Thúc đẩy quá trình “tri thức hóa nông dân”

Hội Nông dân Việt Nam sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng cho nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc có đủ năng lực trở thành chủ tịch, giám đốc hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, để thúc đẩy quá trình “tri thức hóa nông dân”, xây dựng lực lượng nông dân chuyên nghiệp.

Ngày 12-8 tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khai mạc Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khoá VII).

Hội nghị diễn ra trong hai ngày 12 và 13-8, bàn và quyết định một số nội dung quan trọng: sơ kết công tác hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2023; giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031…

Nông dân xuất sắc năm 2023, ông Sơn Mười ở ấp Đại Trường, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh với mô hình trồng lúa. Ảnh: HUỲNH XÂY

Nông dân xuất sắc năm 2023, ông Sơn Mười ở ấp Đại Trường, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh với mô hình trồng lúa. Ảnh: HUỲNH XÂY

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, những tháng đầu năm, nông dân đã gặp không ít khó khăn như giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi không ổn định, tăng cao, trong khi giá một số nông sản, nhất là thịt heo hơi, gia cầm... thấp, tiêu thụ khó khăn, đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Công tác phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua chậm được đổi mới. Việc xây dựng, nhân rộng các hợp tác xã, tổ hợp tác, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp; mô hình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị còn gặp nhiều khó khăn.

Hoạt động tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ cho nông dân ở một số nơi còn thụ động, chưa chủ động, tích cực, còn trông chờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Đề cập dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Lương Quốc Đoàn cho biết, trong 16 chỉ tiêu đặt ra cho nhiệm kỳ 2023 - 2028 thì chỉ tiêu vận động từ 300.000 hội viên trở lên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, có ý kiến cho rằng chỉ tiêu này cao, đề nghị bỏ vì khó thực hiện.

Về chỉ tiêu tăng trưởng Quỹ hỗ trợ nông dân bình quân từ 10% mỗi năm trở lên, trong đó 2% là vận động từ nguồn ngoài ngân sách. Có ý kiến cho rằng không nên xác định nguồn vận động ngoài ngân sách, có ý kiến đề nghị xác định cụ thể trong 10% có bao nhiêu phần trăm là từ nguồn ngoài ngân sách.

Mô hình trồng chanh của hội viên nông dân xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: THANH TÂM

Mô hình trồng chanh của hội viên nông dân xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: THANH TÂM

Dự thảo của Hội Nông dân Việt Nam đã nêu một số nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp trong nhiệm kỳ mới, đó là tập trung đào tạo, bồi dưỡng cho nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc có đủ năng lực phấn đấu trở thành chủ tịch, giám đốc hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, trở thành hạt nhân góp phần thúc đẩy quá trình “tri thức hóa nông dân”, tạo bước đột phá trong xây dựng lực lượng nông dân chuyên nghiệp.

Đồng thời, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã do hội nông dân hướng dẫn thành lập liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số...

Tin cùng chuyên mục