
Từ ngày 1-6-2005, TPHCM chính thức thực hiện chủ trương khám chữa bệnh (KCB) miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi. Vạn sự khởi đầu nan. Sau 3 tháng đầu bệnh nhân bị “hành” bởi nhiều loại thủ tục và quy định phân tuyến, các cơ sở y tế cũng rơi vào hoàn cảnh lúng túng, đến nay guồng máy đã bắt đầu quay theo đúng định hướng.
Giảm gánh nặng cho bệnh nhân
Do tai nạn cháy cồn, cháu Ngô Duy L. (2 tuổi, ngụ đường Phạm Văn Chiêu phường 12 Gò Vấp) bị phỏng 91% cơ thể. Toàn thân cháu quấn băng trắng toát, chỉ còn trống đôi mắt và mũi. Mỗi lần thay băng, rửa vết thương và thoa thuốc, 4, 5 điều dưỡng phải tập trung thao tác cùng lúc.

Bé Phạm Nguyên Trương (quận 5) bị teo thực quản bẩm sinh được phẫu thuật lần thứ 3 và chăm sóc ở BV Nhi đồng 1. Ảnh: N.T.
Chị Trần Thị Thùy Dung, mẹ cháu L. cho biết: chi phí thuốc, vật dụng, hóa chất, kể cả nuôi ăn cho cháu tốn từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng/ngày. Đã 15 ngày nằm viện, tất cả đều được BV Nhi đồng 1 miễn phí toàn bộ. Nếu bệnh viện không miễn phí, đến nay gia đình khó tránh khỏi cảnh nợ nần.
Tại khoa hồi sức ngoại BV Nhi đồng 1, do ngay từ lúc sinh đã phải nằm viện suốt nhiều tháng liền nên không ít cháu vẫn chưa có tên, bệnh viện phải lấy tên mẹ ghi vào hồ sơ. Con của chị Võ Thị Thanh Th. (Củ Chi) bị một bệnh lý phức tạp ở đại tràng, đã nằm viện suốt 2 tháng, chi phí trên 15 triệu đồng. Một nhân viên y tế tiết lộ “với bệnh lý của cháu, rất khó có ngày về”.
Toàn bộ chi phí chữa bệnh cho cháu, bệnh viện không thu đồng nào. Những ngày cao điểm, trong tổng số 19 cháu dưới 6 tuổi nằm điều trị tại khoa hồi sức, có đến 15 trẻ dưới 6 tuổi, trong đó có nhiều trẻ khó khăn ở tỉnh được miễn phí.
Đặc biệt, hai bệnh viện nhi đã khám và chuyển hồ sơ 4 trẻ bệnh tim sang Viện Tim TPHCM phẫu thuật miễn phí (2.200 USD/ca). Chị Trần Thị Ngọc L. (quận 6) xúc động kể: “Trước đó 2 vợ chồng đã định dọn sang ở chung với ông bà, bán căn nhà nhỏ để lấy tiền mổ tim cho con. Nhưng khi biết con mình được hưởng chế độ miễn phí dưới 6 tuổi, gia đình tôi mừng lắm”.
Miễn phí cả ngoài giờ hành chính
Được biết, đầu tháng 9-2005, tại buổi làm việc với Ban Văn hóa-Xã hội của HĐND TPHCM, lãnh đạo UB Dân số-Gia đình và Trẻ em TP cho biết sẽ hoàn thành tiến trình cấp phát thẻ cho trẻ. Tuy nhiên, đến cuối tháng 12-2005, theo bác sĩ Hà Mạnh Tuấn - Phó giám đốc BV Nhi đồng 1, chỉ có 1/3 trẻ đến KCB tại bệnh viện là có được thẻ. Chính vì điều này mà nhiều gia đình phải đi lại nhiều lần để bổ sung giấy khai sinh hoặc hộ khẩu.
Tại BV Nhi đồng 2, vẫn còn trên 40% trẻ dưới 6 tuổi diện KT3 chưa có thẻ khi đến KCB. Bù lại, qua khảo sát tại nhiều bệnh viện, dù trẻ chưa có thẻ khi đến KCB, hầu hết các cơ sở y tế đều không làm khó như trước, chấp nhận cho bổ sung các thủ tục cần thiết sau. Đối với bệnh nhân vượt tuyến, các bệnh viện TP cũng không còn “hành” bệnh nhân phải quay về tuyến dưới xin giấy chuyển viện nữa.
Điều đáng ghi nhận là sau khi dư luận và báo chí phản ánh về việc “thẻ KCB miễn phí chỉ có giá trị trong giờ hành chính”, nhiều bệnh viện và TTYT đã tự tháo gỡ, bố trí thêm nhân lực tiếp nhận bệnh. Sau 17 giờ, kể cả ngày thứ bảy và chủ nhật, các TTYT như: Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Bình Thạnh, quận 5… đều tiếp nhận và KCB miễn phí hoàn toàn cho trẻ. Đặc biệt, trong tình trạng quá tải, BV Nhi đồng 1 cũng đã làm được điều này.
Anh Trương Tấn Đàng (ấp 2 xã An Phú Tây huyện Bình Chánh) bộc lộ cảm xúc: “Đến nay, dù đứa cháu chưa có thẻ, nhưng không làm tôi bận tâm. Bởi trong những lần đưa cháu đi KCB và nhập viện tại TTYT và bệnh viện nhi, chẳng những không bị thu tiền mà còn được cư xử tốt. Như thế, gia đình hài lòng lắm rồi”.
Đến nay, tuy chưa thật hoàn chỉnh nhưng TPHCM vẫn đang là địa phương thực hiện chủ trương KCB miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi khá tốt. Một số bệnh viện còn chủ động thực hiện vi tính hóa các thủ tục, hồ sơ KCB giúp giảm tải cho nhân viên y tế và bệnh nhân.
Đặc biệt, các tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bà Rịa-Vũng Tàu,… đã ký hợp đồng với các bệnh viện trọng điểm của thành phố để thực hiện KCB miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ của ngành y tế TP trong việc hỗ trợ các cơ sở y tế tại nhiều tỉnh thành phía Nam.
Số bệnh nhân, đặc biệt trẻ dưới 6 tuổi đến KCB tại tuyến y tế cơ sở tăng đáng kể. Tháng 6, Trung tâm Y tế (TTYT) Củ Chi tiếp nhận 570 lượt khám, tháng 9 tăng lên 1.800 lượt và tháng 12 tăng lên 2.826 lượt. Bệnh nội trú, tháng 6 có 390 trẻ dưới 6 tuổi nhập viện, tháng 12 tăng lên 672 trẻ. |
NGỌC TRƯỚC