp phần tạo nên những tiền đề thực tiễn rất sống động để Trung ương hình thành đường lối đổi mới. Những năm tháng đầu tiên của “đổi mới” đầy khó khăn, thử thách đó cũng chính là môi trường để trui rèn bản lĩnh của người cán bộ. Khi đó, với vai trò là người đứng đầu chính quyền thành phố, anh Sáu đã trăn trở, lo toan, dò dẫm thực hiện những bước đi đầu tiên hết sức quan trọng để đưa thành phố Hồ Chí Minh phát triển và từng bước hội nhập quốc tế. Trong những năm tháng đó, tôi có một khoảng thời gian làm việc cùng anh Sáu, với tình đồng chí vừa ấm áp thiêng liêng, vừa chân tình nồng đượm, giữa anh Sáu và tôi đã có rất nhiều chuyện để nhớ, những kỷ niệm không thể nào quên và tôi cũng đã học được rất nhiều từ anh.

Đồng chí Phan Văn Khải, nhà lãnh đạo với tư duy đột phá trong hội nhập quốc tế

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, anh Sáu Khải là một chuyên gia về kinh tế, được đào tạo bài bản về kinh tế kế hoạch tại Liên Xô và có nhiều năm làm công tác kế hoạch và điều hành nền kinh tế đất nước. Một trong những mốc son trong thời kỳ anh Sáu làm Thủ tướng là việc thúc đẩy Việt Nam và Hoa Kỳ hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại Song phương (BTA), đánh dấu bước tiến lịch sử trong quá trình bình thường hóa quan hệ hoàn toàn giữa hai nước. Cũng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh, các bộ, ngành của Việt Nam đã hoàn tất đàm phán để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cuối năm 2006, chính thức hóa quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở phạm vi toàn cầu, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển, tạo vị thế mới của đất nước ta trong những năm sau đó. Với những người hiểu rõ về anh đều biết tư duy và hành động theo quan điểm “tích cực, chủ động hợp tác quốc tế” đã được anh Sáu ấp ủ, nung nấu, suy nghĩ, vận dụng từ lâu, từ thời anh giữ nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Ngay từ buổi đầu của “đổi mới”, khi là người đứng đầu chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, anh đã thể hiện một tư duy đột phá hết sức năng động và sáng tạo trong việc điều hành kinh tế của thành phố này và chủ động hội nhập quốc tế. Nhớ lại quãng thời gian cách đây 30 năm, thời điểm đó, công cuộc “đổi mới” vừa mới được khởi động, tư duy cũ, cách làm cũ vẫn còn nặng nề, những bước chuyển chỉ vừa chớm bắt đầu, hai đầu Tổ quốc tiếng súng vẫn còn vang, sự hỗ trợ của Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa đã kết thúc, đất nước oằn mình trong cảnh bao vây cấm vận, với trọng trách của mình anh Sáu đã tận tâm, tận sức cùng tập thể lãnh đạo và Nhân dân thành phố lao tâm khổ tứ, nghiên cứu tìm tòi các bước đi đầu tiên trong đổi mới của thành phố. Trong bối cảnh đó, với tư duy đổi mới, anh Sáu hết sức quan tâm đến thúc đẩy phát triển kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường và đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Một trong những kỷ niệm đậm nhất anh Sáu để lại trong tôi là việc anh dẫn đầu đoàn đại biểu thành phố đi thăm bốn nước Đông Nam Á để tìm hiểu về kinh tế, vận động đầu tư, mở ra cơ hội hợp tác quốc tế. 

Năm 1988, sau nhiều cuộc thảo luận, anh Sáu với vai trò Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố được phép dẫn đoàn đi nước ngoài khảo sát, tôi với nhiệm vụ là Phó Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch của thành phố may mắn được tháp tùng chuyến đi đặc biệt này. Với tiến trình và kết quả hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, khi mà xuất cảnh đi nước ngoài là một việc hết sức đơn giản, chắc khó có thể hiểu hết được những khó khăn của đoàn công tác lúc đó. Trong điều kiện bị cấm vận, anh Sáu tuy là lãnh đạo cao nhất của chính quyền thành phố, nhưng lại phải sử dụng visa với danh nghĩa là trưởng đoàn doanh nhân thành phố Hồ Chí Minh. Trong kế hoạch ban đầu đoàn dự định đi đến Hồng Công nhưng sau khi đi 4 nước Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines, có gặp vài trục trặc nên chuyến đi đến Hồng Công không thực hiện được.

Điểm đến quan trọng của chuyến đi là Singapore, quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh nhất, năng động nhất trong khu vực. Thời điểm này, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và nước ta nói chung chưa có quan hệ ngoại giao với Singapore nên đoàn gặp rất nhiều khó khăn trong việc liên hệ gặp gỡ, trao đổi cũng như không thể thăm trực tiếp nhiều nơi. Đơn cử như đoàn muốn đến thăm cảng Singapore nhưng không được chấp nhận, nên đoàn đành phải lên tầng cao của một tòa nhà đang xây để quan sát và hỏi, tìm hiểu. Rồi cả chuyến đi, đến nơi nào anh Sáu cũng chăm chú nghe những bài học, những kinh nghiệm, những lời khuyên mà chủ nhà đưa ra. Sau mỗi buổi gặp, mỗi buổi làm việc, anh Sáu đều trò chuyện, nhắc lại để chúng tôi thảo luận thêm gắn với tình hình thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh. 

Trong suốt chuyến đi, tại quốc gia nào, điểm đến nào anh Sáu cũng giới thiệu hết sức tâm huyết về các chính sách mới ban hành trong việc kêu gọi đầu tư nước ngoài như Luật Đầu tư 1987, Nghị định 139. Anh Sáu luôn khẳng định một cách mạnh mẽ rằng Việt Nam muốn hợp tác làm ăn với các nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á. Bây giờ đề cập đến chuyện kêu gọi, vận động đầu tư nước ngoài là rất bình thường. Song 30 năm trước, nói tới chuyện kêu gọi đầu tư thôi đã là chuyện lạ rồi. Thế nhưng, vì sự phát triển của thành phố, vì nỗi trăn trở chăm lo cải thiện đời sống Nhân dân, anh Sáu đã tìm cách đi dù với danh nghĩa là doanh nhân để tìm cách kêu gọi, kéo đồng tiền về đầu tư cho thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời điểm bị bao vây, cấm vận mà có suy nghĩ, tư duy đột phá như vậy thật sự là không có nhiều người.

Tôi vẫn còn nhớ, có lần tôi đến nhà anh Sáu, hai anh em uống trà, trò chuyện thân mật về định hướng phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Anh Sáu bộc bạch: “Nếu mà kiếm được 50 triệu USD thôi, tao sẽ làm kinh tế thành phố phát triển nhanh hơn và sẽ thay đổi bộ mặt của thành phố”. Từ những suy nghĩ này, gắn với việc tìm cách đi nước ngoài tìm hiểu kinh tế, kêu gọi, vận động đầu tư mở ra đột phá về hội nhập quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình điều hành hoạt động của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh của anh. Những bài học đó, những kinh nghiệm hay những câu chuyện trong chuyến công tác nước ngoài của anh Sáu thu thập được trong thời gian anh ở thành phố, đều có ảnh hưởng đến các quyết định của anh cũng như cho sự phát triển kinh tế đất nước về sau này rất nhiều.
Thủ tướng Phan Văn Khải và sự quan tâm đổi mới, hội nhập quốc tế ảnh 1 Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tham quan sản phẩm nông nghiệp tại lễ công bố huyện Củ Chi đạt chuẩn nông thôn mới vào ngày 9-9-2015. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí Phan Văn Khải đã trao cho thành phố Hồ Chí Minh “cây gậy quý”
Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, trong các nội dung chính của Nghị quyết Quốc hội thì nội dung phân cấp, ủy quyền đối với chính quyền thành phố Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng. Với tư duy đột phá của mình, vào đầu những năm 2000 khi là Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phan Văn Khải đã ký ban hành Nghị định về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh.  Giai đoạn những năm 2000, đồng chí Phan Văn Khải, anh Sáu Khải, được phân công đảm đương trọng trách Thủ tướng Chính phủ. Anh Sáu đã có sự quan tâm lớn đến đổi mới chính sách, đổi mới kinh tế, đến hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính cũng như công tác xây dựng Đảng. Trong thời điểm này, tôi được phân công giữ nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và có ấn tượng sâu sắc đối với anh Sáu. Khi đó, anh Sáu đã mở ra cho thành phố Hồ Chí Minh cơ chế tuy không gọi là đặc thù nhưng đã giúp để phát huy tính chủ động, sáng tạo cho thành phố. Cụ thể, năm 2001, Thủ tướng Phan Văn Khải ký Nghị định 93 (Nghị định 93/2001/NĐ-CP ngày 12-12-2001 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh). Nghị định 93 nêu rõ: “tăng cường phân cấp quản lý cho thành phố Hồ Chí Minh nhằm đề cao trách nhiệm và tạo điều kiện phát huy tính chủ động, sáng tạo để giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của thành phố Hồ Chí Minh trong phát triển kinh tế - xã hội tương xứng với vị trí, vai trò của thành phố với cả nước và khu vực”. Tôi còn nhớ rất rõ, nhờ nghị định này, thành phố Hồ Chí Minh được phân cấp quản lý về quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và phát triển kinh tế, xã hội; tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức.  Không những vậy, giá trị lớn nhất của nghị định chính là tính lan tỏa và là tiền đề thực tiễn mà khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 20 và Nghị quyết 16 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 đã “Cho phép thành phố được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn thành phố đặt ra trong quá trình phát triển, nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của Nhà nước không còn phù hợp”. Thật vậy, sau này nhiều nội dung trong Nghị định 93 đã dần được thể chế hóa vào nhiều quy định của pháp luật, cho thấy sự thành công, sức sống của những nội dung Chính phủ phân cấp cho thành phố; xét một phương diện khác, thành phố Hồ Chí Minh đã có sự “đóng góp tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước” như Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị đã khẳng định. Như vậy, việc Thủ tướng Phan Văn Khải ký ban hành Nghị định 93 vào thời điểm đó đã thể hiện rất rõ tư duy bên cạnh việc quan tâm thúc đẩy phải đổi mới đồng bộ, toàn diện và hội nhập quốc tế thì gắn liền với đó, thành phố Hồ Chí Minh là nơi có điều kiện thể nghiệm những cơ chế, chính sách mới để từ thực tiễn khái quát lên thành chính sách chung. Nghị định 93 còn chứa đựng tinh thần trao cho thành phố Hồ Chí Minh những điều kiện để phát triển tương xứng với vị trí, vai trò của thành phố Hồ Chí Minh đối với đất nước và khu vực. Đồng chí Phan Văn Khải - một tấm lòng sắc son vì Dân, vì Nước
Sau 59 năm tham gia hoạt động cách mạng, với hai nhiệm kỳ giữ trọng trách là người đứng đầu Chính phủ, cùng với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị lèo lái vận mệnh quốc gia, anh Sáu rời khỏi chính trường về vui cảnh điền viên giữa tình chòm xóm tại quê nhà xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Trong quãng thời gian nghỉ hưu, anh Sáu cũng không hề nghỉ ngơi mà tập trung chăm lo những việc mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn. Trong đó, với tâm huyết của mình, anh Sáu đã chủ trì đề xuất ý tưởng và cùng tham gia vào công trình xây dựng Khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định từ khi có Đảng đến ngày thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Tuy tuổi đã cao, song anh Sáu vẫn tận sức chăm lo, quan tâm từng chút một, từ thiết kế chung đến từng loại ngói, cụ thể từng tấm bia bằng chất liệu gì được dùng trong công trình; nội dung ghi danh, mỗi chữ, mỗi dấu gạch ngang trên tấm bia đều được sự xem xét, góp ý rất cẩn trọng, tâm huyết của anh Sáu. Đến cả việc tạo cảnh quan, trồng cây xung quanh Khu Truyền thống, anh Sáu cũng quan tâm, góp ý lựa chọn từng loại cây đảm bảo sự tiêu biểu cho các vùng miền của đất nước. Cái cây này từ vùng sông nước Cửu Long, miền Đông Nam bộ, miền Trung - Tây Nguyên, cái cây kia từ Nghệ An, Thanh Hóa, Cao Bằng, Tuyên Quang… anh Sáu đều quan tâm, nhắc nhở. Không những vậy, anh Sáu còn tích cực tham gia công tác chỉ đạo việc bảo tồn tại các căn cứ địa kháng chiến của Xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam trên chiến trường Nam bộ trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Song song đó, là việc tổ chức biên soạn các sách hồi ký kháng chiến, cũng như các phim tư liệu về những năm tháng hào hùng đã qua. Gần đây nhất, được sự đồng ý của Ban Bí thư, anh Sáu đã nhận trách nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Sách Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đây là một công trình lớn, do Ban Bí thư giao cho Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện; thật đáng tiếc là anh Sáu đã không kịp nhìn thấy tâm huyết của mình được hoàn thành. Để kể những kỷ niệm và những điều học tập từ một nhân cách lớn, một tấm lòng sắc son vì Dân, vì Nước như anh Sáu Phan Văn Khải thì không biết bao nhiêu giấy bút, bao nhiêu lời văn cho đủ. Chỉ có thể nói rằng, đó là một nhà lãnh đạo tài ba, với tư duy vượt trước thời đại, dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm; một người lãnh đạo hết lòng, hết sức lo toan cho cuộc sống của Nhân dân; một người con ưu tú của dân tộc, của Nam bộ, Sài Gòn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh hồn hậu chân tình, một đồng chí thân thương, chí tình chí nghĩa và một người luôn hết lòng tri ân những thế hệ đi trước, hết lòng giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
LÊ THANH HẢI
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị
Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM

Tin cùng chuyên mục