Trong khi mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU đang có dấu hiệu leo thang liên quan vấn đề miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào châu Âu, báo Spiegel của Đức ngày 19-8 dẫn một tài liệu nội bộ của Vụ châu Âu thuộc Bộ Tài chính liên bang Đức cho biết, Liên minh châu Âu (EU) có thể phải tự hành động ở quy mô châu lục nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn.
Phương án B
Cho tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục thực hiện thỏa thuận ngăn chặn dòng người di cư đổ vào châu Âu mà nước này ký hồi tháng 3 vừa qua với EU để đổi lấy khoản hỗ trợ tài chính, đồng thời chờ đợi EU miễn thị thực nhập cảnh cho tất cả các công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào khối này, cũng như thúc đẩy tiến trình đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, EU đang tạm thời trì hoãn xem xét việc miễn thị thực trên do những tranh cãi liên quan tới luật chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như hoạt động trấn áp cứng rắn của Ankara đối với những phần tử tham gia và ủng hộ cuộc đảo chính vừa qua. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu trước đó đã ra tối hậu thư cho EU, yêu cầu khối này thực hiện cam kết miễn thị thực nhập cảnh cho các công dân Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 10 tới, nếu không Ankara sẽ hủy thỏa thuận đã ký với liên minh này. Nếu điều đó xảy ra, sẽ có hàng trăm ngàn người tị nạn tràn vào châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Người di cư đang tìm cách vào châu Âu
Trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ tái áp dụng án tử hình thì các cuộc đàm phán về gia nhập EU của nước này cũng như thỏa thuận kiềm chế người tị nạn EU-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đổ vỡ. Ngoài ra, trong trường hợp EU không dỡ bỏ thị thực cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10 tới, Ankara cũng sẽ rút khỏi thỏa thuận này với EU. Tờ Spigel trích dẫn một tài liệu của Bộ Tài chính Đức đánh giá nếu thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ không được tuân thủ, EU có thể phải tự hành động ở quy mô châu Âu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn. Cụ thể, Cơ quan Biên phòng châu Âu (Frontext) cần phải tự bảo vệ biên giới ngoài EU ở khu vực giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ một cách chắc chắn. Theo kế hoạch này, các trường hợp được phép tị nạn ở châu Âu hoặc vì lý do nhân đạo không thể bị từ chối sẽ được tập hợp ở các trại tiếp nhận tị nạn gần biên giới, được đăng ký ở đó và có thể được phân bổ theo hạn ngạch tới các nước thành viên. Ngoài ra, với “kế hoạch B”, Đức phải cân nhắc mở rộng kiểm soát khu vực biên giới của mình với Thụy Sĩ và Pháp trong trường hợp lộ trình di cư bị thay đổi. Trong kế hoạch này, châu Âu cần có sự hợp tác và hỗ trợ chặt chẽ của Hy Lạp và những nước thứ ba, kể cả phải gây sức ép về tài chính.
Kiểm soát lâu dài tuyến lộ trình Balkan
Trong bối cảnh làn sóng di cư ồ ạt từ khu vực Trung Đông, Bắc Phi (các nước đang xảy ra xung đột vũ trang) sang châu Âu vẫn tiếp diễn, làm dấy lên lo ngại về tình hình an ninh bất ổn tại các quốc gia tiếp nhận người nhập cư. Áo cho rằng cần phải tiến hành kiểm soát lâu dài đường biên giới dọc tuyến lộ trình Balkan như một biện pháp nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn đổ vào châu Âu.
Trả lời phỏng vấn trên báo Bưu điện sông Rhein (RP) của Đức ngày 19-8, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz khẳng định, cần đóng cửa tuyến lộ trình Balkan và nó sẽ giúp ngăn chặn người tị nạn từ một nước EU như Hy Lạp đi vào một nước không thuộc EU như Macedonia. Nhà ngoại giao Áo cũng chỉ trích chính sách của Thủ tướng Đức Angela Merkel khi mở cửa chào đón người tị nạn hồi tháng 9 năm ngoái. Ông cũng kêu gọi châu Âu phải xem xét lại Hiệp ước Dublin, cũng như phải áp dụng các nguyên tắc của những nước đã ngăn chặn thành công dòng người tị nạn, như Tây Ban Nha hay Australia. Theo ông, các trường hợp di cư bất hợp pháp sẽ không được phép tị nạn ở châu Âu.
HẠNH CHI (tổng hợp)