Trong 10 năm trở lại đây, mô hình tình trạng dinh dưỡng của người Việt Nam đang thay đổi theo hướng dinh dưỡng chuyển tiếp, nghĩa là chúng ta đang chịu ảnh hưởng của gánh nặng kép về dinh dưỡng khi suy dinh dưỡng dù có cải thiện nhưng vẫn còn ở mức cao, xuất hiện vấn đề thừa cân béo phì với mức độ gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở các thành phố lớn. Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2013, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân béo phì cả nuớc là 6,5%, trong đó TPHCM là 15,76%. Ở lứa tuổi tiểu học tỷ lệ này còn cao hơn rất nhiều.
Nguyên nhân gia tăng thừa cân béo phì
Tỷ lệ thừa cân béo phì gia tăng nhanh chóng liên quan đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Đô thị hóa, công nghiệp hóa làm thay đổi lối sống theo chiều hướng bất lợi cho sức khỏe, chủ yếu là dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể chất. Trẻ em đang chịu nguy cơ tăng cân do xu hướng các gia đình ít con lại có điều kiện kinh tế nên chăm chút cho con mình nhiều hơn.
Hơn 90% trường hợp thừa cân béo phì có nguyên nhân nguyên phát chủ yếu từ môi trường, cách nuôi dưỡng, một số rất ít do các nguyên nhân thứ phát như: di truyền, nội tiết, thần kinh, thuốc...
- Do quan niệm sai lầm trong nuôi dưỡng ngay từ khi trẻ còn nhỏ:
+ Trẻ không được bú mẹ do mẹ bận đi làm, mẹ lo lắng khi trẻ không tăng cân nhanh như trẻ bú bình...
+ Nỗi lo sợ của cha mẹ về “suy dinh dưỡng” nên ép trẻ ăn quá nhiều, không tôn trọng cảm giác no của trẻ.
+ Tư tưởng thích con bụ bẫm, cho rằng trẻ bụ bẫm mới dễ thương, trẻ mập mới khỏe, áp lực nuôi con phải bụ bẫm mới thể hiện sự chăm sóc chu đáo... nên thường cho trẻ ăn nhiều hơn nhu cầu.
+ Nhiều người còn quan niệm trẻ nhỏ nuôi cho mau lớn để dành khi ốm đau sụt cân là vừa, hoặc trẻ nhỏ phải mập mạp, sau này cao lên ốm lại là vừa...
- Một số phụ huynh dù con bị thừa cân béo phì vẫn cho rằng đây là lợi thế, vẫn muốn con tăng cân thêm nữa và tiếp tục cho trẻ ăn nhiều hơn nhu cầu.
- Công nghệ chế biến và quảng cáo thực phẩm theo hướng bất lợi cho sức khỏe nhưng lại tiện lợi, các món ăn nhanh rất ngon nhưng lại giàu năng lượng, nhiều đường, muối như gà rán, xúc xích, thịt nguội, bánh, kẹo, nước ngọt...
- Môi trường sống chật hẹp, hạn chế vận động kết hợp phương tiện giải trí ngày càng phát triển và dễ dàng tiếp cận như game, ti vi, internet... làm trẻ dành thời gian hoạt động tĩnh tại nhiều hơn...
Trẻ nào dễ bị béo phì?
- Trẻ có cha hoặc mẹ béo phì
- Xem ti vi, đọc truyện, chơi game, vi tính quá nhiều.
- Con trong gia đình khá giả.
- Con một hoặc chỉ sống với cha hoặc mẹ.
- Có thói quen ăn đêm sau 20 giờ.
- Có thói quen ăn ngọt, ăn vặt, ăn hàng quán.
- Không có thói quen ăn rau và trái cây nhiều.
- Không có thói quen tập thể dục, thể thao.
Hệ lụy của thừa cân béo phì
Hậu quả của thừa cân béo phì lên đời sống của trẻ rất lớn.
Về mặt sức khỏe, nhiều nghiên cứu cho thấy nếu trẻ béo phì có cân nặng > 200% so với cân nặng lý tưởng sẽ có nguy cơ tử vong cao gấp 12 lần, tử vong tăng cao khi béo phì kèm tăng mỡ bụng. Béo phì là nguy cơ của bệnh đái tháo đường, bệnh lý tim mạch cũng như các biến chứng khác như ngưng thở lúc ngủ do tắc nghẽn hô hấp, bệnh lý sỏi mật, ung thư, bệnh xương khớp và da... Trẻ béo phì dễ có nguy cơ dậy thì sớm hoặc rối loạn kinh nguyệt, có thể ảnh hưởng khả năng sinh sản cũng như hạn chế về chiều cao... trẻ béo phì còn có nguy cơ trở thành người lớn béo phì.
Về mặt cảm xúc, trẻ béo phì dễ có nguy cơ tự ti, không hài lòng về hình dáng, dễ stress, trầm cảm...
Về mặt xã hội: Trẻ có nguy cơ bị kỳ thị, chọc ghẹo, bắt nạt...
Thừa cân béo phì đang là mối nguy về sức khỏe cho cả cộng đồng với tốc độ gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở trẻ em vì nó ảnh hưởng lên tầm vóc, trí tuệ, sức khỏe của cả một thế hệ. Phòng chống thừa cân béo phì gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là gia đình của trẻ. Cần có sự thay đổi nhận thức, quan niệm, hiểu đúng về sự tăng trưởng phát triển bình thường của trẻ, tạo thói quen ăn uống lành mạnh, lối sống năng động ngay từ khi còn nhỏ cho đến trưởng thành.
BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
PCT HĐQT Công ty NutiFood