“Giao Thanh tra TPHCM tiếp tục theo dõi, có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc thực hiện dứt điểm các công việc chưa thực hiện xong, quy định thời gian thực hiện; báo cáo kết quả cho UBND TP”, là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài sau khi xem xét kết luận thanh tra của Chánh Thanh tra TP về việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra đã có hiệu lực pháp luật.
Khắc phục sai phạm: Dây dưa
Theo quy định của pháp luật, các biện pháp xử lý nêu trong những kết luận thanh tra đã có hiệu lực phải được tổ chức thực hiện nghiêm túc. Vậy nhưng, viện nhiều lý do khác nhau, các cá nhân, đơn vị, tổ chức có liên quan thi hành một cách dây dưa.
Kết quả đợt thanh tra kéo dài từ ngày 22-3 đến ngày 10-6-2010 cho thấy có đến 5 trong 10 kết luận thanh tra chưa được đối tượng thanh tra và các cơ quan liên quan thực hiện xong. Trong đó, có thể kể đến việc thực hiện kết luận thanh tra về việc cho thuê và sử dụng nguồn thu mặt bằng số 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai quận 3.
Theo nội dung kết luận thanh tra số 822 ngày 27-12-2007 của Chánh Thanh tra TP và chỉ đạo tại thông báo kết luận số 105 ngày 30-1-2008 của UBND TP, Liên hiệp Khoa học dịch vụ công nghệ và sản xuất (viết tắt PTC) có trách nhiệm thu hồi các khoản chi không có chứng từ, không đúng mục đích làm thiệt hại cho Công ty liên danh PTC-ARTKINS (bên Việt Nam), tổng cộng 223.950.490 đồng.
Tuy nhiên, PTC đưa ra lý do Công ty liên danh PTC-ARTKINS đã giải thể từ tháng 1-2005 nên không thể thu hồi số tiền này! Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường TP, đã gần 3 năm trôi qua kể từ khi kết luận thanh tra có hiệu lực nhưng vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm được giao là phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất tổ chức thu hồi mặt bằng số 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai.
Việc xử lý hành vi trốn thuế của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Bảo Ngọc Tú cũng chây ỳ tương tự. Phớt lờ kết luận thanh tra số 80 ngày 5-3-2008 của Chánh Thanh tra TP và Thông báo số 660 ngày 25-8-2008 của UBND TP, Giám đốc Công ty Bảo Ngọc Tú vẫn không hợp tác trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc không kê khai thuế đối với 5 dự án do công ty thực hiện.
Vậy nên Chi cục Thuế quận Tân Bình (đơn vị quản lý thuế trực tiếp đối với Công ty Bảo Ngọc Tú) chưa thu thập đủ chứng cứ về hành vi trốn thuế của công ty. Sau một thời gian chờ đợi sự tự giác của công ty mà không có kết quả, tháng 8-2009, Chi cục Thuế quận Tân Bình đã có văn bản gửi Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an quận Tân Bình điều tra làm rõ.
Xử lý cán bộ: chiếu lệ
Trong 10 vụ việc sai phạm đã có kết luận thanh tra có hiệu lực pháp luật, việc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân có sai phạm cũng chưa được thực hiện nghiêm túc, nếu đã thực hiện cũng mang tính chiếu lệ, hầu hết các trường hợp kiểm điểm đều chỉ ở mức độ phê bình, rút kinh nghiệm.
Chẳng hạn như theo tinh thần kết luận thanh tra số 128 ngày 27-3-2008 của Chánh Thanh tra TP và Thông báo kết luận số 661 ngày 25-8-2008 của UBND TP, UBND phường 1 quận Gò Vấp có trách nhiệm kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân có liên quan trong việc xác nhận nhà không tranh chấp trong hồ sơ xin nhập hộ khẩu vào nhà số 16 đường Nguyên Hồng. Thế nhưng, lấy lý do những cá nhân này hiện đã nghỉ hưu hoặc đã chết, UBND phường 1 quận Gò Vấp không tiến hành xử lý.
Trong vụ sai phạm liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phường 4 quận 8, dù có một phần trách nhiệm dẫn đến tình trạng bán nền không đúng đối tượng, sai mục đích của dự án (thể hiện qua kết luận thanh tra số 156 ngày 15-3-2007 của Chánh Thanh tra TP và Thông báo kết luận số 314 ngày 8-5-2007 của UBND TP), tập thể Phòng Quản lý đô thị quận 8 và Đội Quản lý trật tự đô thị quận 8 chỉ tự nhận hình thức phê bình rút kinh nghiệm.
Tương tự, sau khi để xảy ra những sai phạm khá nghiêm trọng tại Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Đay Sài Gòn, Hội đồng quản trị và Ban giám đốc công ty cũng tổ chức họp kiểm điểm nhưng chỉ dừng lại ở mức nhận thiếu sót, nghiêm túc rút kinh nghiệm... Trong khi nếu căn cứ vào mức độ sai phạm, hình thức xử lý lẽ ra phải nghiêm khắc hơn.
Mục đích của hoạt động thanh tra là nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục. Thế nhưng, việc thực hiện chậm hoặc chưa thực hiện dứt điểm kết luận và quyết định xử lý thanh tra như thời gian qua tại TPHCM đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra.
Để dẫn đến tình trạng trên, ngoài những nguyên nhân đã nêu còn do kẽ hở của luật pháp. Cụ thể là hiện nay chưa có biện pháp xử lý các đối tượng thanh tra không chấp hành nghiêm các kết luận thanh tra và thông báo kết luận, chỉ đạo của UBND TP; chưa có quy định việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc thiếu đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra. Do vậy, sửa đổi, bổ sung luật để có biện pháp xử lý nghiêm khắc những trường hợp chậm thực hiện kết luận thanh tra là việc cần thiết.
ÁI CHÂN