Thúc đẩy sản phẩm CNTT thương hiệu Việt

Thống kê mới nhất về mua sắm sản phẩm CNTT của 20 bộ, cơ quan ngang bộ và 56 địa phương cho thấy, đối với các sản phẩm phần cứng như máy chủ, các thiết bị chuyển mạch… đa số các cơ quan sử dụng sản phẩm sản xuất ở nước ngoài và đặc biệt là các sản phẩm này vẫn chưa sản xuất được ở Việt Nam.

Thống kê mới nhất về mua sắm sản phẩm CNTT của 20 bộ, cơ quan ngang bộ và 56 địa phương cho thấy, đối với các sản phẩm phần cứng như máy chủ, các thiết bị chuyển mạch… đa số các cơ quan sử dụng sản phẩm sản xuất ở nước ngoài và đặc biệt là các sản phẩm này vẫn chưa sản xuất được ở Việt Nam.

Tuy nhiên, sản phẩm CNTT thương hiệu Việt vẫn có một tỷ trọng nhất định. Cụ thể, ở mua sắm phần mềm, kinh phí mua phần mềm năm 2011 là 351 tỷ đồng. Trong đó tại các bộ, đầu tư 188 tỷ đồng, tỷ lệ mua phần mềm trong nước chiếm 24,2% còn tại các địa phương, đầu tư 163 tỷ đồng, tỷ lệ mua phần mềm trong nước chiếm 34,3%. Các phần mềm phổ biến như phần mềm kế toán, phần mềm quản lý nhân sự, phần mềm quản lý bệnh viện, phần mềm một cửa điện tử… Tuy nhiên cũng không thể thoát khỏi việc phải mua các phần mềm của nước ngoài: phần mềm hệ điều hành Windows Server, hệ điều hành cơ sở dữ liệu, phần mềm an ninh…

Còn với mua sắm phần cứng, kinh phí mua phần cứng năm 2011 là 904 tỷ đồng, trong đó tại các bộ là 591 tỷ đồng với tỷ lệ mua phần cứng trong nước chiếm 75,8% và tại các địa phương, 313 tỷ đồng với tỷ lệ mua phần cứng trong nước chiếm 65,7%. Đa phần sản phẩm phần cứng được mua là máy tính để bàn do các công ty trong nước sản xuất, như FPT Elead, CMS, VTB… đây là những dấu hiệu khá lạc quan cho sản phẩm CNTT thương hiệu Việt.

Chỗ đứng của sản phẩm CNTT thương hiệu Việt đang được khẳng định, điều này do các sản phẩm CNTT sản xuất trong nước phù hợp với người Việt Nam và có hướng dẫn sử dụng cụ thể, linh kiện thay thế dễ tìm kiếm nên thuận lợi trong việc sử dụng và bảo hành sau này. Về sản phẩm phần mềm, doanh nghiệp trong nước đã chú trọng phát triển một số sản phẩm như: thư điện tử, một cửa điện tử, văn phòng điện tử… đang được triển khai, ứng dụng ở hầu hết trong các cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm CNTT thương hiệu Việt vẫn còn nhiều hạn chế. Bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT-TT) nhận định: Sản phẩm CNTT thương hiệu Việt vẫn còn khiêm tốn trong mua sắm công vì thực tế doanh nghiệp Việt chủ yếu thực hiện lắp ráp, sản phẩm chưa đa dạng, khó khăn trong cạnh tranh với thiết bị nhập ngoại…

Chính vì thế, một số ý kiến cho rằng, công tác thiết kế và nguồn nhân lực rất cần thiết để nâng tầm thương hiệu các sản phẩm dịch vụ CNTT ở Việt Nam. Theo ông Phạm Huyền Kiêu - đến từ Hakibrand, Việt Nam nên học Đài Loan ở chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm, đó là chú trọng về thiết kế bởi sản phẩm CNTT được nhận diện ở 2 yếu tố phần mềm và phần cứng, với phần mềm khách hàng cảm nhận sản phẩm thông qua giao diện người dùng, còn phần cứng được cảm nhận thông qua kiểu dáng sản phẩm - tất cả đều liên quan đến thiết kế.

Nên nhớ là trong tài liệu của các hãng công nghệ Đài Loan thì phần giới thiệu về thiết kế chiếm tới 30 - 40%. Còn ông Fred NG, chuyên gia phân tích của Gartner nhận định, muốn nâng thứ hạng trên bản đồ IT thế giới và nâng cao thương hiệu sản phẩm và dịch vụ của mình, Việt Nam cần xây dựng một đội ngũ IT tài năng, không chỉ biết riêng lĩnh vực này mà phải biết các chuyên ngành khác. Để từ đó, đưa ra những chính sách phát triển hợp lý, tiết kiệm chi phí. Muốn vậy, đòi hỏi phải có sự quan tâm từ Chính phủ, sự nỗ lực từ chính đội ngũ IT và các hiệp hội, đoàn thể…

TẤN BA

Tin cùng chuyên mục