Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự

Chiều 10-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự (PTDS) quốc gia đã có kết luận về phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo, thảo luận nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, PTDS là một nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, là bộ phận của phòng thủ đất nước. Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng công tác PTDS, ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn còn một số tồn tại, hạn chế cần rút kinh nghiệm và khẩn trương khắc phục. Trong đó có vấn đề xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho PTDS còn hạn chế; công tác dự báo, cảnh báo còn hạn chế; phương án ứng phó với từng loại thảm họa, sự cố có nơi xây dựng chưa sát với điều kiện, tình hình thực tế của địa bàn; phương châm "bốn tại chỗ", "ba sẵn sàng" nhiều nơi còn tính hình thức.

Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục diễn biễn phức tạp, khó lường, các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống (thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh năng lượng…) có thể xảy ra bất cứ khi nào, đòi hỏi chúng ta không được phép lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cũng không hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh. Cần chủ động nắm bắt, phân tích tình hình, không để bị động, bất ngờ về chiến lược.

Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng chỉ đạo, hoạt động PTDS lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ, dân phòng, công an xã, phường, thị trấn. Lực lượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm của quân đội nhân dân, công an nhân dân và các bộ, ngành, địa phương; lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia. Phải chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước; thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ" kết hợp với chi viện, hỗ trợ của Trung ương, các địa phương và cộng đồng quốc tế. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PTDS.

Cùng với đó, hoàn thành việc kiện toàn tổ chức cơ quan chỉ huy PTDS, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp. Xây dựng lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm PTDS đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tham mưu, đáp ứng yêu cầu ứng phó kịp thời, chính xác, hiệu quả.

“Nhiệm vụ PTDS không chỉ của hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp mà phải dựa vào người dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng nêu.

Bộ Quốc phòng làm tốt vai trò cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo. Bộ Công an rà soát phương án điều động, chi viện lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống cháy nổ, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn; xử lý nghiêm vi phạm trong ứng phó, khắc phục với các sự cố, thiên tai, dịch bệnh.

Thủ tướng giao Bộ Công thương chỉ đạo rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó sự cố tràn dầu, khai thác khoáng sản... Bộ GTVT tăng cường quản lý hoạt động của các phương tiện vận tải, nhất là phương tiện vận tải khách, đảm bảo trước, trong và sau khi có sự cố, thiên tai xảy ra. Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ cơ số thuốc dự phòng cần thiết; triển khai lực lượng khám chữa bệnh, hướng dẫn người dân bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho người và vật nuôi trước, trong, sau khi có dịch, thiên tai…

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung hoàn thiện Chiến lược quốc gia PTDS, trong đó lấy phòng ngừa là chính, xác định nhiệm vụ phòng thủ dân sự không chỉ của hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp mà phải dựa vào người dân, doanh nghiệp. Nâng cao nhận thức cộng đồng về hoạt động PTDS, phòng tránh thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nâng cao khả năng thích ứng với diễn biến, tình hình thiên tai, sự cố của người dân…

Thông tin tại hội nghị cho biết, từ 1-1-2022 đến 28-2-2023, thiên tai, sự cố đã xảy ra gần 8.000 vụ, gây thiệt hại lớn về người; riêng thiệt hại vật chất do thiên tai khoảng 5.065 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so cùng kỳ năm 2021. Đến nay, đã có 58/63 tỉnh thành kiện toàn Ban Chỉ huy PTDS - phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; kiện toàn biên chế lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm.

Năm 2022, cả nước đã huy động hàng trăm ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ, gần 22.000 lượt phương tiện tham gia ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; xử lý hiệu quả 5.378 vụ, cứu được 5.385 người và 342 phương tiện; tổ chức di dời trên 32.000 hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm…

Tin cùng chuyên mục